Quản trị nguyên khí quốc gia hiệu quả trong bối cảnh hội nhập

“Nhân sự Việt Nam - đặc biệt là các bạn trẻ cần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, thành thạo chuyên môn, tay nghề, kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học, làm việc hiệu quả, nắm bắt kịp thời các thông tin, kiến thức mới trong và ngoài nước, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, luật lệ và các quy định, thích ứng nhanh với các môi trường làm việc đa văn hóa…”. TS. Nguyễn Thế Vinh - Ủy viên Quốc gia, Uỷ ban Kỹ thuật 260 về quản trị nhân sự, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế ISO Thụy sỹ - Đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Dân trí xung quanh vấn đề quản trị nguồn nhân lực của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Là đại diện Quốc gia UB Kỹ thuật TC 260, Tổ chức ISO, Ủy viên UB Nghiên cứu toàn cầu của Liên đoàn các Hiệp hội QTNS Thế giới WFPMA, Ủy viên Ban Điều hành Liên đoàn QTNS Châu Á TBD APFHRM…, ông đánh giá như thế nào về nhân sự Việt Nam trong bản đồ nhân sự thế giới? Đâu là điểm mạnh, điểm yếu của nhân sự nước ta?

TS. Nguyễn Thế Vinh đứng bên trái cùng Chủ tịch Liên đoàn WFPMA
TS. Nguyễn Thế Vinh đứng bên trái cùng Chủ tịch Liên đoàn WFPMA

-Việt Nam với lợi thế là dân số “vàng” 92 triệu dân, điểm mạnh chính là số lao động dồi dào 54,4 triệu người, đứng thứ 3 trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tuổi trung bình 27,8 - là mong muốn của nhiều quốc gia bị già hóa dân số. Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế về giá nhân công thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, lương bình quân khoảng 250 USD/tháng, trình độ tiếng Anh xếp hạng đứng thứ 5 trong khu vực châu Á.

Mặc dù năng suất lao động (NSLĐ) đã tăng dần 3% hàng năm trong 10 năm qua nhưng theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, Việt Nam vẫn xếp ở nhóm thấp nhất về NSLĐ của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 16 lần, Hàn Quốc 10 lần và Malaysia là 5 lần… Số lao động không có kỹ năng lớn, thiếu nhiều công nhân tay nghề và quản lý có kỹ năng. Chỉ số Cạnh tranh Nhân tài toàn cầu GTCI của Việt Nam đứng thứ 82/109 quốc gia được khảo sát, trong đó mức độ đáp ứng lao động với kinh doanh xếp thứ 63/109, chảy máu chất xám 66/109, còn mức độ quản lý và kỹ năng nghề lại ở mức rất thấp 95/109.

Do đó, nếu chúng ta không có chiến lược và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khả thi, đồng thời triển khai quyết liệt và quản trị “nguyên khí quốc gia” hiệu quả thì thời gian tới lao động Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các nước.

Việc Việt Nam ký kết các hiệp định và tham gia vào thị trường chung thế giới mở ra những cơ hội to lớn, song cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Theo ông, để có thể tận dụng được những lợi thế từ việc hội nhập này, nhân sự Việt Nam, đặc biệt các bạn trẻ cần lưu ý điều gì?

-Hội nhập kinh tế thế giới mang lại nhiều cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực nước ta. Nhân sự Việt Nam - đặc biệt là các bạn trẻ - cần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, thành thạo chuyên môn, tay nghề, kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học, làm việc hiệu quả, nắm bắt kịp thời các thông tin, kiến thức mới trong và ngoài nước. Ngoài ra, các bạn cần tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, luật lệ và các quy định, thích ứng nhanh với các môi trường làm việc đa văn hóa, và làm việc chăm chỉ với mục tiêu rõ ràng.

