Dự án làng sinh thái đến với xã vùng cao

Nằm cách thị xã Lào Cai khoảng 10 km, An San là một làng nhỏ nằm ở xã Cốc San, trên trục đường du lịch Lào Cai - Sapa. Điều kiện tự nhiên An San khó khăn với một phần lớn diện tích đất bị bỏ hoang do đất dễ bị rửa trôi nên canh tác kém.

Mới đây, dự án "Hỗ trợ xây dựng mô hình làng sinh thái An San, xã Cốc San, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai" do Công ty ô tô Toyota Việt Nam phối hợp với Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường - CENTAC (Bộ Tài nguyên Môi trường) và Ủy ban Nhân dân Xã Cốc San đã được khởi động tại đây.
 
Dự án này được bà con nơi đây hi vọng là sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong hoạt động sản xuất cũng như cải thiện môi trường sống. Đây là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình bảo vệ môi trường mang tên “Go Green - Hành Trình Xanh” do Công ty ô tô Toyota Việt Nam khởi xướng và phối hợp với Tổng cục Bảo vệ Môi trường và Bộ Giáo dục & Đào tạo thực hiện.
 
Dự án làng sinh thái đến với xã vùng cao - 1

Theo ông Bùi Cách Tuyến, Phó Tổng Cục trưởng , Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trước đây, khi nói đến ô nhiễm môi trường, chúng ta chú trọng nhiều hơn về ô nhiễm trong đô thị, khu công nghiệp nhưng 73 – 74% dân số của Việt Nam sống ở nông thôn, do đó cải thiện môi trường ở nông thôn vô cùng quan trọng và cũng đang được các cấp các ngành, chính quyền địa phương quan tâm chú ý.
 
Tuy nhiên, với những dự án lớn về môi trường thì thường ít cụ thể hóa được tới từng vùng nhỏ. Vì vậy, dự án "Hỗ trợ xây dựng mô hình làng sinh thái An San, xã Cốc San, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai" cũng là một trong những hành động quý giá và thiết thực.
 
Để dự án tiến hành có hiệu quả và “đúng người, đúng điểm”, cả Tổng cục Bảo vệ Môi Trường cũng như về phía doanh nghiệp Toyota Việt Nam đã phải tìm hiểu, khảo sát, lên kế hoạch trước đó.
 
Trước những hạn chế cũng như khó khăn thực tế của An San, công ty ô tô Toyota Việt Nam đã quyết định phối hợp với Tổng cục Bảo vệ Môi Trường, Trung tâm Giáo Dục và Truyền thông Môi trường thực hiện xây dựng làng sinh thái tại đây, nhằm phát triển diện tích rừng, xây dựng bền vững tài nguyên đất và nước tại An San, trên cơ sở đó, tạo ra cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp và phát triển sinh kế cộng đồng.
 
Khi nhận được thông tin này, ông trưởng thôn An San vui mừng và tâm sự về thực trạng của An San: “Thôn có 250 ha đất trong đó 40 ha đất rừng, 30 ha đất nông nghiệp và một diện tích lớn đất đồi và đất bỏ hoang. Phần lớn đất đồi bị rửa trôi do địa hình trượt dốc ở nơi đây. Do đó diện tích có khả năng canh tác nhỏ và chất lượng đất ngày càng kém, năng suất trồng trọt thấp, diện tích đất không còn khả năng canh tác ngày càng tăng.
 
Khi lên những địa bàn vùng cao, dân cư không quá đông đúc, sự xuất hiện của những khu công nghiệp không nhiều, hơn nữa, nhìn thấy nhiều cây cối, mọi người thường nghĩ môi trường và khả năng canh tác ở đó rất tốt nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy”.
 
Ông trưởng thôn còn cho biết, hiện không chỉ có diện tích đất hoang, đất trống nhiều, mà nguồn nước ở An San cũng đang “có vấn đề”, rất cần sự giúp đỡ, tài trợ của các cấp, các ngành, các đơn vị tổ chức. Vì vậy, nhận được sự hỗ trợ của công ty ô tô Toyota Việt Nam là chúng tôi quý lắm đấy.
 
