Biển xin đường tổ chức đám cưới có một không hai của cặp đôi công nhân
(Dân trí) - Tấm biển hướng dẫn đường đi nơi tổ chức đám cưới của một gia đình tại Nghệ An không quên khoe khéo "con trai 30 tuổi mới lấy được vợ, mừng híp mắt".
Ngày 7/10, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh về biển chỉ dẫn đường của một đám cưới khiến nhiều người bất ngờ về sự dễ thương và hài hước.
Theo nội dung của tấm biển, nhà bà Xuân tổ chức đám cưới cho con. Chú rể năm nay 30 tuổi mới cưới được vợ nên "mừng híp mắt". Gia đình tổ chức đám cưới nên mong mọi người không đi đường này, kèm hình ảnh mũi tên chỉ hướng đi để không bị vướng rạp cưới.
"Nhìn cái biển mà cười lăn; giờ lấy được vợ là mừng cả làng"; "kể ra con lấy được vợ là niềm vui không nhỏ của mẹ và xóm làng"... là những bình luận hài hước về màn khoe khéo "thoát ế" trong tấm biển.
"Tấm biển xin đường dễ thương quá. Một hành động nhỏ nhưng chứng tỏ gia đình rất chu đáo. Có trường hợp tổ chức đám cưới, dựng rạp choán hết đường mà chẳng thèm chỉ dẫn lối khác khiến tôi có lúc lỡ đi vào phải lùi xe cả đoạn dài", người dùng mạng xã hội tên N.D. bình luận.
Rất nhiều người dùng mạng xã hội gửi lời chúc mừng hạnh phúc tới cô dâu, chú rể.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, hình ảnh trên được chụp tại con đường ngay trước nhà bà Phan Thị Xuân, xóm Sơn Hạ, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ngày 7/10, gia đình bà Xuân dựng rạp để tổ chức đám cưới cho người con trai Lê Văn Phúc. Lễ cưới chính thức sẽ diễn ra vào ngày 8/10.
Xem hình ảnh về tấm biển chỉ đường đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng đây là những người bạn thân hoặc nhóm thanh niên tới giúp đám cưới trêu đùa chú rể. Tuy nhiên, sự thực về tác giả của tấm biển lại khiến nhiều người bất ngờ.
Anh Phúc cho biết, mình chính là tác giả của tấm biển xin đường nói trên. "Ở quê, 30 tuổi chưa lấy vợ được xem là ế rồi. Mỗi lần tôi đi làm về, các cô, bác trong xóm lại trêu, hỏi bao giờ cưới vợ. Hôm nay tôi cưới được vợ rồi, nên tranh thủ khoe khéo với mọi người.
Gia đình tôi dựng rạp nên có chắn mất một phần đường, sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con nhân dân trong xóm. Tôi dựng tấm biển mong bà con bỏ qua sự bất tiện trong quá trình di chuyển qua đây", anh Phúc nói.
Anh Phúc là công nhân một nhà máy chuyên về sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Vsip Nghệ An (đóng trên địa bàn xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Vợ anh là chị Đậu Khánh Thương (26 tuổi, quê xã Thanh Hương, Thanh Chương, Nghệ An), làm cùng xưởng sản xuất.
Theo anh Phúc, chị Thương là cháu ruột của mợ anh. Trước đây, mợ đã nhiều lần mai mối, giới thiệu nhưng do chị Thương làm việc ở miền Nam nên anh Phúc "chưa mặn mà", mặc dù đã bị người nhà liên tục giục lấy vợ.
"Cô ấy về Tết rồi quyết định ở lại quê làm việc, lại vào làm cùng xưởng sản xuất với tôi. "Thiên thời, địa lợi" rồi, tôi quyết định tán luôn và may mắn là Thương đáp lại tình cảm của tôi. Sau 9 tháng tìm hiểu, chúng tôi quyết định về chung một nhà", anh Phúc kể.