Đồng Tháp:

Cảm phục bếp ăn phục vụ bệnh nhân nghèo “đỏ lửa” suốt 24 năm

(Dân trí) - Từ ngày thành lập, bếp ăn tình thương ở bệnh viện đa khoa Sa Đéc chưa hề tắt lửa một ngày nào trong suốt 24 năm qua. Hiện tại, mỗi ngày bếp ăn phục vụ trên 1000 suất ăn, suất cháo, 2.000 lít nước sôi… cho bệnh nhân, người thân điều trị tại bệnh viện.

Ngày đầu “nổi lửa” cũng khó khăn

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập bếp ăn tình thương, ông Nguyễn Văn Mốt – Phó Trưởng ban, ủy viên thường trực tổ từ thiện Bệnh viện đa khoa TP Sa Đéc cho biết: “Bếp ăn tình thương này được thành lập vào ngày 24/7/1992 do UBMTTQ và Hội chữ thập đỏ tỉnh Đồng Tháp vận động các nhà hảo tâm, có tinh thần xã hội chung tay lập nên. Nói thật lúc đó, khi xin ý kiến các anh lãnh đạo, các anh cũng e dè lắm vì sợ thành lập bếp, điều hành không khéo, phục vụ vài bữa ăn, suất cháo… rồi bếp ăn tắt lửa nửa chừng thì mất uy tín với bà con. Tuy nhiên, khi tôi quả quyết rằng bếp ăn sẽ tồn tại, vì tôi tin cái gì mình làm mà phục vụ cho dân trên tinh thần trong sáng, minh bạch thì sẽ tồn tại. Vậy là các anh cho chúng tôi thành lập tổ từ thiện này, trong đó hoạt động bếp ăn tình thương, xe từ thiện… là hoạt động chính.

Tổ phục vụ ở xã Định Yên, huyện Lai Vung đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho bà con bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện đa khoa TP Sa Đéc
Tổ phục vụ ở xã Định Yên, huyện Lai Vung đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho bà con bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện đa khoa TP Sa Đéc

Sau đó các đồng chí lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh Đồng Tháp thống nhất về mặt chủ trương, giao cho ông Mốt tiến hành thực hiện. Lúc này ông Mốt đến gặp lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Sa Đéc để trình bày ý kiến thành lập bếp ăn. Lãnh đạo bệnh viện đồng ý ngay và cho một mảnh đất rộng hơn 500m2 phía sau bệnh viện để xây dựng cơ sở. Khi có mặt bằng, ông Mốt cùng các anh em trong tổ từ thiện tiến hành vận động kinh phí xây dựng. Nhờ các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp “đỡ đầu” và uy tín của các anh em trong ban điều hành nên công tác vận động tiền của xây dựng bếp ăn nhanh chóng hoàn thành và chính thức “nổi lửa” vào 24/7/1992 sau hơn 1 tháng thi công.

Với số tiền 875 triệu đồng, Ban điều hành tổ từ thiện bếp ăn tại bệnh viện đa khoa Sa Đéc xây dựng được một cơ sở khá khang trang, bao gồm: khu nhà bếp, văn phòng, kho và đặc biệt trên lầu còn có hội trường để sinh hoạt và có 2 phòng nghỉ (nam, nữ) cho anh em trong tổ phục vụ nghỉ ngơi vào ban đêm và giờ trưa.

Mỗi ngày bếp ăn tình thương này phục vụ từ 1.000 - 1.200 suất cơm cho bệnh nhân và người nhà
Mỗi ngày bếp ăn tình thương này phục vụ từ 1.000 - 1.200 suất cơm cho bệnh nhân và người nhà

Ông Mốt dẫn chúng tôi đến xem hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời, mỗi ngày phục vụ 2.000 lít nước sôi cho bà con ở bệnh viện, ông Mốt chia sẻ: “Đây là công trình mới đưa vào sử dụng vài năm trở lại đây do một mạnh thường quân trực tiếp đến khảo sát và lắp đặt cho bếp ăn. Nhờ hệ thống này, chúng tôi tiết kiệm hàng tháng cho bếp ăn hàng trăm ký điện, bà con phấn khởi lắm vì không bao giờ thiếu nước sôi”.

