Bà mẹ đơn thân gạt nước mắt trở thành “Doanh nhân gương sáng”

(Dân trí) - Từ cô nữ sinh nhà nghèo, đi làm thêm để tự trang trải học phí với mức lương khởi điểm 250.000đ/tháng, Trần Thị Luyến đã vươn lên trở thành một “Doanh nhân gương sáng”. Bà mẹ đơn thân luôn muốn giúp đỡ những phụ nữ có chung hoàn cảnh tự tin khởi nghiệp.

Từ giấc mơ “tiếp viên hàng không” đến “Doanh nhân gương sáng”

Bà mẹ đơn thân gạt nước mắt trở thành “Doanh nhân gương sáng” - 1
Với bản lĩnh thép của người phụ nữ trên thương trường, mới đây doanh nhân Trần Thị Luyến được vinh danh với giải thưởng Gương sáng Doanh nhân Việt Nam Hội Nhập 2019 do Tạp chí Việt Nam Hội Nhập tổ chức.

Lớn lên ở TP Yên Bái trong một gia đình có 7 anh chị em, Trần Thị Luyến là con gái út. Từ bé mỗi khi nhìn lên bầu trời xanh có chiếc máy bay qua, Luyến đã nói với chúng bạn thuở ấu thơ, một ngày nào đó, cô sẽ trở thành tiếp viên hàng không. Trong con mắt của cô bé nhà nghèo ấy, niềm mơ ước khi đó chỉ là được đi máy bay, mặc tà áo dài màu xanh.

Ngày nộp hồ sơ thi đại học, cao đẳng, Luyến ý thức bản thân không đủ tiêu chuẩn chiều cao để ứng tuyển vào ngành hàng không. Cô tìm hiểu và biết trường Trung cấp Du lịch Hà Nội cũng có tà áo dài màu xanh và sẽ được đi du lịch nhiều nơi nên đăng kí dự thi và trúng tuyển ngành Lễ tân văn phòng. Năm 1999, cô khăn gói lên đường đi học. Vì xuất phát điểm khó khăn, cô đi làm thêm để phụ giúp gia đình trang trải học phí.

Bà mẹ đơn thân gạt nước mắt trở thành “Doanh nhân gương sáng” - 2
Thành công hôm nay là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của doanh nhân Trần Thị Luyến.

“Ngày đó, sau mỗi buổi học, tôi theo các anh chị đi làm thêm tại các khách sạn và xin làm nhân viên nhà hàng với lương khởi điểm là 250.000đ/tháng mà phải đạp xe 8-10 cây số. Cứ như thế tôi dần gắn bó với công việc nhân viên phục vụ, học hỏi thêm được kĩ năng giao tiếp và yêu thích công việc này”, Luyến kể.

Sau khi học xong, cô được mời làm quản lý cho một nhà hàng với mức lương 5-7 triệu đồng. Vào thời điểm năm 2002, đây là mức lương tạm ổn nhưng cô vẫn mong một ngày được làm ở khách sạn Metropole vì cô nhớ lời nhắc nhở của cô giáo chủ nhiệm lớp Lễ tân: “Về những khách sạn là niềm ước mơ của nhiều học sinh”.

Ứớc mơ còn dang dở thì năm 2004, cô lấy chồng và sinh con. Hai năm sau đó, cô xin làm ở nhà hàng Diva garden đối diện khách sạn Metropole để tìm hiểu làm thế nào để trở thành nhân viên của khách san. Và rồi may mắn đã mỉm cười, ban lãnh đạo khách sạn thường xuyên sang đó uống nước và ấn tượng trước một cô nhân viên nhanh nhẹn, hoạt bát đã mời cô về Metropole làm.

Trong 5 năm gắn bó tại đây, cô trải qua các công việc giám sát, quản lý. Khi đã có nhiều kinh nghiệm, cô ra ngoài tìm kiếm cơ hội thăng tiến với các cương vị tổng quản lý điều hành, giám đốc chất lượng cho một số khách sạn và set-up chuỗi nhà hàng,...

Đầu năm 2012, cô được mời về làm Phó Tổng giám đốc điều hành khách sạn 5 sao đầu tiên trong chuỗi khách sạn của Tập đoàn Mường Thanh tại Vinh. Sau 1 năm, với năng lực của mình, cô được điều về làm Giám đốc đào tạo dịch vụ ẩm thực tại văn phòng điều hành và đã đi 47 tỉnh có khách sạn của Mường Thanh để đào tạo nghiệp vụ.

Từ 2015, cô sinh con thứ 2 và lúc này cô đảm nhiệm vai trò Phó giám đốc khách sạn 4 sao ở Thợ Nhuộm.

Trải qua 20 năm trong nghề dịch vụ, với kinh nghiệm tích luỹ, năm 2017 cô quyết định mở nhà hàng Hương Đồng và thành lập Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hải An. Đồng thời cô tốt nghiệp cử nhân Kinh tế về Quản trị kinh doanh.

Bà mẹ đơn thân gạt nước mắt trở thành “Doanh nhân gương sáng” - 3
Sau 2 năm đi vào hoạt động, công ty đã thực hiện được 8 dự án (khách sạn và nhà hàng tầm cỡ).

