Cái chết của Napoleon Bonaparte: bí ẩn đã sáng tỏ

(Dân trí) - Ngày 5/5/1821, vị hoàng đế một thời uy chấn Châu âu trút hơi thở cuối cùng trên hòn đảo St. Helena hoang vắng. Hàng trăm năm nay người ta đồn ngài chết bị vì bị đầu độc thạch tín, tuy nhiên nghiên cứu mới nhất của giới khoa học Mỹ lại khẳng định điều khác hẳn.

Sau thảm bại Waterloo năm 1815, Napoleon Bonaparte bị buộc thoái vị và chịu án đi đày trên hòn đảo St. Helena phía nam Đại Tây dương. Chính tại nơi này 6 năm sau, vị hoàng đế lững lẫy một thời bỏ mạng vì những cơn chảy máu không ngừng ứa ra từ ruột.

 

Khám nghiệm tử thi ngay sau đó khẳng định: ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong. Tuy nhiên gần một thế kỷ rưỡi sau đó - năm 1961, dấu vết thạch tín bất ngờ được tìm thấy trong những sợi tóc cuối cùng của Napoleon đã làm dấy lên giả thiết: phải chăng hoàng đế bị đầu độc?

 

Nghi ngờ này không phải vô căn cứ, bởi cho dù bị đày biệt tích trên đảo hoang, Napoleon Bonaparte vẫn là mối nguy ngại hàng đầu của không chỉ của riêng vương triều nước Pháp. Ai dám chắc vị tướng khét tiếng không thể đảo ngược tình thế quyền lực ở châu Âu? Vậy là, chỉ có cái chết mới được xem là biện pháp tuyệt đối an toàn.

 

Tuy nhiên theo nghiên cứu mới nhất của trường ĐH Tây nam Texas, không phải thạch tín mà chính chảy máu dạ dày mới là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho hoàng đế. Kết luận này được tổng kết từ một tập hợp dữ liệu phong phú: biên bản khám nghiệm tử thi, nhật ký điều trị, lời kể nhân chứng, hồ sơ sức khỏe gia đình và kiến thức y học tiên tiến nhất.

 

“Phân tích này cho thấy, cho dù ngay lúc đó Napoleon có được thả tự do về nước Pháp đi chăng nữa thì căn bệnh ung thư giai đoạn cuối cũng không thể cho phép ông tiến xa hơn trên vũ đài chính trị” - Giáo sư Robert Genta, chủ nhiệm đề tài khẳng định.

 

“Ngay cả hiện nay, với sự trợ giúp của các thiết bị các phương pháp chẩn đoán và kỹ thuật giải phẫu hiện đại, bệnh nhân ung thư dạ dày ác tính như Napoleon cũng không thể sống lâu hơn”.

 

Biên bản khám nghiệm tử thi năm 1821 chỉ thấy dạ dày Napoleon có hai thương tổn: một vết lớn nằm trên bao tử, một vết nhỏ hơn xuyên thủng thành dạ dày ra tận gan.

 

Genta và các cộng sự của ông đã tiến hành đối chiếu miêu tả hai vết thương này với 50 hình ảnh loét dạ dày lành tính và 50 hình ảnh ung thư dạ dày. Kết quả chỉ ra, rõ ràng thương tổn trên nội tạng hoàng đế mang di căn ung thư.

 

“Đó là một vệt lớn kéo dài từ cửa tới cuống dạ dày, dài ít nhất 10 cm. Xét riêng về mặt kích thước cũng đủ thấy tính nghiêm trọng của vết thương. Thậm chí nó đã di căn sang cả các cơ quan bên cạnh”.

 

“Cho dù có được điều trị bằng kỹ thuật tiên tiến như ngày nay, ngài cũng chỉ có thể sống thêm 1 năm là nhiều nhất”.

 

Mặc dù cụ thân sinh ra Napoleon trước đó cũng đã chết vì ung thư dạ dày nhưng có vẻ như bệnh của ngài xuất phát từ vi khuẩn viêm nhiễm gây lở loét. Thêm vào đó, chế độ ăn toàn thực phẩm muối khô, khan hiếm rau xanh và hoa quả trong những năm chính chiến càng đẩy nhanh vị hoàng đế tiến nhanh tới cái chết.

 

Thùy Vân

Theo Live Science

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm