Blogger bóc mẽ chiêu làm thực phẩm bẩn Trung Quốc, người bán lo ngay ngáy
(Dân trí) - Trên trang cá nhân thu hút hơn 8 triệu người theo dõi của mình, nam thanh niên vạch trần nhiều chiêu trò làm thực phẩm bẩn khiến dư luận chia thành nhiều luồng quan điểm.
Một người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực thực phẩm ở Trung Quốc đã thu hút hàng triệu người theo dõi nhờ các video "vạch trần" chiêu trò làm thực phẩm bẩn tại quốc gia này. Trước hàng loạt video "gây sốc", dư luận Trung Quốc chia thành nhiều quan điểm trái chiều khác nhau.
Đó là Xin Jijei đến từ tỉnh Liêu Ninh thuộc vùng đông bắc Trung Quốc. Hiện trang cá nhân của anh thu hút hơn 8,3 triệu người theo dõi, chủ yếu theo đuổi nội dung "bóc mẽ" chiêu trò làm thực phẩm bẩn. Jiupai News đưa tin, video của Xin mô tả lại cách các nhà sản xuất dùng chất phụ gia và nguyên liệu tổng hợp để làm tăng lợi nhuận, cắt giảm chi phí sản phẩm, giảm chất lượng ra sao.
Ví dụ trong một đoạn video, Xin cho người xem biết cách làm thạch bằng hương liệu, bột màu, nước và chiết xuất rong biển carrageenan mà không cần dùng trái cây ra sao.
Hay ở một video khác, Xin bày cách làm loại xúc xích rẻ tiền thường xuất hiện trong các quán ăn vỉa hè. Anh trộn bột mì, tinh bột, dầu, bột gia vị, màu thực phẩm, carrageenan mà không cho thịt.
Với miếng bít tết thịt bò, anh dùng miếng thịt bò cắt nhỏ, dùng chất hóa học cho chúng kết dính nhau như tảng lớn. "Bạn nói mua được miếng bít tết giá 5 tệ - gần 20 nghìn đồng và tưởng là giá hời? Nó chứa toàn chất phụ gia công nghệ cao đấy", Xin nói.
Một đoạn video khác mô tả về quy trình làm món thịt bò khô, Xin dùng thịt gà thái mỏng, muối, bột màu, mỡ bò để "bắt chước" hương vị.
"Bạn hỉ hả vì mua được gói thịt bò khô có giá 30 tệ (hơn 100 nghìn đồng) với trọng lượng 500 gram. Thịt bò khô kiểu gì mà rẻ hơn cả thịt bò sống vậy?", blogger đặt câu hỏi với người xem.
Hàng loạt những thực phẩm khác bị Xin "phanh phui", từ trà sữa không chứa sữa, mật ong giả làm từ nước đường, siro mạch nha hương liệu cho tới súp tổ yến nhưng không có chút yến nào.
Khi video của Xin thành tâm điểm của mạng xã hội, không chỉ người tiêu dùng và người bán lo lắng, nhiều nhà sản xuất thực phẩm cũng lên tiếng phản bác.
Tháng 8 vừa qua, tờ China Food đã chỉ trích video của Xin "gây lo lắng trong xã hội", lan truyền suy nghĩ "của rẻ là của ôi" và những phương pháp chế biến thực phẩm bẩn bất hợp pháp.
"Những video của anh ta là sự xúc phạm lớn tới các công ty sản xuất thực phẩm tuân thủ pháp luật", đại diện một công ty chế biến lên tiếng.
Một blogger cũng làm việc trong ngành thực phẩm có tên Bi Ge Guan Can Yin, phản bác Xin và cho rằng anh đang thu hút dư luận bằng "những trò hù dọa".
Nhưng một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội lên tiếng ủng hộ Xin.
"Tôi nghĩ anh ấy đang cảnh báo người tiêu dùng cần thận trọng với những xưởng sản xuất nhỏ không có giấy phép kinh doanh hoặc thiếu giấy phép tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Chúng ta không nên mua những món hàng làm nhái, kém chất lượng chỉ vì giá rẻ. Những điều anh ấy nói cũng không sai, nên cộng đồng mạng hãy bảo vệ Xin", một ý kiến lên tiếng.
Về phần mình, đáp trả những lời chỉ trích, Xin thẳng thắn: "Người bán hàng không có lỗi khi bán đồ giá rẻ, nhưng lừa dối khách hàng thì không được".