Cải thiện sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc miền núi Quảng Nam

(Dân trí) - Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ sẽ hỗ trợ việc mở rộng vùng nguyên liệu và góp phần hình thành một diện mạo mới cho ngành mây tre và cây dược liệu dưới tán rừng của tỉnh Quảng Nam.

Ngày 20/9 tại Quảng Nam, Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft) và Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã tổ chức hội thảo khởi động tiểu dự án “Cải thiện sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam”.

Cải thiện sinh kế cho đồng bào miền núi Quảng Nam

Hội thảo khởi động dự án cải thiện sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân tộc miền núi Quảng Nam ngày 20/9

Tiểu dự án sẽ được thực hiện từ 9/2019 đến 9/2020 tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam bao gồm Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Núi Thành và Phước Sơn.

Với hơn 50% tổng diện tích tự nhiên được bao phủ bởi rừng, tỉnh Quảng Nam đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, tăng cường phát triển các mô hình liên quan đến các sản phẩm trồng dưới dưới tán rừng. Trong đó, mây, tre và cây dược liệu là các lâm sản ngoài gỗ không chỉ được ưa chuộng tại thị trường trong nước mà có tiềm năng lớn vươn ra thị trường thế giới.

Cho đến nay đã có nhiều chính sách, chiến lược của nhà nước và của tỉnh tập trung cho việc phát triển các lâm sản ngoài gỗ này, tuy nhiên tốc độ phát triển còn chậm, gặp nhiều khó khăn trong xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua, chế biến và liên kết với thị trường.

Cải thiện sinh kế cho đồng bào miền núi Quảng Nam

Sản phẩm của đồng bào dân tộc từ dự án

Hơn thế nữa, cải tiến về công nghệ, sản xuất theo hướng bền vững, đa dạng hóa sản phẩm và mẫu mã để bắt kịp nhu cầu thị trường cũng là những yêu cầu cấp thiết hiện nay đặt ra cho chính quyền, doanh nghiệp và người dân tỉnh Quảng Nam nhằm phát huy các thế mạnh sẵn có, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm địa phương, mang lại cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Tiểu dự án hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo tồn đa dạng sinh học cho rừng Quảng Nam đồng thời giảm phát thải trong quá trình sản xuất thông qua phát triển chuỗi giá trị mây và cây dược liệu nhằm cải thiện sinh kế, tạo thu nhập ổn định cho cộng đồng sống gần rừng và phụ thuộc vào tài nguyên rừng, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.

Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam - chia sẻ: “Nhằm hoàn thành các mục tiêu cụ thể như tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập ít nhất 20% cho trên 2.500 người tại các huyện ưu tiên, trong đó chủ yếu là phụ nữ và các hộ nghèo đồng bào dân tộc Cơtu, VietCraft và Dự án Trường Sơn Xanh của USAID sẽ phối hợp triển khai nhiều hoạt động”.

Trong đó tập huấn kỹ thuật, xây dựng đội ngũ giảng viên nòng cốt ngay tại địa phương để hỗ trợ trồng mới 100 ha mây, bảo vệ khai thác bền vững 50 ha mây dưới tán rừng tự nhiên theo quy trình bền vững, có thể truy xuất nguồn gốc.

Đào tạo nghề và phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống từ mây tre lá của đồng bào dân tộc song song với việc thành lập các không gian trưng bày sản phẩm, nâng cao kỹ năng phục vụ du lịch trải nghiệm cho cộng đồng…

Phát triển thị trường bền vững cho các sản phẩm dược liệu và mây tre lá bao gồm thị trường du lịch, trang trí nội - ngoại thất, các trung tâm giới thiệu sản phẩm và trung tâm đấu giá trong nước cũng như đẩy mạnh liên kết để xuất khẩu.

Thông qua dự án này, VietCraft và Dự án Trường Sơn Xanh của USAID sẽ có thể hỗ trợ việc mở rộng vùng nguyên liệu và góp phần hình thành một diện mạo mới cho ngành mây tre và cây dược liệu dưới tán rừng của tỉnh Quảng Nam.

Cũng theo ông Ông Lê Bá Ngọc, ngoài cải thiện sinh kế thông qua các mô hình kinh tế bền vững, VietCraft và Dự án cũng mong muốn nâng cao nhận thức của người dân sống phụ thuộc vào rừng, giảm dần áp lực của con người lên tài nguyên rừng, qua đó đạt được mục tiêu hỗ trợ tỉnh Quảng Nam bảo vệ tài nguyên rừng và tính đa dạng sinh học vô giá của tỉnh.

Tại hội thảo khởi động này, các nhóm trồng mây, chế biến dược liệu, nghề truyền thống (mây tre lá) đã thảo luận và trình bày về thủ tục giao đất rừng cho hộ, nhóm hộ, qui trình thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế trồng mây…

C.Bính