Bánh tổ truyền thống phố Hội tất bật “chạy đua” cùng Tết
(Dân trí) - Từ lâu đời với người dân Hội An “Tét, tổ, nổ, in” là 4 loại bánh không thể thiếu trong các dịp lễ, tết. Và, thứ bánh truyền thống của phố Hội này luôn đắt hàng mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Trong danh mục các món ngon xứ Quảng, bánh tổ Hội An giữ chỗ đứng thật trang trọng: “Nem chả Hòa Vang, Bánh tổ Hội An, Khoai lang Trà Kiệu, Thơm rượu Tam Kỳ”.
Đối với người dân Hội An, bánh tổ còn là lễ vật không thể thiếu để dâng cúng Tổ tiên ông bà trong ba ngày Tết. Loại bánh này như là cái cớ để nhắc nhở nhau về nguồn cội “Chim có tổ, người có tông”.
Bánh hình giống tổ chim, vỏ bên ngoài bằng lá chuối, bên trong là bột nếp pha sên với đường, thêm gừng tươi rồi hấp chín.
Nguyên liệu làm bánh tổ đậm chất miền quê dân dã như gừng, mè, nếp, đường bát
Bà Võ Thị Mận (SN 1942, trú khối phố Hội Xá, phường Thanh Hà, Hội An) với hơn 50 năm theo nghề bánh tổ. Đây là nghề gia truyền của gia đình bà Mận, từ đời ông nội, đến ba của bà, đến đời của bà đã được 3 đời và trải qua gần 100 năm gắn bó với món bánh truyền thống quê hương.
Bà Võ Thị Mận đã hơn 50 năm làm nghề bánh tổ, đây là nghề cha truyền con nối đã qua ba thế hệ
Bà Mận chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp cúng ông Công, ông Táo hay Tết Nguyên đán người ta lại tìm đến đặt hàng trước. Mọi nguyên vật liệu được chuẩn bị sẵn, tùy thuộc vào số lượng mà làm bánh”.
“Đài” bánh bằng lá chuối xếp hình giống chiếc tổ nên bánh có tên gọi bánh tổ
Đợt Tết này gia đình bà cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 ổ bánh, giá sỉ là 25.000 đồng/ổ, và luôn cháy hàng mỗi dịp Tết về.
Không chỉ cung cấp bánh cho khu vực Hội An, bánh tổ còn được phân phối khắp Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sài Gòn, Đắk Lắk… Cạnh đó, các Việt kiều ở Mỹ còn đặt mua để làm quà gửi sang nước ngoài.
Sau khi trộn bột với đường bát, gừng xong thì rót vào tổ bánh
Nguyên liệu làm bánh tổ đậm chất dân dã như: nếp, đường, gừng, mè. Để có được một chiếc bánh tổ ngon thì phải chọn được nếp tốt, dẻo, thơm. Sau đó, xay nhuyễn nếp với nước thành bột.
Và đặt vào khuôn đan bằng tre cho khỏi biến dạng, rồi xếp vào khay cho vào nồi hấp
Đường làm bánh tổ là đường bát Quảng Nam, một loại đường nấu thủ công. Sau đó, đường đem đi “thắng” cho thật kỹ, loại bỏ tạp chất và thêm ít gừng tươi cho tăng hương vị rồi đem trộn với bột vừa xay nhuyễn để tạo thành thứ hỗn hợp sền sệt, có màu vàng nhạt.
Bánh phải được hấp trong vòng 5 tiếng đạt được độ dẻo, thơm
Sau đó, cho hỗn hợp bột vào “tổ” được kết bằng lá chuối, dưới đế lót thêm cái rế bằng tre để giữ chắc. Tiếp theo, cho các tổ vào nồi hấp, phải canh đủ 5 tiếng đồng hồ mới được vớt ra vừa đảm bảo bánh dẻo, thơm, không cứng quá cũng không mềm quá. Cuối cùng, bánh tổ được lấy ra để nguội rồi chờ các mối quen đến lấy bánh đi tiêu thụ.
Bánh tổ phố Hội luôn cháy hàng dịp Tết, bánh được bán cho bạn hàng tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Sài Gòn, Đắk Lắk… có khi còn được Việt kiều mang sang nước ngoài biếu bạn bè
Hiện ở Hội An chỉ còn vài hộ làm bánh vì theo nhiều người, bánh chỉ bán thời vụ nên khó tồn tại. Làm bánh kỳ công một phần, phần nữa do lời lãi mỗi chiếc bánh chỉ vài ngàn đồng nên không mấy người mặn mà.
“Người mà “cái nghiệp đã vận vào thân” thì dù lãi ít họ vẫn theo nghề. Cuối tháng Chạp mà không bày khuôn, nồi ra nấu bánh lại có cảm giác thiếu thiếu. Vả lại đây cũng là cách mình giữ lấy nghề truyền thống cha ông, có cái cho người ta gợi nhớ về những miền ký ức xưa cũ, nhớ tổ tông”, bà Mận bùi ngùi chia sẻ.
C.Bính-N.Linh