Kon Tum:
Bỏ phố về rừng, nhiều bạn trẻ dành cả tuổi thanh xuân để phủ xanh đồi trọc
(Dân trí) - Bỏ công việc ổn định ở TPHCM, hai bạn trẻ yêu thiên nhiên đã tìm đến Măng Đen (Kon Tum) để sinh sống. Khi chứng kiến cánh rừng bị tàn phá, các bạn đã kêu gọi mọi người cùng phủ xanh những đồi trọc.
Người trẻ bỏ phố về rừng
Mặc cho mưa dầm trên vùng đất Măng Đen (huyện Kon Plông Kon Tum), nơi được mệnh danh là xứ sở Đà Lạt 2, chị Trương Hải Yến (38 tuổi, trú xã Măng Cành, huyện Kon Plông) vẫn khích lệ mọi người cố gắng phủ xanh cho những ngọn đồi trọc. Khi nghe lời động viên, nhóm thanh niên càng phấn khởi để gánh cây rừng lên trồng ở vị trí cây rừng bị "hạ sát", nằm ngổn ngang.
Chị Yến cho biết nhiều năm trước, chị làm trưởng nhóm kinh doanh và marketing cho một công ty xuất nhập khẩu khá lớn ở TPHCM. Tuy nhiên, chị vẫn mong muốn một công việc gần gũi với thiên nhiên, đời sống của bà con hơn.
"Hồi đó, mình có công việc ổn định, lương bổng đủ sống nhưng vẫn cảm thấy không được thoải mái. Tuy nhiên, bản thân mình yêu thiên nhiên và muốn làm gì cho môi trường xanh, sạch, đẹp. Từ suy nghĩ đó, mình đã viết đơn nghỉ việc để thực hiện ước mơ còn dang dở", chị Yến bộc bạch
Nói là làm, năm 2018, chị Yến xin nghỉ việc ở công ty và chuyển đến tỉnh Ninh Bình xin làm việc tại một trung tâm chuyên bảo tồn thiên nhiên hoang dã ở rừng Cúc Phương. Ở nơi đây, chị được thỏa sức với đam mê, tình yêu thiên nhiên.
Làm được 2 năm, chị Yến lại tiếp tục xin nghỉ vì những áp lực về công việc, cuộc sống nên chị muốn sống ở một vùng đất mới để tìm lại chính mình lần nữa. Với nơi mới, chị muốn mình được sống hòa nhập với thiên nhiên, làm việc có ích cho thiên nhiên.
Năm 2021, chị Yến được một người bạn giới thiệu đến Măng Đen (Kon Tum). Ngay lập tức, chị yêu thích vùng đất này và rồi gắn bó đến bây giờ.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Quyết (32 tuổi, trú tỉnh Nam Định) đang có công việc ổn định trong lĩnh vực tài chính kế toán ở TPHCM. Thế nhưng, anh Quyết đã bỏ việc để tìm đến vùng đất mới.
Hồi sinh đồi trọc thành rừng xanh
Vào giữa năm 2021, anh Quyết liều chuyển đến Măng Đen để tìm vùng đất mới. Lần đầu đặt chân đến đây, anh Quyết chứng kiến những vạt rừng bị chặt phá, những quả đồi bị cạo trọc. Có những cây gỗ hàng chục năm tuổi cũng bị chặt phá không thương tiếc.
Từ đó, anh Quyết đã có một suy nghĩ táo bạo là sẽ "hồi sinh" vùng đất này. Trong một lần tình cờ, anh đã gặp chị Yến. Khi trò chuyện về ý tưởng, 2 người đã tìm được tiếng nói chung và có cùng chí hướng là sẽ phủ xanh cho những cánh đồi trọc.
Từ những người xa lạ, 2 anh chị đã kết hợp thực hiện các dự án cải thiện môi trường. Cả hai dành một ngôi nhà bỏ hoang để dựng làm vườn ươm cây giống và lập lên nhóm "Phủ xanh Măng Đen".
Sau khi thành lập nhóm, anh Quyết và chị Yến đã kêu gọi những tình nguyện viên cùng chung chí hướng tham gia các hoạt động về trồng rừng. Sau đó, cả đội cùng hỗ trợ, giúp những người đã có đất, có vốn, có giống cây… thực hiện trồng rừng đúng cách để đảm bảo tỷ lệ sống cao. Bên cạnh đó, nhóm còn giúp những người có đất nhưng không có chi phí và hướng dẫn trồng rừng đúng cách.
Chỉ sau một thời gian, nhóm đã kêu gọi được hàng chục thành viên tham gia trồng rừng và tuyên truyền cho các bà con đang có đất rừng về lợi ích, cách bảo vệ rừng.
Trước những hành động thiết thực, ý nghĩa, nhóm ngày càng kết nạp thêm nhiều thành viên. Đến nay nhóm Phủ xanh Măng Đen đã có hơn 20 tình nguyện viên đăng ký tham gia trồng rừng.
"Chúng tôi lập ra nhóm Phủ xanh Măng Đen hoạt động với những mục tiêu chính là truyền thông những hành động bảo vệ môi trường, gây quỹ xã hội hóa vào việc trồng rừng và đặc biệt là tổ chức các hoạt động tặng giống, trồng rừng,…", anh Quyết chia sẻ.
Việc làm của chị Yến, anh Quyết nhanh chóng được nhiều người biết đến. Sau nhiều tháng hoạt động, đến nay dự án đã trao tặng và trồng hơn 20.000 cây rừng trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum). Nhóm Phủ xanh Măng Đen hoạt động với những mục tiêu chính như tuyên truyền về những hành động bảo vệ môi trường; gây quỹ xã hội hóa vào việc trồng rừng; tổ chức các hoạt động tặng giống, trồng rừng…
Chị Yến cho biết: "Để nhiều người biết đến và tin tưởng, nhóm đã kết nối với chính quyền địa phương để góp sức cùng chính quyền trong kế hoạch tăng mật độ phủ xanh rừng. Đồng thời, nhóm cũng kết nối với các doanh nghiệp, những nhà hảo tâm là cá nhân yêu rừng và mong muốn Măng Đen xanh hơn ủng hộ vào Quỹ phủ xanh để có nguồn mua cây giống và vận hành các hoạt động khác cho mục đích phủ xanh".
Ngoài những hoạt động trồng cây trên rừng, nhóm còn liên hệ với các trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa để ươm mầm tinh thần trồng cây gây rừng cho các em học sinh. Trong hoạt động này, nhóm sẽ hỗ trợ cây giống, phân bón để cùng các em học sinh trồng rừng ngay trong khuôn viên nhà trường.
Đồng thời anh Quyết, chị Yến còn cùng nhiều thành viên trong nhóm tổ chức các hoạt động nhặt rác, bảo vệ môi trường, trồng rau tại các trường học bán trú, tái chế rác thải thành đồ dùng phục vụ sinh hoạt, tạo nên chuỗi hoạt động cùng mục đích tăng diện tích "lá phổi xanh" trên cao nguyên ở Măng Đen.