(Dân trí) - Trì hoãn giờ đi ngủ chính là một vấn đề xảy ra trong cuộc sống của những con người hiện đại bận rộn. Bạn có thấy cứ đến giờ đi ngủ, mình lại "tỉnh như sáo", muốn làm thêm "việc nọ, việc kia"?
Căn bệnh thời hiện đại: Cứ đến giờ đi ngủ lại... không muốn ngủ
Trì hoãn giờ đi ngủ chính là một vấn đề xảy ra trong cuộc sống của những con người hiện đại bận rộn. Bạn có thấy cứ đến giờ đi ngủ, mình lại "tỉnh như sáo", muốn làm thêm "việc nọ, việc kia"?
Nếu bạn thấy mình thường cố thức thêm một lúc để làm thêm chút việc, đó là bạn đang mắc phải một căn bệnh của thời hiện đại, gọi là bệnh "trì hoãn giờ đi ngủ".
Hiện tượng này đã được các chuyên gia sức khỏe quan tâm trong nhiều năm trở lại đây, bởi đó là thói quen trong đời sống của nhiều con người hiện đại, họ vốn có cuộc sống bận rộn, hối hả lúc ban ngày, với nhiều đầu việc cần hoàn thành.
Khi tới giờ đi ngủ, nhiều người trì hoãn, cố thức lâu hơn, dẫn tới giảm thời lượng giấc ngủ đêm. Nhiều người vì quá bận rộn nên tới cuối ngày, họ mới được cảm thấy thư thái hơn, được có cảm giác sống cho riêng mình một lúc, và vì vậy mà nán thức thêm để làm vài việc linh tinh, lặt vặt, có khi... chỉ để cho vui mà thôi.
Những người trì hoãn giấc ngủ đêm như vậy hiểu rất rõ rằng mình đang làm điều có hại cho sức khỏe, rằng đêm đó sẽ ngủ không đủ giấc, sáng hôm sau thức dậy có thể sẽ thấy mệt, nhưng họ không cưỡng lại được sức hấp dẫn của việc thức thêm một lúc và thư thái làm một vài việc lặt vặt.
Nếu càng lúc bạn càng thấy mình trì hoãn giờ đi ngủ một cách thường xuyên hơn, đó là dấu hiệu tâm lý cho thấy bạn đang thiếu thời gian dành cho bản thân trong ngày.
Hiện tượng này đã được giới chuyên gia tâm lý phân tích kể từ năm 2014. Trong xã hội hiện đại, việc cảm thấy thiếu thời gian, phải hy sinh thời gian dành cho thú vui, cho bản thân là chuyện thường thấy hiện nay.
Hiệp hội Giấc ngủ Anh (The Sleep Foundation) cảnh báo rằng những người thức đêm muộn, sáng dậy sớm, trong ngày lại thường xuyên căng thẳng có thể sẽ gây tổn hại cho sức khỏe về lâu dài.
Tổ chức này cũng cảnh báo rằng liên tục thiếu ngủ gây ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần, thể chất, xúc cảm cả về ngắn hạn và dài hạn.
Có 3 yếu tố quyết định xem bạn có đang mắc bệnh "trì hoãn giấc ngủ" hay không
Việc trì hoãn đi ngủ có khiến bạn bị thiếu ngủ không?
Bạn có lý do chính đáng và cần thiết để phải thức khuya không?
Bạn có thấy việc trì hoãn giấc ngủ gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của mình không?
Người ban ngày càng bận rộn thì ban đêm càng dễ trì hoãn việc đi ngủ. Một nghiên cứu được tiến hành bởi công ty Bed Threads - một công ty chuyên về nội thất phòng ngủ tại Úc - đã phát hiện ra rằng người nào càng nghĩ nhiều về công việc và vẫn tiếp tục làm việc trong những khung giờ đáng lẽ phải dành cho việc nghỉ ngơi, người đó sẽ càng kém hồi phục năng lượng thể chất và tinh thần.
Hậu quả của việc trì hoãn giấc ngủ
Trì hoãn giấc ngủ thường khiến bạn ngủ không đủ giấc và gây nên những hệ lụy về lâu dài như:
Đưa ra quyết định thiếu chính xác
Trí nhớ suy giảm
Không thể suy nghĩ hiệu quả
Giảm năng suất lao động
Ban ngày cảm thấy buồn ngủ, gà gật
Cảm thấy bứt rứt, khó chịu
Tăng nguy cơ mắc hội chứng lo âu, trầm cảm
Tăng nguy cơ bệnh tim mạch
Tăng nguy cơ đái tháo đường
Giảm khả năng miễn dịch
Cách để tìm được sự thư giãn trong ngày, thư thái đi ngủ lúc cuối ngày
Quy định rõ thời lượng giải trí trong ngày (ví dụ bạn đang theo dõi một bộ phim nhiều tập thì phải quy ước rõ với bản thân rằng mỗi ngày chỉ xem một tập).
Lên kế hoạch sử dụng thời gian trong ngày hiệu quả.
Tránh uống rượu, đồ uống có chứa cafein vào khung giờ chiều và tối.
Sử dụng hiệu quả thời gian rảnh rỗi và thời gian cuối tuần, đừng cho phép mình ngủ nướng không kiểm soát.
Thiền hoặc tìm cách tĩnh tâm, thư thái trước giờ đi ngủ.
Quy ước rõ với bản thân về khung giờ đi ngủ và phải nghiêm túc thực hiện.
Nếu thấy cần, nên gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn cách kiểm soát căng thẳng.