Công ty của cô chuyên tư vấn, thiết kế công năng, tuyển dụng, đào tạo nhân sự cho nhà hàng, khách sạn; cung cấp các nguồn nhân sự trong nước và quốc tế, cán bộ quản lý - vận hành nhà hàng, khách sạn trước khi chuyển giao lại cho chủ đầu tư, đặt ra chiến lược kinh doanh 3-6 tháng đến 1 năm, giám sát chất lượng.

Ngoài ra có thể hỗ trợ quản lý vận hành, kiểm soát tài chính, nguồn nhân sự dài hạn cho doanh nghiệp có nhu cầu...

Cô tổ chức các khóa đào tạo tại Singapre về kiến thức, kĩ năng quản trị cao cấp cho đội ngũ cán bộ điều hành các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sinh viên đại học năm cuối chuẩn bị khởi nghiệp.

“Kinh nghiệm là trả giá bằng thời gian, tiền bạc, nước mắt và... hạnh phúc”

Trò chuyện với cô nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, tôi hỏi cô kinh nghiệm là gì, cô nói: “Kinh nghiệm là trả giá bằng thời gian, tiền bạc, nước mắt và đôi khi là cả hạnh phúc. Rơi nước mắt vì ngành dịch vụ “làm dâu trăm họ”. Trả giá bằng sai lầm là những ngày tháng khởi nghiệp, tôi từng bị quỵt lương, cho vay tiền không đòi được...”

Và cô ngậm ngùi kể, trả giá bằng hạnh phúc là bởi cô phải đi công tác rất nhiều, lễ tết không có thời gian bên gia đình và các con.

Ít ai biết, người phụ nữ rắn giỏi một tay chèo chống doanh nghiệp ấy là một người mẹ đơn thân. Cô vừa chăm sóc 2 con, vừa vận hành, tổ chức công ty một cách trơn tru. Cô thương các con nhiều lắm và cô sẽ làm tất cả để bù đắp bằng trái tìm, tình mẫu tử.

Bố mất khi cô chưa lập gia đình, mẹ đã cao tuổi, cô cố gắng lo lắng chu toàn cho cuộc sống của mẹ.

Bà mẹ đơn thân gạt nước mắt trở thành “Doanh nhân gương sáng” - 4
Bận rộn là thế nhưng cô cố gắng có ít nhất 3 bữa tối ăn cơm ở nhà với các con, cuối tuần vào bếp nấu những món các con thích, đưa con đi chơi.

“Xây dựng nền tảng để thành công trong công việc với tôi cần 5 chữ T: Tâm, Trí, Tín, Tình và Tiền. Còn để xây dựng hạnh phúc gia đình cần người bạn đời có đủ “4C - 1T”, đó là: chân thành, cảm thông, chia sẻ, chung thủy, trung thực. Tôi không may mắn tìm được người như vậy để đồng hành nên phải rẽ sang một con đường khác”, cô trải lòng. Cô nghĩ, chẳng người phụ nữ nào muốn như vậy cả.

May mắn thay, ông trời không lấy của ai tất cả mà cho cô hai đứa con xinh xắn, khoẻ mạnh, thông minh và biết thương mẹ. Cậu con trai lớn học FPT, con gái nhỏ năm nay gần 5 tuổi.

“Cô giúp việc là ân nhân đối với gia đình tôi. Cô 60 tuổi rồi cũng không có chồng, không có con, cô giúp tôi chăm sóc các con khi tôi vắng nhà và yêu thương bọn trẻ như người thân. Các con của tôi coi cô như bà và tôi coi cô như người mẹ thứ 2”, cô kể.

Tôi hỏi cô, nhiều phụ nữ lấy đại gia để làm chỗ dựa vững chãi, sao cô lại chọn con đường chông gai như vậy, cô tâm sự: “Mỗi người sẽ có định hướng cuộc sống theo cách riêng của họ. Tôi có đam mê trong nghề nghiệp và tự lập từ nhỏ. Và có lẽ tôi không mắn trong đường tình duyên, dù là ai thì cũng đều xây dựng hạnh phúc từ tình yêu. Chỗ dựa tốt nhất là tinh thần chứ không phải chỉ giàu có về tiền bạc là đủ. Tôi cố gắng thành công trong sự nghiệp để bù đắp cho các con, đó là mục tiêu của tôi lúc này”.

Là người phụ nữ mạnh mẽ, nghị lực, cô bảo rằng: “Có lúc tôi bận đến mức không có thời gian để khóc” và mọi người chỉ thấy cô cười. “Với tôi hạnh phúc giờ đây là được theo đuổi đam mê, sự nghiệp, là sự trưởng thành của con cái. Hạnh phúc là mang lại nụ cười cho người khác”.

Trả giá bằng kinh nghiệm sống và hạnh phúc thôi thúc cô muốn giúp đỡ những phụ nữ đang chông chênh trên con đường khởi nghiệp và có chung hoàn cảnh với mình. Nghịch cảnh không làm cô gục ngã mà biến cái không may trở thành may mắn.

Sau đổ vỡ hôn nhân, cô từ chối nhiều mối quan hệ vì lo sợ người đến sau không đủ rộng lượng và yêu thương tụi nhỏ.

“Khi các con đã trưởng thành, nếu gặp một người đồng điệu về tâm hồn, thực sự hiểu, trân trọng mình, có thể tôi sẽ làm bạn đời, tri kỷ. Như vậy, có lẽ sẽ tốt hơn”, cô tâm sự.

Phương Nhung