Chàng trai Việt kể nguyên tắc cần nhớ nếu không muốn mất tiền oan ở Nhật

Quốc Việt

(Dân trí) - Để việc đi lại thuận tiện hơn, Duy Cường vừa mua cho mình chiếc ô tô cũ trị giá 8 triệu đồng tại Nhật Bản. Anh cũng tự tổng kết những điều cần chú ý để không phải trả các khoản chi phí đáng tiếc.

Sau khi tốt nghiệp trường đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) chuyên ngành cơ khí, Duy Cường, sinh năm 1995, trúng tuyển vào một công ty chuyên sản xuất ô tô khá nổi tiếng tại Nhật Bản.

Rời quê nhà ở Bồng Sơn, Bình Định, anh một mình sang xứ người lập nghiệp với mong muốn được học hỏi, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm tại một đất nước có nền công nghiệp phát triển nhất nhì châu Á.

"Nhật Bản và Việt Nam có những nét tương đồng nhất định, nên việc thích nghi với cuộc sống mới không quá khó khăn. Nhưng với tôi, rào cản lớn nhất vẫn là ngôn ngữ. Nếu có ý định sang đây học tập và sinh sống, mỗi người nên chuẩn bị trước nền tảng ngôn ngữ nhất định, thì mọi việc sẽ đỡ vất vả", Cường nói.

Chàng trai Việt kể nguyên tắc cần nhớ nếu không muốn mất tiền oan ở Nhật - 1
Chiếc ô tô cũ có giá 8 triệu đồng được Cường mua ở Nhật.

Sau một thời gian sinh sống, để tiện đi lại, Cường đã thi đỗ bằng lái xe ô tô và mua cho mình một chiếc xe cũ. Nhật Bản vốn là nước sản xuất ô tô nên giá xe tại đây rất rẻ và ai cũng có thể mua được. Với anh, việc thi lấy bằng và mua ô tô cũng là một trải nghiệm rất thú vị.

"Tôi mua chiếc xe cũ đời 2009, chạy được 100.000km với giá quy đổi sang tiền Việt khoảng 8 triệu đồng. Đó là xe phân khối nhỏ, chở được 4 người. Tuy nhiên tiền bảo hiểm cả năm tương đương với giá tiền mua xe.

Ngoài ra, chủ xe phải thuê bãi đỗ với giá 1 triệu đồng chứ không được đậu xe bừa bãi, bảo hiểm tai nạn khoảng 800.000 đồng/năm, thuế xe khoảng hơn 3 triệu đồng/năm, phí kiểm định khoảng 8 triệu đồng trong thời hạn 2 năm một lần. Tôi thấy các khoản phí cũng hợp lý bởi tính ra còn rẻ hơn di chuyển bằng phương tiện khác", anh nói.

Chàng trai Việt kể nguyên tắc cần nhớ nếu không muốn mất tiền oan ở Nhật - 2
Anh cùng bạn bè đi cắm trại ở chân núi Phú Sỹ.

Là một quốc gia phát triển như Nhật Bản nên nơi này có rất nhiều điều mới lạ để anh Cường tìm hiểu. Sau hơn 4 năm làm việc và trải nghiệm cuộc sống, chàng trai Bình Định tự đúc rút ra một vài kinh nghiệm "nằm lòng" nếu không muốn bị mất tiền oan khi sống ở đây.

"Điều đầu tiên đó là cần giữ gìn chìa khóa cẩn thận. Nếu không may làm mất, có thể tiêu tốn 5 triệu đồng", anh nói.

Lý giải về điều này, Cường cho biết ở Nhật cũng có chỗ cắt chìa khóa nhưng không phổ biến. Xuất phát từ chính câu chuyện của mình, do một lần bất cẩn, anh làm mất chìa khóa nhà. Tuy nhiên, chủ nhà yêu cầu phải thay cả ổ khóa để đảm bảo an ninh, nên số tiền phải bỏ ra không nhỏ.

Tiếp đó là việc không được trực tiếp đổ dầu ăn thừa xuống đường ống thoát nước, bồn rửa bát. Đây là thói quen của nhiều bà nội trợ, nhưng điều này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa dễ gây tình trạng tắc nghẽn đường ống.

Tại Nhật Bản, để xử lý dầu ăn thừa sau khi nấu ăn, người ta đã phát minh ra một loại chất cô đặc từ thực vật. Chỉ cần cho chất này vào chảo còn nóng và khuấy đều vài lần, chỗ dầu thừa dần cô đọng lại. Cuối cùng, người thu dọn chỉ cần cho dầu đặc vào túi, sau đó đặt vào thùng phân loại rác theo quy định.

"Mùa đông ở Nhật rất lạnh nên thói quen đổ dầu thừa vào đường ống rất dễ gây tắc nghẽn. Mỗi lần như vậy, chi phí gọi thợ tới để khơi thông ống cống có thể tốn gần 10 triệu đồng. Chính vì vậy sau khi sang Nhật, tôi phải thay đổi luôn thói quen cũ", Cường lưu ý.

Ngoài ra, luật pháp tại Nhật Bản rất nghiêm và người dân có tinh thần kỷ luật cao, nên người nước ngoài khi sinh sống ở đây cần nghiêm chỉnh chấp hành theo quy định.

"Có những việc tưởng chừng là bình thường tại Việt Nam, nhưng nếu vẫn giữ thói quen đó khi sống ở Nhật Bản, bạn có thể bị phạt tiền. Ví dụ sử dụng xe đạp chỉ được đi một mình, không chở từ hai người trở lên để đảm bảo an toàn.

Việc phân loại rác thải tại Nhật Bản cũng quy định rất rõ và người dân đều thực hiện nghiêm túc. Đến đâu cũng thế thôi, khi chúng ta tới nơi ở mới đều phải nhập gia tùy tục", Cường nói.

Dù đã 4 cái Tết xa nhà không được về đoàn tụ cùng gia đình đúng ngày tết cổ truyền nhưng Cường vẫn tranh thủ các kỳ nghỉ khác trong năm để thăm cha mẹ, họ hàng và bạn bè.

Anh dự định sẽ tiếp tục công việc ở Nhật Bản thêm một thời gian nhằm tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và tài chính trước khi quay lại Việt Nam để cống hiến. 

Ảnh: Nguyễn Duy Cường