Bảo tàng đặc biệt gợi nhớ về thời "củ sắn chia đôi" của một cựu binh
(Dân trí) - Mong muốn lưu giữ những kỷ niệm thời xưa, cựu binh tại Quảng Trị đã sưu tầm hơn 300 vật dụng đời sống và vật liệu chiến tranh; những đồ vật có niên đại gần nhất thì vài chục năm, có vật gần 100 năm.
Sau nhiều năm, ông Nguyễn Xuân Biểu (68 tuổi, trú ở thôn Minh Chính, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) đã sưu tầm và xây dựng cho mình một bảo tàng nhỏ, trưng bày những món đồ cũ để hoài niệm, gợi nhớ ký ức về một thời khó khăn. Dù chỉ là những món đồ cũ nhưng ông Biểu luôn xem tài sản vô giá, không dễ để tìm kiếm, nên dù giá trị cao bao nhiêu ông cũng không bán.
Ông Biểu tâm sự: "Thời kỳ chưa đổi mới, cuộc sống đầy rẫy khó khăn, cái gì cũng thiếu thốn, đến củ sắn, củ khoai cũng phải chia đôi, chia ba mới giúp nhau qua được cơn đói, rồi chiến tranh kéo dài hàng chục năm... là những kỷ niệm không dễ gì quên được.
Tuy vậy, hiện nay ít người nhớ và lưu giữ những đồ vật thời xưa, cách đây 50, 60 hoặc 70 năm. Với suy nghĩ đó, tôi đã dành thời gian, thậm chí trích lương hưu của mình để sưu tầm, mua lại những vật dụng được người dân sử dụng trong đời sống và sản xuất...".
Trong một gian nhà nhỏ, ông Biểu trưng bày rất nhiều đồ vật cũ xưa được ông dày công sưu tầm, thuộc nhiều giai đoạn khác nhau. Những vật dụng này được ông Biểu chia làm 2 nhóm: Vật dụng sinh hoạt, lao động sản xuất thời xưa và nhóm vật liệu liên quan đến chiến tranh.
Đặc biệt, nhóm vật dụng đời sống, sinh hoạt, tư liệu sản xuất được ông Biểu sưu tầm khá phong phú: Chiếc cày, cối giã gạo bằng đá, cối xay bằng tre, chiếc áo tơi, ấm chén, nồi, bi đông đựng nước, cuốc, liềm, rìu, rựa...
Theo ông Biểu, đây là những nông cụ, vật dụng của người nông dân vào những thập niên 60, 70 và 80 của thế kỷ 20. Những đồ vật này đã ngả màu thời gian nhưng vẫn ẩn chứa những giá trị và ý nghĩa rất lớn, gắn với cuộc sống của người dân thời kỳ bao cấp.
Một không gian khác trong nhà ông Biểu dành để trưng bày các kỷ vật chiến tranh như: Ống nhòm, la bàn, bát B52, đèn pin, đèn bão, mảnh vỡ bom đạn...
"Sau khi nghỉ hưu tôi mới có thời gian sưu tầm những vật dụng này. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng, sưu tầm và lưu giữ để con cháu mình biết được cuộc sống của cha mẹ đã trải qua thời kỳ khó khăn, vất vả như thế nào.
Từ những vật dụng này mà ông cha ta đã kiến thiết, xây dựng quê hương đổi mới, tạo ra của cải vật chất như hôm nay. Có thể, vài chục năm sau những dụng cụ lao động sản xuất, sinh hoạt của người nông dân trước đây sẽ không còn do mất mát và hư hỏng nên tôi cố gắng sưu tầm, lưu giữ và bảo quản thật tốt", ông Biểu cho hay.
Trong số những vật dụng ông Biểu sưu tầm, có đồ vật là dụng cụ sinh hoạt của gia đình, có những thứ ông đi xin, bạn bè cho, thậm chí, có những vật dụng rất quý được ông dành tiền lương và tiền con cháu biếu để mua lại.
Nghe và thấy ở đâu có đồ vật cũ, ông Biểu đều tìm đến để hỏi mua. Nhiều người dân trong xã biết ông thích sưu tầm đồ cũ cũng mang đến cho. Tuy nhiên, ông Biểu chỉ chọn những thứ còn thiếu, khác biệt, những đồ vật cùng thời kỳ mà ông đã có thì ông không nhận.
Sau nhiều năm sưu tầm, gom góp, đến nay ông Biểu đã sở hữu hơn 300 vật dụng khác nhau. Theo ông Biểu, đồ vật gần nhất có thời gian vài chục năm, thậm chí có đồ vật đã tồn tại gần 100 năm.
Mỗi đồ vật đều mang những giá trị văn hóa, lịch sử nhất định. Tất cả đều được ông cất giữ cẩn thận, mỗi đồ vật đều được dán nhãn ghi khá đầy đủ thông tin về lý lịch hiện vật như tên, công dụng, giai đoạn lịch sử...
"Một chiếc nơm bắt cá, gàu sòng hay cối đá, áo tơi... có thể với người khác chỉ là đồ vật cũ bỏ đi nhưng với tôi, những đồ vật này chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo. Tôi sưu tầm và lưu giữ bằng tâm huyết của mình và xem đó là kỷ niệm riêng để gợi nhớ về quá khứ", ông Biểu chia sẻ.
Hiện nay ông Biểu cố gắng sưu tầm, làm phong phú thêm kho hiện vật, đồng thời phấn đấu xây dựng một cơ sở để trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến tất cả mọi người muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của cha ông. Tới đây, ông sẽ xây dựng quyển danh mục, trong đó ghi rõ các vật dụng, có chú thích và hình ảnh kèm theo về nguồn gốc, niên đại để mọi người dễ nắm bắt hơn.
"Mong muốn của tôi là bảo tồn, lưu giữ những tinh hoa văn hóa gắn liền với đời sống, sản xuất của người dân qua các giai đoạn lịch sử chứ không phải vì mục đích kinh tế. Do đó, tôi cũng thường căn dặn các con rằng, sau này dù giá trị cao cũng không nên bán mà lưu giữ lại các vật dụng này để làm kỷ niệm", ông Biểu chia sẻ.