Sống thấp thỏm vì lo núi "sập"
(Dân trí) - Cứ đến mùa mưa lũ, hàng chục hộ dân ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lại sống trong cảnh thấp thỏm vì lo núi "sập". Nhiều gia đình cứ đến hẹn lại phải sơ tán sang nhà họ hàng.
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài vào sáng ngày 18/10, tại km76 trên tuyến đường ven biển, đoạn giáp ranh giữa xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) với xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) xảy ra sạt lở khiến hơn 2.000 m3 đất đá từ trên núi tràn xuống mặt đường. Đất đá chắn ngang khiến tuyến đường này bị chia cắt hoàn toàn.
Các ngành chức năng Hà Tĩnh đã huy động máy móc thu dọn đất đá để thông tuyến tạm thời. Tuy nhiên, hàng trăm khối đất đá vẫn đang chắn ngang gần 2/3 mặt đường của tuyến đường ven biển này.
Phía trên các điểm sạt lở, nhiều tảng đá lớn nặng hàng chục tấn có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Ngành chức năng buộc phải cắm biển cảnh báo người dân qua lại đoạn đường này.
Tình trạng những năm gần đây, khu vực núi ở thôn 3, xã Cẩm Lĩnh liên tục xảy ra hiện tượng sạt lở khiến người dân nơi đây vô cùng lo lắng.
Theo ông Kiều Như Quyến (78 tuổi, trú tại thôn 3, xã Cẩm Lĩnh), chưa bao giờ người dân nơi đây cảm thấy lo lắng khi phải sống dưới chân núi. Căn nhà của ông cách điểm sạt lở núi vào năm 2020 khoảng 150 m.
"Tôi năm nay đã gần 80 tuổi và sống quen ở dưới chân núi Bục này rồi, nhưng chưa bao giờ cảm thấy lo lắng vì lở núi như mấy năm gần đây. Như năm 2020 hàng ngàn khối đất đã cũng đã đổ sập xuống ngay phía sau nhà tôi", ông Quyến cho biết.
Tương tự, căn nhà cấp bốn rộng chừng 100 m2 của gia đình ông Nguyễn Cảnh Tuất (70 tuổi, ở thôn 3, xã Cẩm Lĩnh) nằm cách chân núi Bục khoảng 200 m. Đứng từ sân nhà ông Tuất có thể dễ dàng nhìn thấy vết lở núi kéo dài hơn 300 m như một con lươn khổng lồ xảy ra hồi cuối tháng 10/2020 vẫn còn nguyên. Hàng chục khối đất đá nằm sát mép vườn của bốn hộ dân đến nay vẫn chưa thể dọn.
"Hôm đó khoảng 11h, chúng tôi đang ăn cơm thì nghe thấy tiếng nổ lớn như tiếng sấm, sau đó đất đá ào ào tuồn xuống. Tôi chỉ kịp hô mọi người, rồi chạy thật nhanh ra xa khu vực ngọn núi. Rất may không có thiệt hại gì về người cũng như nhà ở, nhưng nhiều hecta keo và cây ăn quả bị bùn vùi lấp", ông Tuất vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại vụ sạt lở núi vào tháng 10/2020.
Cũng theo ông Tuất, những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2020 khi ở nhiều tỉnh liên tiếp xảy ra những vụ sạt lở núi nghiêm trọng, vùi lấp nhiều người khiến họ luôn thấp thỏm, nơm nớp nỗi lo khi mỗi mùa mưa lũ về.
"Chúng tôi sống dưới chân núi nên rất lo lắng mỗi khi mùa mưa về. Năm nay cũng đã xảy ra sạt lở núi, hàng ngàn khối đất đổ ập xuống chia cắt tuyến đường ven biển cách nhà tôi chừng 500 m. Nhưng chúng tôi cũng không thể chuyển đi nơi khác sinh sống được. Để đảm bảo an toàn thì khi nào có mưa kéo dài, chúng tôi sẽ chủ động tới nhà người thân để ở tạm vào ban đêm", ông Tuất cho biết thêm.
Cứ đến mùa mưa, gia đình ông Tuất cùng nhiều hộ dân nơi đây lại được chính quyền địa phương yêu cầu chủ động để sơ tán, di chuyển ra các khu vực an toàn.
Cũng theo người dân nơi đây chia sẻ, nhiều lúc nằm ngủ cứ thấy trời đổ mưa lại giật mình, lo sợ núi "sập". Có 4 hộ dân sống xung quanh núi đã kiến nghị đến chính quyền mong được tạo điều kiện cấp đất chuyển đi nơi khác ở, song đến nay chưa được giải quyết.
Theo ông Nguyễn Công Tùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, địa bàn có khoảng 50 hộ sống trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở từ núi Bục và núi Chai. Trong số này có 4 gia đình xây nhà ở cố định, còn lại là làm trang trại.
"Chính quyền đã lên phương án để thời gian tới chuyển 4 hộ dân ở trong vùng sạt lở đến nơi an toàn. Đối với những gia đình làm trang trại thì chưa có cơ chế hỗ trợ vì chỉ lưu trú tạm thời", ông Tùng nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, trước những diễn biến bất thường của thời tiết địa phương luôn tuyên truyền và phát loa cảnh báo để người dân chủ động, nhằm đảm bảo an toàn về người cũng như tài sản.