Chàng họa sĩ "biến hình" mâm gỗ cũ thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo
(Dân trí) - Bằng năng khiếu vẽ tranh của mình, chàng họa sĩ trẻ ở Thanh Hóa đã biến những chiếc mâm gỗ cũ thành tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, hút khách đặt hàng.
Đây là ý tưởng độc đáo của anh Hoàng Trọng Tuyển (SN 1985, thôn 2, xã Thiệu Vân, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Anh Tuyển hiện đang là họa sĩ và là "thầy đồ" chuyên viết thư pháp tại các lễ hội ở xứ Thanh.
Chia sẻ về ý tưởng vẽ tranh trên mâm gỗ, anh Tuyển cho biết, trong một lần tình cờ tham quan gian đồ cổ, thấy những chiếc mâm gỗ bị phai cũ theo thời gian, anh đã có ý tưởng sáng tác tranh vẽ trên mâm gỗ.
"Khi nhìn thấy những chiếc mâm bị nứt, thủng, bề mặt bị hoen úa theo thời gian, tôi liên tưởng đến việc dựa trên nền mâm gỗ để vẽ tranh. Lúc đầu chỉ vẽ những tác phẩm về chủ đề như ngũ quả, hoa, các linh vật. Về sau, tôi mở rộng đề tài và chủ đề, vẽ thêm những bức chân dung lên mâm gỗ", chàng họa sĩ chia sẻ.
Để thực hiện ý tưởng của mình, anh Tuyển tìm mua mâm gỗ cũ từ các cửa hàng sưu tầm đồ cổ. Mâm gỗ đa số có niên đại khoảng 30-40 năm, được làm từ gỗ mít, xà cừ..., sau khi mua về được mài nhẵn bề mặt mâm để việc lên mực khi vẽ tranh thuận tiện. Dựa vào kích thước, hình dáng của chiếc mâm, anh Tuyển sáng tác các chủ đề cho phù hợp. Theo anh Tuyển, có những chiếc mâm bị thủng phần bề mặt, anh phải kỳ công khắc phục lại rồi mới vẽ, hoặc sử dụng những họa tiết để tạo nên điểm nhấn tại vị trí bề mặt bị thủng.
Theo anh Tuyển, trung bình một ngày, anh có thể hoàn thiện 2 tác phẩm tranh trên mâm gỗ. Trong ảnh là tác phẩm Tổ sư thiền tông Bồ Đề Đạt Ma được anh Tuyển thực hiện cách đây không lâu.
Ngoài ra, một số nhân vật nổi tiếng, người truyền cảm hứng, những nét đẹp về phụ nữ đồng bào dân tộc cũng được anh Tuyển sử dụng làm chủ đề cho tác phẩm của mình. Anh cho biết, vẽ chân dung trên mâm gỗ khó hơn nhiều so với vẽ trên tranh thông thường.
"Bề mặt mâm gỗ không giống như các loại tranh khác, vì vậy khi vẽ cần đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, các chi tiết trên tranh phải hài hòa, cân đối, đặc biệt là các chi tiết như ánh mắt, nụ cười phải có hồn thì tác phẩm mới đạt yêu cầu", nam họa sĩ chia sẻ.
Tác phẩm chân dung cụ bà Đỗ Thị Mơ (quê xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân) - người từng được cộng đồng cả nước tán dương với hành động đẹp, tiêu biểu trong phòng trào thi đua yêu nước khi liên tiếp 2 năm đạp xe đến UBND xã xin thoát nghèo (Ảnh: NVCC).
Các con vật và hoa sen, một trong những chủ đề được anh Hoàng Trọng Tuyển sáng tác nhiều.
Anh Tuyển cho biết, mỗi tác phẩm tranh vẽ trên mâm gỗ sau khi hoàn thiện được bán ra thị trường từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Hiện, mỗi tháng anh xuất bán khoảng 10-15 tác phẩm với các chủ đề khác nhau. Khách hàng của anh trên mọi miền đất nước và đa số đặt hàng online.
Chia sẻ dự định về tương lai, anh Tuyển cho biết, vẽ tranh trên mâm gỗ là loại hình mới lạ, thời gian tới anh sẽ đa dạng hóa các chủ đề sáng tác. Cụ thể, anh đang ấp ủ sẽ vẽ tranh chân dung thiếu nữ ở 54 dân tộc của Việt Nam và các thiếu nữ vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Thanh Hóa.
"Đây là ý tưởng tôi đã ấp ủ từ lâu, sắp tới tôi sẽ triển khai chuỗi chủ đề này, tuy nhiên, để thực hiện được ý tưởng này trước tiên tôi đang sưu tầm cho đủ số lượng mâm gỗ", chàng hoa sĩ nói và cho hay.