Gia Lai

Cặp vợ chồng "lang thang" trên núi hơn 10 năm để phủ xanh đồi trọc

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Gần 13 năm, chị Bùi Thị Hương và chồng là Bùi Văn Luân rong ruổi trên những núi cao để làm nghề phủ xanh đồi trọc. Nhiều bà con bản địa cũng đang gian nan "bám rừng" để mưu sinh với nghề trồng rừng.

Chị Bùi Thị Hương (sinh năm 1987) và chồng là Bùi Văn Luân (SN 1985, trú tại huyện Bá Tước, tỉnh Thanh Hóa) đã mưu sinh với nghề trồng rừng gần 13 năm nay trên mảnh đất Gia Lai.

Tâm sự những phận đời trồng rừng trên đỉnh núi cao

Vì cuộc sống khó khăn, cưới xong, vợ chồng anh chị phải gửi 2 người con ở nhà nội rồi vào Gia Lai đi làm. Gần 13 năm nay, hai vợ chồng đều phải sống trong những chiếc chòi tạm ngay trên các đỉnh núi để thuận tiện cho việc trồng rừng.

Cặp vợ chồng lang thang trên núi hơn 10 năm để phủ xanh đồi trọc - 1

Gần 13 năm nay, chị Hương cùng chồng đã rong ruổi khắp những dãy núi cao để ươm mầm xanh cho những đồi trọc của tỉnh Gia Lai.

Chị Bùi Thị Hương bộc bạch: "Nghề rừng này lang thang khắp nơi, chủ bảo trồng đâu thì chúng tôi dựng lán ở lại đó luôn. Tôi là phụ nữ nên thường nhận việc trồng cây rừng, còn chồng đi phun thuốc, phát cỏ. Mỗi ngày công thường được trả từ 200 - 250 nghìn đồng/người. Công việc tuy khó khăn, gian khổ nhưng làm mãi cũng quen".

Đã hơn một năm nay, tình hình dịch Covid-19 phức tạp khiến vợ chồng anh chị không thể về quê để thăm các con. Đêm về, anh chị chỉ có thể nhìn con qua điện thoại. Nhớ con nhưng cũng động viên nhau để tiếp tục làm việc.

Cặp vợ chồng lang thang trên núi hơn 10 năm để phủ xanh đồi trọc - 2

Những người lao động đang cần mẫn trồng rừng trên đỉnh núi Chư Prông (huyện Chư Păh, Gia Lai).

Những ngày tháng 8 này, hàng chục bà con người đồng bào Bahnar thuộc làng Broch (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) và bà con Jrai thuộc làng H'Lum (thị trấn Đắk Đoa, huyện Đăk Đoa) cũng đang cần mẫn phủ xanh những đồi trọc trên dãy núi Chư Prông (thị trấn Chư Păh, huyện Chư Păh, Gia Lai). 

Để thuận tiện cho việc trồng rừng, bà con đã dựng những chiếc lều tạm ngay trên núi nhằm phục vụ ăn ở, sinh hoạt. Theo bà con chia sẻ, sống ở đây sợ nhất là những cơn giông lốc vào đêm tối và cuộc sống thiếu thốn khi không có điện. Mọi thứ ăn uống chỉ là đồ khô dự trữ và rau rừng, nước suối.

Cặp vợ chồng lang thang trên núi hơn 10 năm để phủ xanh đồi trọc - 3

Người lao động đã tham gia công việc trồng rừng suốt gần 6 tháng nay.

Mỗi đợt trồng rừng cần khoảng từ 50 - 70 lao động để phủ xanh những cánh đồi trọc rộng trên 100 ha. Chính vì vậy, lực lượng lao động được thuê chủ yếu là người địa phương, sống gần khu vực rừng trồng để tiện cho việc đi lại.

