Cuộc sống của gia đình 3 thế hệ trong căn nhà Pháp cổ "đất vàng" Thủ đô
(Dân trí) - Căn phòng vỏn vẹn 20m2 thuộc nhà Pháp cổ số 57B Hàng Bồ đã có lúc là nơi ở của 7 - 8 người. Cả gia đình sống trong biệt thự nhưng sáng thay nhau xếp hàng đi vệ sinh, có lúc đợi dài mới tới lượt.
Ông Nguyễn Nhật Thành (55 tuổi) sinh ra và lớn lên trong căn phòng 20m2 - thuộc căn nhà Pháp cổ ở số 57B Hàng Bồ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngôi nhà rộng khoảng 100m2, được hoàn thiện với chuẩn mực kiến trúc cổ điển ở châu Âu, cho đến nay vẫn là một loại hình nhà ở đặc trưng của Hà Nội nhưng không đại trà.
Tuy nhiên, theo ông Thành, những căn biệt thự Pháp cổ kiểu này chỉ thuộc diện "siêu sang" khi dưới mái nhà là một gia đình sinh sống, còn nếu đã trở thành nơi ngụ cư của từ 5 đến 20 gia đình… đó lại là một câu chuyện rất khác.
"Sống trong biệt thự" cảm giác thế nào?
Ông Thành đi lại trên sàn gỗ Lim hơi mục nhưng vẫn còn sáng bóng. Ông giới thiệu đây là mặt sàn gỗ được giữ nguyên bản từ thời xưa với niên đại hàng trăm năm tuổi. Nhà của ông, gọi là "nhà" nhưng thực chất là căn phòng khoảng 20m2 đã được cơi nới rộng rãi hơn, hiện là nơi ở của 3 thế hệ.
Ông không biết chính xác tổ tiên của mình đã bao đời sống trong căn phòng này, chỉ biết là đến đời bố mẹ ông về đây ở, từ những năm 70, hai cụ đã chi một số tiền nhỏ để mua lại và hoàn thiện các loại giấy tờ pháp lý liên quan.
Căn biệt thự này khá đặc biệt với lối kiến trúc đối xứng một cửa đi ở chính giữa và hai cửa sổ nhỏ đối xứng hai bên. Ngày nay, do có nhiều hộ sinh sống hơn nên cải tạo có lối đi phụ bên hông nhà (ngõ hoặc phố vuông góc) dẫn thẳng vào khu vực cầu thang chung, từ đó sẽ tiếp cận đến từng hộ gia đình.
Gác gỗ, theo cách gọi của những người lớn tuổi ở biệt thự 57B Hàng Bồ là ở phía ngoài, có cầu thang đi lên hình xoắn ốc bằng gỗ, mái ngói, cửa sổ rộng và ban công hướng ra đường. Trước đây biệt thự này được phân cho khoảng 5 hộ sinh sống.
Nhà của gia đình ông Thành là căn phòng ở phía cuối tầng 2, gần cầu thang. Trước khi cơi nới diện tích chỉ khoảng 15m2 và đã có lúc đây là nơi ở của 7 - 8 thành viên.
Những năm 70, khi ông Thành còn là một đứa trẻ, ông được trải nghiệm trọn vẹn cuộc sống mà người ta vẫn thường gọi là "đặc sản của người phố cổ ở Hà Nội": Nhà tắm chung, nhà vệ sinh chung.
Mỗi buổi sáng vào giờ cao điểm, thành viên của 5 hộ gia đình với khoảng gần 30 người kiên nhẫn xếp hàng dài, chờ đến lượt vào nhà vệ sinh. Có những hôm đọc hết hai tờ báo mà người ngồi trong vẫn chưa ra, ông đành "ôm bụng" đi học.
Đến buổi chiều lại có thêm một lượt xếp hàng nữa để đi tắm. Nhưng thời đó, đám thanh niên như ông thường cởi trần múc từ giếng ở giữa sân tắm cho nhanh. Nước mát, sân rộng, giữa thành phố mà cứ ngỡ như mình ở quê.
"Tôi nhớ khi còn là một căn nhà nguyên bản với kiến trúc cũ, các nhà gần như thông nhau, nhà này đi qua nhà kia không nhiều sự riêng tư, đôi khi có những bất tiện nhưng bù lại rất vui và gắn bó" - Ông Thành kể.
Từ khoảng những năm 90 trở lại đây, mật độ dân trong biệt thự ngày càng tăng, từ 5 hộ, lên 7 hộ rồi 14, 20 và giờ là gần 25 hộ.
Khi bố mẹ đã lớn tuổi, ông Thành là thế hệ tiếp theo tiếp quản ngôi nhà. Ông cải tạo chút ít, biến cầu thang gỗ xoắn ốc thành một căn phòng nhỏ, cơi nới thêm khu bếp rộng khoảng 2-3m2 chỉ vừa đủ chiếc bếp ga và dựng thêm 2 gác xép nhỏ để chứa đồ. Ngoài ra, căn nhà vẫn được giữ nguyên phần trần nhà và sàn nhà bằng gỗ lim.
Nhờ vậy, khi lấy vợ rồi sinh con, gia đình có thêm thành viên thì không gian sống cơ bản cũng đã trở nên dễ chịu. Bây giờ, mỗi hộ đều có nhà vệ sinh, tuy hơi nhỏ nhưng riêng tư và tiện lợi hơn trước rất nhiều.
Ông Thành đứng trong căn bếp vừa vặn với dáng người, gọn gàng như cách ông sắp xếp từng món đồ đạc trong phòng. Ông bảo ông đã quen với kiểu sống này nhưng có lẽ ông là người cũ hiếm hoi còn "mắc kẹt" lại trong căn biệt thự. "Khi lớn lên, già đi hoặc giàu có hơn, người ta có nhu cầu làm cho cuộc sống mình trở nên tiện nghi" - Ông Thành nói, đi ra khỏi căn bếp mà đầu suýt chạm vào thành cửa.
"Người xưa họ không thích đất"
Bà Vũ Thị Thực (SN 1945, mẹ ông Thành) ung dung ngồi trên ghế sofa nghe con trai kể chuyện căn nhà. Bà không phản đối gì, chỉ khi được hỏi về số tiền bà đã chi trả để mua lại căn phòng này, bà mới tặc lưỡi: "Ít lắm, người xưa họ không thích đất".
"Ngày đó, tôi nhớ người ta còn tranh nhau vào trong ngõ sống, chê đất mặt đường vì ồn ào, xô bồ" - Bà Thực kể.
Bây giờ, ngay chính tại căn biệt thự bà đang sống, từng m2 đất cũng được tận dụng triệt để kinh doanh. Tầng 1 mặt tiền phố Hàng Bồ được chia làm 2 gian đã cải tạo để cho thuê với lối kiến trúc gần như trái ngược với mặt tiền tầng 2.
Khi nhắc về việc cả đời được sống trong biệt thự, bà Thực bảo: "Cũng may". Cái "may" bà nói không phải là mảnh đất phố cổ trị giá hàng nghìn tỷ đồng mà là vì những ký ức của bà về Hà Nội vẫn đang được gìn giữ trong căn nhà vỏn vẹn 20m2 này.