Đám cưới mùa ngập ở Hà Nội: Nhà trai mang 7 chiếc thuyền ra đón dâu

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Vì tổ chức đám cưới trong vùng "rốn lũ" nên chú rể Nguyễn Văn Luyện phải rước dâu bằng thuyền tôn và thuyền tự chế. Không ít ý kiến cho rằng, đám cưới của cặp đôi "độc, lạ" hiếm thấy ở Thủ đô.

Bước xuống từ xe dâu, thay vì cùng họ hàng hai bên và bạn bè tản bộ vào nhà trai, cô dâu Nguyễn Thị Huyền (22 tuổi, quê Vũ Thư, Thái Bình) cùng chú rể Nguyễn Văn Luyện ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ di chuyển trên đường làng.

Chiếc thuyền thô sơ được một người họ hàng đẩy giữa dòng nước lũ. Cảnh tượng rước dâu giữa "rốn lũ" khiến Huyền vừa ngạc nhiên, vừa xúc động.

Đám cưới mùa ngập ở Hà Nội: Nhà trai mang 7 chiếc thuyền ra đón dâu  - 1

Cô dâu Nguyễn Thị Huyền có một ngày cưới đặc biệt (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đám cưới của cặp đôi Nguyễn Thị Huyền (quê Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) và Nguyễn Văn Luyện (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) diễn ra trong 2 ngày, 24 và 25/7, đúng vào dịp địa phương này bị ngập lụt nghiêm trọng.

Những hình ảnh về đám cưới của cặp đôi sau đó được chia sẻ trên nhiều diễn đàn. Nhiều người cảm thấy khá bất ngờ khi biết đám cưới này được tổ chức tại một địa phương của Hà Nội chứ không phải ở vùng sông nước miền Tây. Không ít ý kiến cho rằng, đám cưới của cặp đôi "độc, lạ" hiếm thấy ở Thủ đô.

Chia sẻ về đám cưới của mình, cô dâu Nguyễn Thị Huyền cho biết, sau 3 năm yêu nhau, Huyền và bạn trai quyết định về chung một nhà. Lễ dạm ngõ được tổ chức vào đầu tháng 6, sau đó hai bên gia đình chọn cưới vào ngày 19 và 20/6 (tức ngày 24-25/7).

Đến gần ngày cưới, điều kiện thời tiết ở Thái Bình thuận lợi, song ở quê anh Luyện thì không được như mong muốn khi trời có mưa, nước sông Bùi dâng cao.

Đám cưới mùa ngập ở Hà Nội: Nhà trai mang 7 chiếc thuyền ra đón dâu  - 2

Nước dâng nhanh hơn mọi năm khiến gia đình anh Luyện không kịp trở tay (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Gia đình anh Luyện cũng không nghĩ, nước sẽ dâng đột ngột nên vẫn dựng rạp để tổ chức tiệc mừng.

Ngày 24/7, nước ngập khu vực cánh đồng, đến chiều thì xâm xấp đường làng. Khu vực gia đình chú rể dựng rạp không bị ảnh hưởng nhiều nên gia đình vẫn có thể thiết đãi họ hàng.

Đến chiều tối, nước dâng lên ngày một cao, từ đường tràn vào sân, chú rể Nguyễn Văn Luyện không khỏi lo lắng. Biết phía nhà gái đang tổ chức tiệc mừng, Luyện không thông báo vội về tình hình ngập lũ để mọi người thoải mái, vui vẻ.  

"Khi tiệc tan, anh Luyện gọi điện cho tôi và cho biết bên nhà đã dọn dẹp gần hết đồ đạc do nước dâng cao. Tôi khá lo lắng thông báo cho bố mẹ. Tuy nhiên, vì hai bên gia đình đã thống nhất ngày giờ nên vẫn quyết định tổ chức ngày vui như đã định", cô dâu Nguyễn Thị Huyền kể lại.

Đám cưới mùa ngập ở Hà Nội: Nhà trai mang 7 chiếc thuyền ra đón dâu  - 3

Gia đình nhà trai huy động 7 chiếc thuyền trong làng ra đón dâu (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Suốt đêm hôm ấy, chú rể Nguyễn Văn Luyện không thể chợp mắt. "Tôi lo nước dâng cao đi lại khó khăn, tiếp đón nhà gái sợ không được chu đáo. Bố mẹ vợ và họ hàng bên vợ lần đầu đến nhà tôi thấy cảnh mưa ngập sẽ lo con gái lấy chồng vất vả", anh Luyện nhớ lại tâm trạng hồi hộp xen lẫn âu lo trước ngày đón dâu.

Sáng 25/7, vì các con đường trong làng ngập nặng, việc di chuyển khó khăn nên họ nhà trai đã giảm bớt số người đi đón dâu. Sau 3 tiếng di chuyển, chú rể Nguyễn Văn Luyện cũng đến được họ nhà gái. Đôi bên tiến hành đầy đủ các nghi lễ ăn hỏi, đón dâu rồi trở về họ nhà trai.

"Về tới nơi là 11h, thôn Nhân Lý không mưa nhưng từ điểm xuống xe đến nhà chồng tôi ngập rất sâu, có đoạn ngang cổ. 

Đám cưới mùa ngập ở Hà Nội: Nhà trai mang 7 chiếc thuyền ra đón dâu  - 4

Cô dâu, chú rể ngồi trên thuyền với sự hỗ trợ của họ hàng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tôi được chồng bế lên thuyền, sau đó một bác trong họ hỗ trợ đẩy thuyền. Tôi rất xúc động vì mọi người ai cũng lo lắng, hỗ trợ nhiệt tình cho ngày vui của chúng tôi", cô dâu kể về đám cưới đáng nhớ của mình.

Để đón cô dâu và họ nhà gái, chú rể cùng gia đình đã huy động thuyền tôn và thuyền tự chế làm từ các thùng phuy, tổng cộng tới 7 chiếc. Theo anh Luyện, vì địa phương thi thoảng vẫn xảy ra ngập lụt nên nhiều gia đình đã sắm sẵn thuyền tôn để tiện di chuyển mỗi khi cần.

Đám cưới tuy vất vả nhưng vẫn trọn vẹn, đầm ấm

Chứng kiến cảnh đón dâu hi hữu, nhiều người dân thôn Nhân Lý đã dùng điện thoại quay lại khoảnh khắc đáng nhớ của cặp đôi trong ngày ngập lụt. Rất nhiều người đã gửi lời chúc phúc đến đôi bạn trẻ và họ hàng đôi bên.

Do nước dâng cao ngập đường và sân nên mọi nghi lễ thành hôn sau đó được tổ chức trong nhà. Cặp đôi lược bớt phần cắt bánh, rót rượu, chỉ thực hiện thắp hương gia tiên, trao nhẫn cưới, nhận quà mừng trước sự chứng kiến của đông đủ họ hàng.

Theo cặp đôi, dù đám cưới tổ chức đơn giản hơn các đám cưới thông thường nhưng cả hai vẫn cảm thấy hạnh phúc. 

"Đám cưới tổ chức giữa những ngày quê hương ngập nước tuy vất vả nhưng lại thành kỷ niệm đặc biệt của chúng tôi", anh Luyện nói.

Đám cưới mùa ngập ở Hà Nội: Nhà trai mang 7 chiếc thuyền ra đón dâu  - 5

Ngoài thuyền tôn, thuyền tự chế cũng được tận dụng để đón dâu (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

 Theo cô dâu Nguyễn Thị Huyền, ở địa phương Huyền sinh sống chưa từng xảy ra ngập lụt nên khi về quê chồng, cô có đôi chút bỡ ngỡ. Biết con dâu chưa quen với điều kiện sinh hoạt ở "vùng lũ", mẹ chồng thường xuyên hỏi han, giúp đỡ cô.

Tới chiều ngày 1/8, nước chưa rút hết mà vẫn ngập ngang người nên việc sinh hoạt của gia đình chồng cô cùng nhiều người dân trong xóm vẫn gặp không ít bất tiện.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều ngày qua, vì mưa nhiều, nước sông Bùi dâng cao nên nhiều đồng ruộng, nhà cửa ở Chương Mỹ chìm trong biển nước, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Xã Nam Phương Tiến có nơi sâu 2m. Có khoảng 300/320 hộ dân bị nước ngập tại xã này. Riêng thôn Nhân Lý ngập nặng nhất, nhiều người già, trẻ nhỏ ở đây đã phải đi sơ tán.