Đã làm việc liên tục gần 4 tháng trên đỉnh Chư Prông, ông Siu Blơng (sinh năm 1962, tại làng Broch, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) cho biết: Khi cây lúa đã cứng rễ, bà con trong làng đều khăn gói rủ nhau lên đỉnh núi này để trồng rừng. Vì đường lên núi rất gập ghềnh, hiểm trở nên bà con thường mang gạo, đồ ăn lên đây ở cho đến khi trồng rừng xong là trúng vụ gặt sớm.

Cặp vợ chồng lang thang trên núi hơn 10 năm để phủ xanh đồi trọc - 4

Tranh thủ nghỉ hè, nhiều thanh thiếu niên người bản địa cũng lên núi để trồng rừng, kiếm thêm thu nhập.

Em Rơ Châm Nhi (sinh năm 2003, làng Broch) cùng bố là Rơ Châm Dơng và anh Rơ Châm Ngiu ở cùng một lán để trồng rừng. Em và bố thường ở trên đỉnh núi để trồng những cây thông. Anh Ngiu sẽ cùng với những người con trai khỏe mạnh đi xuống chân núi để gùi cây thông giống lên cho bà con trồng.

Khi phủ xanh hết những dãy núi này những người lao động sẽ sang vùng khác để tiếp tục công việc trồng rừng. Công việc trồng rừng thường kéo dài trong khoảng 6 - 8 tháng mùa mưa. Những tháng còn lại, họ sẽ được thuê để chăm sóc, phát cỏ cho cây rừng mới được trồng.

Cặp vợ chồng lang thang trên núi hơn 10 năm để phủ xanh đồi trọc - 5

Suốt mùa mưa, bà con làm nghề trồng rừng thường dựng chiếc lều tạm ăn, ở và sinh hoạt.

Nghề trồng rừng này được xem là công việc vất vả bởi thường xuyên sống trên núi cao, khí hậu khắc nhiệt, nắng mưa thất thường. Đặc biệt, bà con thường hay đối mặt với nguy hiểm do bệnh sốt rét và các loại con vật nguy hiểm cư ngụ trong rừng. Chính vì vậy, ai trước khi lên rừng cũng chuẩn bị các nhu yếu phẩm, thuốc men phòng khi cấp bách.

Anh Bùi Quốc Nguyên - người quản lý nhân công trồng rừng cho biết, bà con ở trên này đã gần 6 tháng nay. Vì đường từ dưới chân núi lên đỉnh núi để trồng rừng rất xa nên người lao động thường phải dựng lán ở lại.

Cặp vợ chồng lang thang trên núi hơn 10 năm để phủ xanh đồi trọc - 6

Công việc nặng nhọc nhất là gùi cây rừng lên đỉnh núi.

Đây là khoảng thời gian cuối mùa mưa nên bà con cũng đang cố gắng trồng hết hàng chục diện tích rừng còn lại. Dẫu biết cuộc sống ở trên này rất cực khổ nhưng ai cũng chịu khó vì muốn có thêm thu nhập. Thu nhập của mỗi người từ 200 - 300 nghìn đồng/ngày, đây là nguồn thu nhập để bà cho chi phí trong mùa giáp hạt.

Cặp vợ chồng lang thang trên núi hơn 10 năm để phủ xanh đồi trọc - 7

Bữa cơm ấm áp của những người trồng rừng trên đỉnh Chư Prông.

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Gia Lai đã triển khai trồng được hơn 25.387 ha rừng, góp phần nâng độ che phủ rừng (kể cả cây cao su và các cây đặc sản khác) lên 46,7%. Trong đó, trồng rừng tập trung hơn 21.288 ha (gồm 1.063 ha rừng phòng hộ, hơn 106 ha rừng đặc dụng, gần 20.120 ha rừng trồng sản xuất) và trồng cây phân tán gần 4.099 ha.

Năm 2021, Gia Lai đang phấn đấu trồng thêm 8.000 ha rừng, trong đó có 7.000 ha rừng tập trung và 1.000 ha cây phân tán.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm