Huế:
Bánh tét cổ truyền 400 năm làng Chuồn “hút” hàng dịp Tết
(Dân trí) - Không khí Tết đã tràn ngập khắp mọi nơi, những ngày này đến làng Chuồn (thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) mọi người ở đây đang tất bật cho ra lò những mẻ bánh Tét, bánh Chưng dẻo, thơm, ngon trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Từ bao đời nay, bánh Tét làng Chuồn đã nổi tiếng không chỉ ở Huế mà còn ở nhiều tỉnh thành khác khắp đất nước. Bánh ở đây đã trở thành “thương hiệu” là bởi sự đặc biệt về nguyên liệu và sự khéo léo của người làm bánh.
Nghề làm bánh Tét ở làng Chuồn đã có từ hơn 400 năm nay. Những nghệ nhân làm bánh ở đây đều là những người có thâm niên lâu năm, người ít nhất cũng phải có kinh nghiệm 13 năm trong nghề, thậm chí có người cũng đã hơn 30 năm gắn bó với nghề này.
Bắt đầu, từ 15 tháng chạp là các cơ sở sản xuất bánh ở đây đã làm cho đến tận ngày 29 mới kết thúc. Ngày trước, bánh nấu xong được gánh đi bán trên phố, dưới quê. Ngày nay, phần lớn bánh được sản xuất tại chỗ, người buôn gần xa đến mua và đặt hàng tại nhà. Ở làng Chuồn, hiện có gần 50 hộ gia đình làm nghề này. Dịp Tết, ở đây sản xuất cho thị trường vài trăm nghìn cái bánh chưng, bánh tét với nhiều kích cỡ khác nhau.
Bánh ở đây ngon là vì nguyên liệu được chọn rất kỹ. Nếp bánh phải chọn nếp tiến vua, đều hạt, đem ngâm kĩ, vút sạch rồi để ráo nước. Nhân đậu xanh cũng chọn loại đậu xanh lớn hạt, đều, vuốt sạch, nấu nhuyễn, cho gia vị vào cho vừa. Mỡ heo là loại mỡ dày cắt thỏi dài, sơ chế qua trước khi cho vào nhân.
Năm nay, giá nguyên vật liệu tăng cao, đặc biệt là lá chuối năm nay tăng gấp đôi so với năm ngoái. Thế nhưng giá bánh vẫn giữ nguyên dao động từ 30 - 50 nghìn một chiếc bánh tét và từ 30 - 40 nghìn một cặp bánh chưng.
Ông Hồ Đắc Cường (xóm 17, thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang), chủ một cơ sở sản xuất bánh cho biết: “Dịp Tết, cơ sở của tôi gói hơn 2.000 chiếc bánh tét, 5.000 cái bánh chưng. Bánh ở đây rất ngon nên hút khách hàng đôi lúc bánh gói không kịp bán”.
Mỗi cơ sở sản xuất ở đây tạo công việc làm cho trên 15 người lao động. Tùy thuộc vào lượng hàng khách đặt mà mỗi hộ ở đây gói số lượng cho phù hợp. Trung bình mỗi ngày gói 500 cái bánh tét và 400 cặp bánh chưng.
Ông Lê Ngọc Tiến (xóm 9, thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang), người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề chia sẻ: “Để tạo ra được một chiếc bánh thơm ngon, dẻo dai là cả một công đoạn rất lâu và công phu. Mọi thứ nguyên liệu được chọn rất kĩ. Nhờ đó mà hương vị bánh tét ở đây không lẫn vào đâu được”.
Đậu xanh bên ngoài và bên trong là thịt mỡ, đây là nhân bánh đã được làm sẵn để chuẩn bị gói
Sau khi được gói cẩn thận, kỹ càng bánh được đem đi nấu. Trong quá trình nấu, bánh phải được thay nước ít nhất hai lần để khỏi úa màu lá. Để bánh có màu xanh tự nhiên còn phải bỏ một lượng lá mật lục (lá hoang mọc ở bụi) vào nồi trước khi nấu. Bánh tét được nấu từ 8 đến 12 tiếng, đun lửa phải đều tay, như thế bánh để lâu mà nếp không "sống" lại.
Bánh không những cung cấp cho các chợ ở Huế mà còn được vận chuyển đến các tỉnh thành khác như Hà Nội, Sài Gòn, Khánh Hòa,... vì khách hàng ở đây rất ưa chuộng loại bánh này.
Đón Tết với hoa mai, hoa đào, quất, mứt. Dù ở nơi đâu, mọi người cũng không quên chuẩn bị vài chiếc bánh tét tạo nên được hương vị riêng, mang đậm nét văn hóa dân tộc. Bánh Tét làng Chuồn đã trở thành một món ăn đặc trưng không thể thiếu trong những ngày Tết của người Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung.
Quỳnh Nga – Đại Dương