4 con vẹt biết hát hò và nhảy theo nhạc của gia đình Hà Nội
(Dân trí) - Trong một năm, dành khoản tiền lớn mua 4 con vẹt đủ cá tính, chị Linh cho biết loài vật đáng yêu này mang lại nguồn năng lượng và những giá trị tích cực cho cả gia đình.
Chị Nguyễn Diệu Linh (36 tuổi, ở Hà Nội) bắt đầu nuôi vẹt từ một năm trước. Ban đầu, chị tính nuôi một con để cậu con trai nhỏ vui chơi, bầu bạn. Sau đó, số lượng đàn tăng lên thành 4 con vì cả hai vợ chồng đều mê mẩn loài động vật thông minh này.
5 năm trước, gia đình chị Linh từng nuôi chó mèo nhưng thấy con trai mới sinh bị hen phế quản, chị phải gửi toàn bộ thú cưng cho bố mẹ chăm. Năm ngoái, khi bé được 5 tuổi, người mẹ trẻ nung nấu ý định nuôi lại thú cưng trong nhà. Chị muốn con được tiếp xúc với động vật, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu thương, phát triển về mặt tinh thần.
"Con trai mình lớn lên rất yêu động vật giống như bố mẹ. Có lần thấy bạn đánh chó ngoài đường, bé về nhà mà buồn mất cả tuần. Thấy vậy, hai vợ chồng mình bàn bạc với nhau xem nuôi con gì cho phù hợp để bé thư giãn hàng ngày.
Tình cờ biết hàng xóm có nuôi 2 con vẹt, con trai lại rất thích nên mình từ từ tìm hiểu. Khi mua về thì cả gia đình đều yêu thích loài động vật này", chị Linh chia sẻ cơ duyên đến với thú vui nuôi vẹt.
Chú vẹt đầu tiên gia đình chị Linh nuôi thuộc dòng vẹt xám châu Phi và được đặt tên là Xám Ngáo. Loài này khả năng nói tốt, có thể phân biệt và bắt chước tiếng người, tiếng các loài động vật khác hay tiếng đàn, tiếng chuông điện thoại,...
Tuy nhiên, dòng vẹt này chỉ quen với một chủ, người khác đến gần sẽ mổ nên chị đầu tư mua thêm con vẹt thứ hai, thuộc giống Moluccan Cockatoo. Càng nuôi càng ham, người mẹ trẻ quyết định mua thêm hai con vẹt nữa là Galah Cockatoo có giá 70 triệu đồng và Amazon Naped giá 80 triệu đồng.
Chị Linh chia sẻ, mỗi bé vẹt lại có những cá tính riêng. Ví dụ như chú vẹt tên Đen Vâu biết ăn uống tiết kiệm, hát giỏi còn bé Xám Ngáo nói tốt, bé Ngọc Trinh Moluccan Cockatoo rất tình cảm, thích làm nũng và la hét hay bé Binz Galah nhảy theo nhạc khá chuẩn.
"Thông thường, vẹt có thói quen vứt đồ ăn linh tinh khi chán hoặc chỉ ăn vài miếng. Nhưng bé Đen Vâu khá đặc biệt, tính cách ăn uống gọn gàng, tiết kiệm, không lãng phí đồ ăn. Các món bé đều ăn hết chứ không bỏ phí, có khi chỉ là múi quýt cũng ăn từ tốn tới mức hết sạch nước thì thôi.
Các bé còn có khiếu hát hò, nhảy nhót những câu ngắn, đoạn ngắn chuẩn theo nhạc, theo nhịp. Mình có dạy các bé mấy bài vui vui như Ôi con sông quê, Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu, Bình minh ơi dậy chưa,... hay Chúc mừng sinh nhật bằng tiếng Anh. Đôi khi những câu nói bắt trend, trêu đùa con mà mình biết được trên mạng, các bé học theo khá nhanh", nữ gia chủ bật mí.
Vẹt là giống vật nuôi có yêu cầu vô cùng khắt khe về môi trường sống. Chúng thích chơi đùa cùng chủ, rất sợ bị nhốt trong lồng. Vì chưa từng có kinh nghiệm, kiến thức về việc nuôi vẹt nên vợ chồng chị Linh phải dành thời gian tìm hiểu, tham gia các hội nhóm trên mạng hay học hỏi từ Youtube, từ những người xung quanh có cùng đam mê.
