Ninh Bình

Chàng trai hồi sinh làng gốm cổ thất truyền hơn 10 thế kỷ

(Dân trí) - Sinh ra sau thời hoàng kim của làng nghề gốm cổ Bồ Bát hơn 10 thế kỷ, nhưng bằng lòng say nghề anh Phạm Văn Vang đã hồi sinh được nghề gốm quê mình. Với anh, nghề gốm không chỉ để mưu sinh mà còn tìm lại thời vàng son của ông cha bị thất truyền hơn 1.000 năm.

Mới gặp không ai nghĩ anh Phạm Văn Vang (SN 1981) làm chủ xưởng gốm rộng cả nghìn mét vuông ở làng Bạch Liên (là Bồ Bát xưa) xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Chàng nghệ nhân trẻ trông già dặn hơn cái tuổi của mình, bởi người anh thấp đậm, râu quai nón, nước da ngăm đen, từng trải nhiều sương gió.

Chàng trai hồi sinh làng gốm cổ thất truyền hơn 10 thế kỷ - 1

Anh Phạm Văn Vang bên các sản phẩm gốm Bồ Bát được hồi sinh sau hơn 10 thế kỷ bị thất truyền.

“Ông chủ” trẻ ít khi được thảnh thơi, bởi anh không chỉ lo các công đoạn sản xuất gốm, lo kỹ thuật nung mà còn lo đầu ra cho các sản phẩm làm sao có chỗ đứng trên thị trường. Nhiều năm qua, anh Vang làm việc quên thời gian, có lúc râu tóc mọc dài cũng chẳng buồn cắt.

Vừa mời khách uống chè pha bằng chính sản phẩm gốm do mình làm ra, anh Vang kể về “duyên nợ” của mình với nghề gốm. Anh sinh ra sau thời kỳ hoàng kim của nghề gốm Bồ Bát hơn 10 thế kỷ. Vì thế, khi anh có mặt trên cõi đời ở làng Bạch Liên chẳng còn lại dấu tích gì của một làng gốm nổi tiếng vang bóng một thời ở cố đô Hoa Lư cách đây hơn 1.000 năm.

Ngày còn bé, anh Vang chỉ được nghe các cụ cao niên kể lại rằng, từ thời xa xưa kia ở Bạch Liên nhà nào cũng làm gốm. Cả làng là một xưởng gốm khổng lồ. Thời hoàng kim nhất của làng gốm Bồ Bát là vào thời nhà Đinh - Lê, sau là thời Lý - Trần. Vì quá xa xưa nên gốm Bồ Bát chỉ còn lại là những câu chuyện lịch sử, điều này khiến Vang tò mò hơn về nghề gốm cổ của ông cha mình.

Chàng trai hồi sinh làng gốm cổ thất truyền hơn 10 thế kỷ - 2

Anh Vang hướng dẫn cho công nhân vẽ tranh lên sản phầm gốm.

Lớn lên, khi biết được làng gốm Bát Tràng nổi tiếng ở Hà Nội, tổ nghề chính là từ làng Bồ Bát di cư ra khi theo vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, anh Vang không theo con đường học hành mà đã khăn gói lên đường ra Hà Nội để theo học nghề. Từ đó, chàng trai trẻ mới ngoài đôi mươi bắt đầu gắn bó và say mê nghề gốm hơn.

Anh Vang cho biết, đến nay đã có hơn 17 năm gắn bó với nghề gốm. Đời nghề của anh cũng trải qua không ít những thăng trầm. Những năm đầu đi học nghề rồi làm thuê, bôn ba khắp nơi. Đến khi hội đủ những kinh nghiệm, là một thợ cứng anh đã cùng người vợ nên duyên từ nghề gốm cùng nhau về quê quyết tâm gây dựng lại thương hiệu gốm cổ Bồ Bát quê nhà.

Những năm đầu, anh Vang cùng những người thân trong gia đình trật vật sống với nghề. Bởi thương hiệu gốm Bồ Bát đã thất truyền quá lâu nên không ai biết đến. Anh vừa trực tiếp làm ra các sản phẩm, vừa lo quảng bá, giới thiệu để tiêu thụ được. Bên cạnh sản xuất, muốn khôi phục được nghề gốm, anh cũng là người trực tiếp mở các lớp dạy nghề để thu hút người dân đến với nghề gốm.

Chàng trai hồi sinh làng gốm cổ thất truyền hơn 10 thế kỷ - 3
Chàng trai hồi sinh làng gốm cổ thất truyền hơn 10 thế kỷ - 4

Các sản phầm gốm Bồ Bát độc đáo do anh Vang làm ra.

Anh Vang tâm sự: “Mặc dù Bồ Bát là nơi khởi thủy làng gốm Bát Tràng ngày nay, nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn chưa biết nghề, quy mô hoạt động còn nhỏ lẻ theo hộ gia đình”.

Với phương châm không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, sản phẩm bán với giá người thu nhập thấp cũng có thể mua. Các sản phẩm gốm anh Vang làm ra như: ấm chén, lộc bình, chuông gió, tranh, trang sức… đã thu hút nhiều khách hàng.

Sau hơn chục năm “sống chết với nghề”, giờ đây gốm Bồ Bát đã bắt đầu có tiếng trên thị trường không chỉ trong nước mà còn vươn ra cả quốc tế. Anh Vang đã bắt đầu mở rộng sản xuất với quy mô lớn hơn trước gấp cả chục lần.

Điểm lại những con số, anh Vang nhớ nhất, từ năm 2014 xưởng gốm của anh sản xuất gần 300 nghìn sản phẩm, doanh thu đạt hơn hai tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động, với mức lương bình quân từ 1,5 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2016, tăng 30% số sản phẩm; số lao động và thu nhập của người lao động cũng tăng.

Chàng trai hồi sinh làng gốm cổ thất truyền hơn 10 thế kỷ - 5

Gốm Bồ Bát không chỉ được hồi sinh mà giờ đã vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nỗ lực lập nghiệp từ nghèo khó, chàng thanh niên làng Bạch Liên đã vươn lên làm giàu từ chính nghề truyền thống của quê hương, góp phần gìn giữ bản sắc dòng gốm tưởng như đã thất truyền. Năm 2008, gốm Bồ Bát vinh dự có một gian hàng tại hội chợ triển lãm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội và được Trung ương Hội Nông dân trao tặng Huy chương vàng.

Ðặc biệt, trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, gốm Bồ Bát có mặt trong triển lãm sản phẩm các làng nghề cổ truyền. Năm 2015, sản phẩm gốm Bồ Bát được Bộ Công thương vinh danh trong lễ công bố và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 2015.

Nhiều năm liền anh Phạm Văn Vang được tỉnh tuyên dương là thanh niên làm kinh tế giỏi. Năm 2014, anh được Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tuyên dương là một trong 10 gương điển hình nông dân tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi; Anh Vang cũng đã được được UBND tỉnh Ninh Bình phong tặng Nghệ nhân Ưu tú.

Thái Bá