Là địa phương được xây dựng trở thành làng sinh thái đầu tiên ở khu vực huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nên công tác tuyên truyền ở đây được quan tâm đầu tiên. Ông Hoàng Xuân Phú, Chủ tịch xã Cốc San, cho biết: “Qua tuyên truyền trong hơn một tháng qua, ý thức người dân chuyển biến rõ rệt. Đối với những xã vùng cao như thế này, ngươi dân được hỗ trợ về mặt kiến thức rất quí bên cạnh phần kinh phí hỗ trợ”.
 
Bà Đặng Thị Sính, thôn An San, hồ hởi kể: “Chúng tôi đã được “bảo” cho cách trồng trọt và được “cho” cây na và hồng xiêm giống, phân bón rồi đấy cô nhà báo ạ. Cả xóm ai cứ đăng kí là được cho hết”.
 
Rồi chẳng để hỏi thêm, bà nói luôn một hơi “Đây mới là phần đầu của dự án thôi, tháng 7 tới, chúng tôi sẽ còn được “cho” cây giống trồng rừng. Gia đình tôi còn là 1 trong 5 gia đình đủ điều kiện để họ “làm” bếp biogas cho. Thấy bảo dự án còn nhiều thứ lắm, tôi chưa kịp nhớ hết. Nhưng cứ đến đâu hay đến đó đã…”.
 
Rất nhiều người dân ở đây đã kể về “dự án ở thôn chúng tôi” với một niềm vui khó tả. Vũ Tiến Vinh, học sinh lớp 10, nhà ở thôn An San nói như một “ông cụ”: “Dự án sẽ giúp làm cho môi trường tốt hơn, người dân có ý thức hơn”.
 
Quả thật, có mặt ở thôn trong những ngày đầu khởi động dự án, chúng tôi nhận thấy người dân rất tích cực, vui vẻ tham gia, họ hào hứng lên đồi trồng cây, bản cam kết bảo vệ môi trường được treo trang trọng trong nhà.
 
Với mức tổng kinh phí hỗ trợ dự án là 700 triệu đồng, công ty ô tô Toyota Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung vào các hoạt động cụ thể như tập huấn về vệ sinh môi trường và nếp sống nông thôn mới, phát triển hệ sinh thái rừng, vườn đồi, đồng ruộng bằng các buổi tập huấn về kĩ thuật công trồng, giống, phân bón, chăm sóc và cải tạo đất, hỗ trợ cải tạo môi trường địa phương qua hoạt động khơi thông hệ thống thoát nước và vận động nhân dân cải tạo hệ thống chuồng trại nhà tiêu cũng như xây dựng điểm một số hầm biogas và bếp đun cải tiến...nhằm giúp dân làng khắc phục điều kiện tự nhiên khó khăn.
 
Các hoạt động trên sẽ được thực hiện trong năm 2009, dự kiến được tiếp tục duy trì trong giai đoạn 2010- 2011, cứ 3 tháng 1 lần trong 2 năm, đoàn công tác phối hợp cùng cán bộ địa phương sẽ xuống kiểm tra và hướng dẫn, tập huấn tại chỗ cho cộng đồng nhằm củng cố các kiến thức và kĩ năng thực hiện để đảm bảo các hoạt động của dự án được triển khai liên tục.
 
Bà con ở đây rất hăng hái tham gia tập huấn và đã biết áp dụng vào thực tiễn những kiến thức bảo vệ môi trường trong cuộc sống hàng ngày. Điều này đã và đang có tác động tốt đối với môi trường và cũng chính là sự động viên lớn lao nhất đối với chúng tôi, là điều khiến chúng tôi phải suy nghĩ nhiều và cố gắng tiếp thêm sức, hỗ trợ bà con trong những giai đoạn tiếp theo, không chỉ thực hiện ở An San mà còn nhiều địa phương khác ở Việt Nam”, ông Akito Tachibana, Tổng giám đốc công ty ô tô Toyota Việt Nam chia sẻ.
 
PV