"Nuôi vẹt khác nuôi chó mèo vì loài vật này thông minh lắm, tuổi thọ lại cao. Chúng luôn có nhu cầu giao tiếp, gần gũi với con người. Có con nếu đổi chủ, nó sẽ nhớ chủ cũ tới mức stress mà nhổ lông, bỏ ăn. Vì vậy khi nuôi, vợ chồng mình cũng cân nhắc lắm. Nhưng vốn là người yêu động vật, lại làm việc tự do, kinh tế cũng thoải mái nên dễ dàng thích nghi và có điều kiện chăm sóc chúng", chị Linh chia sẻ.
Theo chị, không gian sống của vẹt phải thoáng đãng, đông vui như phòng khách vì loài vật này thông minh, tinh nghịch hay quan sát. Nếu bị nhốt suốt hoặc nuôi trong phòng kín, chúng sẽ thấy stress và có hành động phá lồng, vặn ốc phá khóa,...
Gia đình chị Linh thiết kế một phòng riêng ngoài ban công rộng làm nơi sống cho vẹt. Khu vực này giúp vẹt vừa có thể bao quát các hoạt động trong nhà, vừa nhìn ra thiên nhiên xanh mát xung quanh.
"Vẹt thích đứng trên cầu đậu, cành cây nên chồng mình nhờ bác giúp việc kiếm cho một cành ổi to và làm thêm nhiều xà sắt, treo dây xích để chúng đu. Vẹt có thói quen hay phá đồ nên đồ chơi, vật dụng dành riêng cho chúng phải rất cứng", nữ gia chủ tiết lộ.
Ngoài đảm bảo không gian sống thoáng đãng, việc phòng bệnh cho vẹt cũng được chồng chị Linh quan tâm, sát sao. Gia chủ cho hay, vẹt thường giấu bệnh để sinh tồn ngoài tự nhiên nên phòng cho vẹt không bị bệnh quan trọng hơn chữa. Vẹt cũng được chú ý tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ thường xuyên.
Việc chăm sóc vẹt rất cực. Do công việc kinh doanh khá bận rộn và thường xuyên du lịch xa nhà, chị Linh phải thuê người để chăm sóc đàn vẹt. Khi vẹt có vấn đề về sức khỏe, chồng chị sẽ đảm nhiệm việc chăm nom, còn người dì nhận dọn dẹp, cho ăn.
Thỉnh thoảng, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, gia đình chị Linh lại đưa vẹt đi dạo, vui chơi ngắm cảnh thành phố. Mỗi lần đi đạp xe, chị lại mang theo một bé, chia đều luân phiên nhau. "Hôm nào đưa bé này đi chơi rồi thì hôm sau phải dẫn bé khác. Nếu đi du lịch mà sử dụng xe cá nhân, mình cũng dẫn các bé theo", chị Linh nói thêm.
Ước tính, nữ gia chủ đã chi 220 triệu đồng, tương đương giá trị khoảng 3 cây vàng hiện tại để mua 4 con vẹt. Trong đó, chú vẹt được đặt tên là Đen Vâu - dòng Amazon có giá đắt nhất, 80 triệu đồng.
Dù nuôi vẹt khá tốn kém, công đoạn chăm sóc đòi hỏi kỳ công nhưng gia đình chị Linh cảm thấy xứng đáng bởi những giá trị về mặt tinh thần mà loài vật này mang lại. Người phụ nữ này cũng dự tính sẽ nuôi thêm một con chó, đón cả chú chó ở quê mà hai vợ chồng nuôi từ nhỏ.
"Mình dự tính sẽ nuôi một bé vẹt quý hiếm thuộc dòng Michell Cockatoo nên hai vợ chồng tiếp tục quản lý tài chính hiệu quả, dành 10% tiền tiết kiệm để mua. Đây cũng là phần thưởng cho các thành viên sau thời gian dài làm việc chăm chỉ và mang đến niềm vui, sự giải tỏa căng thẳng hàng ngày khi có thêm những người bạn biết nói đặc biệt", chị Linh bày tỏ.