Ông Trần Văn Đức – Phụ trách kế toán của tổ từ thiện cho biết thêm: “Tôi mới vào phục vụ bếp ăn vài năm trở lại đây nhưng thấy các đồng chí Trưởng ban ở đây tổ chức làm việc đâu đó phân công rõ ràng, trách nhiệm cụ thể. Chẳng hạn như: Bếp ăn chúng tôi có Ban điều hành, phòng kế toán, thủ quỹ, bộ phận kho, bếp trưởng, tổ hậu cần… Tất cả đều hoạt động theo sự điều hành chung của Ban điều hành trên tinh thần phục vụ, công khai, minh bạch. Các thành viên luôn nhớ câu khẩu hiệu của tổ chức mình là “Đoàn kết, chung sức, chung lòng, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ”. Tôi nghĩ, đây cũng là lí do để bếp ăn này “cháy” suốt 24 năm qua”.

Bếp ăn tình thương tại bệnh viện đa khoa TP Sa Đéc.

Giữ cho bếp “cháy” mãi

Hiện tại, mỗi ngày bếp ăn tình thường tại Bệnh viện đa khoa TP Sa Đéc “mở cửa” phục vụ bệnh nhân nghèo và người thân nuôi bệnh từ 5 giờ - 18 giờ 30. Theo đó, bếp ăn phục vụ miễn phí mỗi ngày từ 1.000 - 1.200 suất cơm, 2.000 lít nước sôi, 400 suất cháo. Ngoài ra, theo ban điều hành tổ từ thiện cho biết còn hỗ trợ tiền cho các trường hợp bệnh nhân nghèo chuyển viện. Riêng trường hợp bệnh nhân nghèo không may qua khỏi, tổ từ thiện hỗ trợ tiền xe đưa về nhà, hòm, chi phí mai táng….

Dù những ngày lễ, tết nhưng vì phục vụ bệnh nhân, bếp ăn này chưa hề tắt lửa một ngày nào trong suốt 24 năm hoạt động
Dù những ngày lễ, tết nhưng vì phục vụ bệnh nhân, bếp ăn này chưa hề tắt lửa một ngày nào trong suốt 24 năm hoạt động

Đặc biệt, ông Mốt cho biết hàng ngày sau khi bếp ăn phục vụ cho người nhà bệnh nhân phần cơm cháo xong, bếp ăn còn phục vụ luôn cho bà con lao động nghèo, như bán vé số, chạy xe ôm và những lao động nghèo khác. Ông Mốt nói: “Họ dám xin thì mình dám cho, vì tôi nghĩ rằng họ khó khăn lắm họ mới cần suất cơm, suất cháo của tổ từ thiện mình. Mấy năm trước có một người dân đi bán vé số vào đây xin cơm ăn, năm đó, người này trúng số và họ quay trở lại đóng góp 30 triệu đồng để cùng chúng tôi mua xe tải, vận chuyển lương thực, chở củi… phục vụ cho bếp ăn”.

Theo ông Mốt cho biết, hiện tại bếp ăn tình thương đã có 31 nhóm tán trợ lao động (nhóm người đến phục vụ chuyện cơm nước) đến từ các xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, nhưng nhiều nhất là huyện Lai Vung. Trung bình mỗi nhóm từ 10 - 15 người đến nội trú tại bếp ăn, phục vụ đến cuối tuần rồi xe của bếp ăn đưa về nhà, sau đó đến nhóm phục vụ khác.  Về công tác điều hành, mỗi ngày Trưởng ban phân công một thành viên trong ban điều hành túc trực tại bếp ăn. Riêng bộ phần kế toán, kho, thủ quỹ thì có mặt hàng ngày.


