Cần giải pháp hỗ trợ tài chính cho điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV

Trong thời gian qua, 95% kinh phí mua thuốc ARV (điều trị bệnh HIV/AIDS) do các tổ chức quốc tế tài trợ. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 3/2016, các tổ chức quốc tế xác định lộ trình cắt giảm tài trợ thuốc ARV cho Việt Nam và sẽ chấm dứt hoàn toàn vào năm 2017. Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

 


Ông Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế (Ảnh: T.C)

Ông Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế (Ảnh: T.C)

Điều trị ARV làm giảm nguy cơ lây truyền HIV

Phóng viên (P.V): Việt Nam được biết là quốc gia triển khai nhanh các khuyến cáo của thế giới trong việc điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS. Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc mở rộng điều trị ARV là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Long: Đúng là chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Chúng ta đã không ngừng mở rộng số người được điều trị, đồng thời nâng cao chất lượng điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV cho người nhiễm HIV/AIDS.

Nếu năm 2004 chỉ có 500 người được điều trị bằng thuốc ARV thì đến tháng 6/2015 toàn quốc đã có 312 phòng khám ngoại trú điều trị ARV ở tất cả các tỉnh, thành phố, với gần 98.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV. Việt Nam là một trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm thành công sáng kiến tiếp cận điều trị 2.0 nhằm đưa các dịch vụ xét nghiệm và điều trị ARV về các trạm y tế xã.

Hiện nay, 50% số huyện đã có cơ sở điều trị HIV/AIDS và trên 562 trạm y tế xã đã cấp phát thuốc ARV cho người bệnh. Công tác chăm sóc và điều trị HIV/AIDS đang được tích cực mở rộng, lồng ghép vào hệ thống y tế chung và phân tuyến về y tế cơ sở nhằm đảm bảo tính bền vững, tăng khả năng tiếp cận, giảm chi phí đi lại, tăng cường tuân thủ điều trị của người bệnh.

P.V: Thưa ông, những lợi ích mà điều trị ARV mang lại là gì?

Ông Nguyễn Hoàng Long: Điều trị ARV đặc biệt là điều trị sớm mang lại nhiều lợi ích.

Thứ nhất, điều trị ARV sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong cho người nhiễm HIV/AIDS. Nhiều người nhiễm HIV được điều trị ARV vẫn sống bình thường hàng chục năm. Ở Việt Nam, theo ước tính của các chuyên gia, với việc mở rộng điều trị ARV, chúng ta đã ngăn ngừa cho gần 150.000 người tránh khỏi tử vong do AIDS trong giai đoạn 2001-2015.

Thứ hai, điều trị ARV còn giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác. Như chúng ta đã biết, một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ HIV lây truyền từ người nhiễm sang người chưa nhiễm là nồng độ HIV trong máu người nhiễm HIV. Nồng độ HIV trong máu người nhiễm HIV càng cao thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác càng lớn. Điều trị ARV đúng có thể làm giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác.

Thứ ba, điều trị bằng ARV làm giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV nếu không được điều trị ARV thì tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là khoảng 30-40%; nếu được điều trị ARV và các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chỉ còn dưới 2%.

Thứ tư, việc điều trị bằng ARV giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Khi người nhiễm HIV khỏe mạnh, họ có khả năng lao động và làm việc như người không nhiễm HIV, tạo ra thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội, tự tin hòa nhập với cộng đồng.


Hiện thuốc ARV đang được cấp phát miễn phí.

Hiện thuốc ARV đang được cấp phát miễn phí.

Cần có giải pháp tổng thể để có nguồn tài chính cho thuốc ARV

P.V: Được biết, trong thời gian tới, nguồn tài trợ quốc tế cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm? Vậy chương trình điều trị ARV của Việt Nam sẽ gặp những thách thức gì?

Ông Nguyễn Hoàng Long: Trong thời gian qua, 70% kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và 95% thuốc ARV là do các tổ chức quốc tế tài trợ. Do vậy, khi nguồn viện trợ cắt giảm thì chắc chắn công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam nói chung và đặc biệt là vấn đề điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là làm thế nào chúng ta có đủ thuốc ARV để tiếp tục điều trị cho người bệnh.

Hiện nay đang có khoảng gần 100.000 người đang được điều trị, những năm tới, số lượng bệnh nhân cần được điều trị ARV tiếp tục gia tăng. Ước tính, đến năm 2020, cần phải điều trị cho khoảng 200.000 bệnh nhân. Như vậy, nhu cầu thuốc ARV tiếp tục tăng cao trong những năm tới.

P.V: Nếu không đáp ứng đủ ARV thì điều gì xảy ra?

Ông Nguyễn Hoàng Long: Khi thiếu thuốc ARV, người bệnh không được điều trị hoặc điều trị không liên tục sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng.

Thứ nhất, người nhiễm HIV sẽ sớm chuyển sang AIDS và dẫn đến tử vong.

Thứ hai, tỷ lệ HIV kháng thuốc sẽ tăng cao, gây khó khăn và tốn kém trong điều trị (điều trị HIV kháng thuốc đắt gấp 8-10 lần so với HIV chưa kháng thuốc).

Thứ ba, khi không được điều trị, nồng độ HIV trong máu người nhiễm sẽ tăng cao, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác, dẫn đến dịch HIV/AIDS lan rộng trong cộng đồng.

P.V: Vậy giải pháp trước mắt và khẩn cấp là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Long: Cần có các giải pháp tổng thể để có nguồn tài chính bền vững cho thuốc ARV, chủ yếu dựa vào kinh phí trong nước. Việc thu phí dịch vụ điều trị ARV của người bệnh là khó khả thi vì hầu hết người bệnh HIV/AIDS là những người nghèo, không có khả năng chi trả; hơn nữa, thu phí dịch vụ sẽ dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, tăng tỷ lệ HIV kháng thuốc và tăng chi phí điều trị ARV. Giải pháp lâu dài là cần nhanh chóng triển khai chi trả khám, chữa bệnh HIV/AIDS từ nguồn bảo hiểm y tế, tăng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế. Giải pháp hiệu quả trước mắt là cần tăng chi ngân sách hằng năm để mua thuốc ARV, đảm bảo các bệnh nhân được điều trị ARV liên tục.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Theo H.Mai

(Báo điện tử Đảng Cộng sản)