10 điều ngộ nhận về trứng gà mà có thể bạn không biết

Trứng gà thường xuất hiện nhiều lần trong các bữa ăn của chúng ta nhưng nếu tìm hiểu tỉ mỉ thì nhiều người sẽ phải thốt lên rằng quả thực mình có nhiều điều hiểu sai về chúng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: poultryhub.org)
Ảnh minh họa. (Nguồn: poultryhub.org)

Sai lầm 1: Trứng gà vỏ nâu nhiều dinh dưỡng hơn trứng gà vỏ trắng

Mạng Hoàn cầu của Trung Quốc nói rằng rất nhiều người vẫn cho rằng trứng gà vỏ nâu nhiều dinh dưỡng hơn trứng gà vỏ trắng.

Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy màu sắc của vỏ trứng gà chỉ có liên quan đến loại trứng gà chứ không hề có liên quan đến dinh dưỡng của trứng.

Sai lầm 2: Trứng gà ta nhiều dinh dưỡng hơn

Trứng ga ta có thể sẽ ngon hơn một chút nhưng các nghiên cứu cho thấy các chất dinh dưỡng trong trứng gà ta không hề cao hơn các loại trứng gà khác.

Ngoài ra, môi trường nuôi gà ta không được đảm bảo như gà nuôi công nghiệp nên trứng gà ta có khả năng phải chịu ô nhiễm từ nguồn phân là rất lớn.

Sai lầm 3: Trứng gà con so giàu dinh dưỡng hơn

Thông thường trứng gà được sản xuất trong khoảng thời gian sinh sản từ 130-160 ngày thì đều được gọi là trứng gà con so. Tuy nhiên chưa có bằng chứng nào chứng minh hàm lượng dinh dưỡng trong trứng gà con so nhiều hơn trứng gà thường.

Trên thực tế, trứng gà con so thường rất nhỏ và không được xuất khẩu ra nước ngoài do không đạt tiêu chuẩn về trọng lượng.

Cũng có người nói rằng những con gà được nuôi theo quy trình công nghiệp sẽ cho ra những quả trứng giàu kẽm, iốt, selen, canxi và các chất dinh dưỡng. Điều này có vẻ hấp dẫn nhưng trên thực tế vì không có tiêu chuẩn và cũng chẳng có nghiên cứu nào chứng minh điều này.

Sai lầm 4: Lòng đỏ càng vàng thì càng dinh dưỡng

Màu sắc của lòng đỏ có liên quan đến nhiều sắc tố khắc, trong đó một số sắc tố như carotene có chứa nhiều giá trị dinh dưỡng.

Tuy nhiên, công nghệ ngày nay rất dễ làm cho lòng đỏ có màu sắc đậm đà hơn và điều này không những không liên quan đến dinh dưỡng mà còn mang lại những nguy cơ tiềm ẩn.

Sai lầm 5: Trứng lộn được coi như loại thuốc bổ

Trứng lộn là loại trứng mà phôi thai mới nở được nửa chừng và nhiều người dùng nó như một loại thuốc bổ. Trên thực tế, dinh dưỡng của trứng lộn không những không cao mà còn chứa nhiều vi khuẩn.

Sai lầm 6: Thời gian luộc trứng càng lâu càng tốt

Ăn trứng gà luộc tốt nhất là khi lòng trắng đã đông lại còn lòng đỏ thì giữ trạng thái chưa đông hẳn. Ăn như vậy vừa có thể bảo đảm tỷ lệ tiêu hóa, hấp thụ, lại có thể tránh mất chất dinh dưỡng.

Sai lầm 7: Ăn trứng gà tươi sẽ dinh dưỡng hơn

Trứng sống có thể sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ biotin (một loại vitamin B). Mặc dù thỉnh thoảng ăn trứng sống sẽ không dẫn đến việc thiếu biotin nhưng trứng sống dễ chứa nhiều vi khuẩn.

Sai lầm 8: Sản phụ nên ăn nhiều trứng gà

Ăn trừng gà là một trong những thói quen của các sản phụ khi đang trong kỳ ở cữ tuy nhiên với thời đại thực phẩm đa dạng như hiện nay thì không nên áp dụng điều này.

Sản phụ nên lựa chọn các loại thực phẩm đa dạng, ngoài việc mỗi ngày ăn từ 1-2 quả trứng thì nên ăn thịt, sữa, đậu, trái cây để đạt được chế độ dinh dưỡng cân bằng.

Sai lầm 9: Trứng gà và sữa đậu không nên ăn cùng nhau

Những người ủng hộ quan niệm này cho rằng đậu nành chứa chất ức chế trypsin sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ, tiêu hóa protein trong cơ thể. Tuy nhiên khi đậu tương được làm thành sữa, chất ức chế trypsin đã bị phá hủy nên trứng và sữa đậu nành có thể ăn cùng nhau.

Sai lầm 10: Không nên ăn trứng gà khi bị cảm lạnh

Khi bị ốm sốt, cơ thể tiêu hao một lượng năng lượng lớn, sức đề kháng xuống dốc và không muốn ăn bất cứ thứ gì, cơ thể sẽ thiếu chất dinh dưỡng. Khi đó, trứng gà và các thực phẩm giàu protein khác sẽ là lựa chọn thích hợp./.

Theo Lan Phương

Vietnamplus