Bà con đánh giá bếp ăn vô cùng ý nghĩa đối với họ, nhất là tinh thần phục vụ của ban điều hành ở đây rất chu đáo, tận tâm

Bà con đánh giá bếp ăn vô cùng ý nghĩa đối với họ, nhất là tinh thần phục vụ của ban điều hành ở đây rất chu đáo, tận tâm

Bà Nguyễn Thị Cơ – xã Định Yên, huyện Lai Vung chia sẻ: “Tôi đã có 10 năm gắn bó với bếp ăn tình thương này. Nói thật, con cái cũng đề huề hết rồi, mình dành chút thời gian để đến đây cùng với bà con cô bác phục vụ bếp ăn, phục vụ cho người nhà bệnh nhân, chúng tôi thấy vui lắm. Vì thấy rằng mình cũng chia sẻ được một chút khó khăn về vật chất cho họ trong lúc họ ốm đau”.

Còn ông Đặng Ngọc Sinh - Tổ trường nhóm phục vụ xã Định Yên, huyện Lai Vung chia sẻ: “Trong nhóm chúng tôi trên dưới khoảng 10 người và hàng chục năm qua, anh chị em chúng tôi đi phục vụ khắp nơi. Có khi ở đây hoặc ở huyện Lấp Vò và một số huyện khác. Anh em chúng tôi đến đây phục vụ hoàn toàn miễn phí, chỉ mong nhận lại sự bình an, sức khỏe cho gia đình, nhất là chia sẻ được một ít khó khăn về nổi đau thể xác cũng như những lo lắng về mặt tinh thần của bệnh nhân cũng như người nhà khi mắc phải bệnh tật”.


Nhờ hệ thống năng lượng mặt trời, mỗi ngày bếp ăn phục vụ trên 2.000 lít nước sôi cho người nhà bệnh nhân

Nhờ hệ thống năng lượng mặt trời, mỗi ngày bếp ăn phục vụ trên 2.000 lít nước sôi cho người nhà bệnh nhân

Bà Huỳnh Bạch Tuyết – xã An Khánh, huyện Châu Thành đang nuôi đứa con tại Bệnh viện đa khoa TP Sa Đéc cho biết: “Có bếp ăn này, bà con nghèo tụi tui mừng lắm, nhất là chuyện cơm, cháo, nước sôi không cần phải lo vì bếp ăn này đã phục vụ tận tình cho bà con chúng tôi. Riêng tôi, mặc dù thấy tổ từ thiện phục vụ cho mình miễn phí, nhưng mình cũng cố gắng sử dụng cơm, cháo, nước sôi một cách tiết kiệm nhất, không phí phạm!”.

Tranh thủ giờ nghỉ, ông Mốt thường đến trò chuyện với anh em phục vụ để điều chỉnh những việc chưa tốt, nhằm giúp bếp ăn hoạt động tốt hơn.
Tranh thủ giờ nghỉ, ông Mốt thường đến trò chuyện với anh em phục vụ để điều chỉnh những việc chưa tốt, nhằm giúp bếp ăn hoạt động tốt hơn.

Ông Huỳnh Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.Sa Đéc chia sẻ: Bếp ăn tình thương tại bệnh viện Đa khoa TP Sa Đéc hoạt động rất hiệu quả. Hàng ngày không chỉ cung cấp cả ngàn suất ăn, cháo, hàng ngàn lít nước sôi cho người nhà bệnh nhân mà người dân, lãnh đạo bệnh viện rất hài lòng ở tinh thần phục vụ tận tâm, chu đáo của Ban điều hành và anh chị em phục vụ ở bếp ăn. Đặc biệt, điều làm chúng tôi cũng như người dân nể phục nhất là trong suốt 24 năm bếp ăn hoạt động, chưa hề tắt bếp một ngày nào, kể cả những ngày lễ, tết. Điều này cho thấy tinh thần phục vụ và quan tâm của Ban điều hành bếp ăn đối với bệnh nhân, người nhà là rất tận tâm”.

Nguyễn Hành

(haihanh@dantri.com.vn)