TS. Nguyễn Thế Vinh đứng giữa cùng Chủ tịch và Thư ký Ủy ban Kỹ thuật ISO 260
TS. Nguyễn Thế Vinh đứng giữa cùng Chủ tịch và Thư ký Ủy ban Kỹ thuật ISO 260

Vậy theo ông, chúng ta nên có những giải pháp cơ bản nào để có thể nâng cấp nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu rất lớn về chất lượng nguồn nhân lực? Với hệ thống cán bộ, công chức, viên chức thì theo ông, Việt Nam cần có những cải cách gì để chúng ta có bộ máy tổ chức và nhân sự tốt nhất thực sự phục vụ nhân dân và vì nhân dân?

-Việt Nam cần triển khai hệ thống đào tạo tiên tiến theo các tiêu chuẩn quốc tế, tham gia vào các chương trình hợp tác và chuyển đổi làm việc giữa các quốc gia… để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cũng như đầu tư vào việc phát triển nguồn nhân lực hiệu quả và có trọng điểm:

Về công tác dạy nghề và đào tạo chuyên môn thực hành, cần đảm bảo nguyên tắc “học đi đôi với hành” theo tỷ lệ “60 – 40” và được tham gia vào môi trường đa văn hóa, đa lĩnh vực. Bên cạnh đó, cần đổi mới đồng bộ chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, đặc biệt triển khai xây dựng các tiêu chuẩn nghề nghiệp theo khung trình độ quốc gia và cấp các chứng nhận hành nghề sau khi đủ điều kiện theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, cần quan tâm tích hợp kiến thức, luật lệ quốc tế, kỹ năng, ngoại ngữ, công nghệ và giáo dục hành vi để chất lượng đào tạo và năng lực được đồng bộ tạo điều kiện cho người lao động có khả năng dịch chuyển làm việc dễ dàng ở các quốc gia, trước mắt trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Việc đầu tư trong nâng cao thể lực, sức khỏe, môi trường, điều kiện làm việc, đời sống vật chất và tinh thần cũng là vấn đề quan trọng góp phần nâng cấp nguồn nhân lực và năng suất lao động…

Đối với hệ thống công chức và viên chức, cần có chiến lược, kế hoạch trung và dài hạn. Từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nội bộ kết hợp tuyển dụng bên ngoài trên nguyên tắc đảm bảo yếu tố minh bạch. Cải tiến thu nhập, đãi ngộ và thăng cấp tốt với nhiều ưu đãi dựa trên năng lực và mức độ hoàn thành công việc, không đơn thuần theo chức danh…để ngăn chặn nguy cơ tham nhũng. Lựa chọn những nhân tài tốt nhất để xây dựng bộ máy chính quyền hiệu quả, năng động, đa kinh nghiệm thực tiễn cả trong hệ thống nhà nước và khối tư nhân.

Thưa ông, việc tham gia vào Ủy ban Kỹ thuật TC 260 của Tổ chức ISO về xây dựng tiêu chuẩn quản trị nhân sự quốc tế cụ thể để thực hiện các mục tiêu gì?

- Tháng 9/2016 vừa qua, Tổng Cục tiêu Đo lường Chất lượng Việt Nam đã được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế ISO Thụy sỹ phê chuẩn tham gia là thành viên của Ủy ban Kỹ thuật TC 260, xây dựng tiêu chuẩn quản trị nguồn nhân lực quốc tế.

Tiêu chuẩn ISO/TC260 về quản trị nhân sự quốc tế sẽ giúp các tổ chức vận hành và sử dụng nguồn nhân lực một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và nâng cao khả năng thỏa mãn khách hàng và đối tác của mình, cung cấp nền tảng thống nhất cho sự phát triển, thành công bền vững. Ủy ban Kỹ thuật ISO/TC 260 có 45 quốc gia tham gia là thành viên. Dự kiến trong 2 năm tới, Ủy ban sẽ đưa vào thử nghiệm tiêu chuẩn và 5 năm tới sẽ áp dụng trên phạm vi toàn cầu. Tôi rất mong muốn Việt Nam xây dựng được cộng đồng người làm nghề nhân sự chuyên nghiệp, áp dụng các tiêu chuẩn quản trị nhân sự tiên tiến trên thế giới, mang lại lợi ích cho các tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia.

Hà Anh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm