“Ám ảnh làng Nủ” dưới chân núi trời đánh

Hoàng Lam

(Dân trí) - “Vết nứt như đào móng nhà, sâu 1,5m, chạy ngang núi. Nếu xảy ra lũ quét, hậu quả không kém làng Nủ...”, anh Và Bá Pó, trưởng bản Xói Voi, xã Nhôn Mai, tỉnh Nghệ An, lo lắng.

Người dân bất an, sống trong cảnh “mưa là chạy”

Nhóm dân cư số 1 bản Xói Voi gồm 19 hộ, nằm dưới chân núi Phà Mạt. Theo chị Lô Thị Nắm, cán bộ Phòng Văn hóa xã Nhôn Mai, Phà Mạt trong tiếng Thái có nghĩa là “trời đánh”.

Trưởng bản Xói Voi, anh Và Bá Pó, chỉ lên đỉnh núi, nơi có nhiều vệt đất chảy dọc từ đỉnh núi xuống, lộ rõ trong màu xanh của cây cỏ. Tuy nhiên anh Pó cho rằng nguy hiểm hơn là phần đứt gãy chạy ngang thân núi. Vết nứt này xuất hiện từ năm trước, nhưng nghiêm trọng hơn sau trận mưa, gây lũ quét trên địa bàn xã vào tối 29/5.

“Ám ảnh làng Nủ” dưới chân núi trời đánh - 1

Núi Phà Mạt với những đường sạt trượt dày đặc có thể nhìn từ mái núi đối diện (Ảnh: Và Pó).

“Đường đứt gãy sâu 1,5m, như đào móng xây nhà, kéo dài ngang núi. Mưa cuốn theo đất đá, để lại những tảng đá to mất kết dính, nguy cơ sạt xuống bất kỳ lúc nào, kể cả không có mưa.

Mùa mưa năm nay đến sớm, kéo dài, lượng mưa lớn, nước ngấm vào núi khiến liên kết đất đá yếu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét cao. Nếu 19 hộ dân không được di dời, tôi sợ không may xảy ra lũ quét, hậu quả không kém gì so với làng Nủ (tỉnh Lào Cao) hồi tháng 10 năm ngoái”, anh Pó nói.

Khoảng 2 tháng nay, mỗi lần có mưa lớn, người dân bản Xói Voi lại tất tả dắt díu nhau đi sơ tán.

“Từ cuối tháng 6 đến giờ, cứ vài ba ngày mưa một lần. Mưa lớn, nước ào ào xuống, phải đưa người già, trẻ con đến nơi an toàn. Sống trong cảnh thấp thỏm lo, có làm ăn được gì đâu”, anh Học Văn Nguyên (SN 1992), nhóm 1, bản Xói Voi kể, khi chúng tôi bắt gặp anh và vợ cùng 2 con vừa “sơ tán” trở về.

Nỗi ám ảnh cơn lũ quét tối 29/5 vẫn in hằn trong tâm người đàn ông này dù vết trầy xước từ đùi xuống đã lành và vết rạn xương bàn tay đã ổn định.

Anh Nguyên kể, tối 29/5, mưa trút xuống như thác. Từ ngọn núi phía sau nhà vang tiếng ù ù như trực thăng. Lo cả mái núi đổ ập xuống, anh Nguyên vội vã đưa vợ con đến nhà cộng đồng bản để trú ẩn.

“Đưa vợ con đến nơi an toàn, tôi chạy ngược trở lại, đón 2 cháu nhỏ con chị gái vợ. Tôi chở 2 cháu chạy trên đường, mưa tối mắt tối mũi, nghe tiếng ầm ầm rồi nước lũ kèm đất đá ào xuống.

“Ám ảnh làng Nủ” dưới chân núi trời đánh - 2

Theo anh Và Bá Pó, Trưởng bản Xói Voi, đường đứt gãy sâu 1,5m chạy ngang núi khiến nguy cơ sạt lở vùi lấp 19 hộ dân (Ảnh: Hoàng Lam).

Xe và người ngã xuống đường, tôi hoảng hốt, vơ 2 cháu đẩy sang phía chân núi, còn chiếc xe máy mới mua được 3 tháng trôi xuống vực, đến nay vẫn tìm chưa thấy", anh Nguyên nhớ lại.

Cần di dời khẩn cấp

Căn nhà của vợ chồng anh Nguyên còn khá mới, xây dựng ở lưng chừng núi Phà Mạt. Nhà được xây từ một phần kinh phí hỗ trợ của chính quyền địa phương và số tiền chắt góp của hai vợ chồng. Để tiết kiệm kinh phí, anh Nguyên và vợ tự trộn vữa, cõng gạch lên xây, phần gỗ và dựng nhà mới thuê thợ.

Nhà ở chưa lâu, nhưng vợ chồng anh đang tính chuyển đến ở nhờ nhà ông bà ngoại, cách đây khoảng hơn 1km, tận dụng lán tạm để tá túc.

Nếu vợ chồng anh Nguyên đã chuẩn bị được nơi ở mới, dù là đi mượn, gia đình chị Nộc Thị Nguyệt (SN 1989) chưa biết di dời đến đâu.

“Vợ chồng tôi dựng nhà ở đây đã 10 năm rồi. Giờ ở thì lo, mà đi thì không có tiền để làm nhà mới, cũng không biết tìm đâu ra đất bằng mà dựng nhà”, chị Nguyệt lo lắng.

Theo ông Lê Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, diễn biến thời tiết thất thường, mùa mưa đến sớm với những trận mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều khu vực trên địa bàn xã bị sạt lở nghiêm trọng.

“Ám ảnh làng Nủ” dưới chân núi trời đánh - 3

Đoàn cán bộ xã Nhôn Mai kiểm tra thực tế khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở bản Xói Voi (Ảnh: La Kháy).

Thống kê cho thấy, trên địa bàn xã có 58 hộ, 294 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở, trong đó có 19 hộ dân thuộc nhóm dân cư số 1, bản Xói Voi cần khẩn cấp di dời đến nơi ở mới.

UBND xã Nhôn Mai đã có tờ trình, gửi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị hỗ trợ 67 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống cho bà con nhân dân, trong đó 30 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa mái taluy âm khu dân cư bản Xói Voi và xây dựng khu tái định cư đối với 19 hộ dân.

Ông Hoàng Quốc Việt, Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An, cho biết sau khi nhận được tờ trình của UBND xã Nhôn Mai, Sở sẽ tổ chức thẩm định, nghiên cứu, bố trí địa điểm tái định cư cho các hộ dân nói trên.