Đại Đồng Tiến “tấn công” sang thị trường Myanmar

Và với việc chính thức lọt vào top Hàng Việt Nam chất lượng cao 2012 và đẩy mạnh mở rộng thị trường sang nhiều nước, công ty đã đặt mục tiêu doanh thu 2012 dự kiến lên đến 1.400 tỷ đồng, tăng tới 40% so cùng kỳ năm trước.

Mới đây, sự kiện đoàn lãnh đạo Thành ủy TPHCM đến thăm và làm việc tại Myanmar được xem là một quan trọng giúp các doanh nghiệp hai phía ký kết hợp tác kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.
 
Đại Đồng Tiến “tấn công” sang thị trường Myanmar
Đại Đồng Tiến đánh giá Myanmar là một thị trường tiềm năng

Cùng tham gia chuyến đi này, ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc CTCP Đại Đồng Tiến, một doanh nghiệp lớn hoạt động trong mảng sản xuất hàng tiêu dùng ngành nhựa cho biết, cùng với 11 doanh nghiệp Việt khác, công ty cũng đã chính thức ký kết văn bản hợp tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực với đối tác, đánh dấu bước tiến mới của mình trên thị trường quốc tế.

Trong chuyến thăm này, đại diện phía Myanmar đã khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư. Trong đó, riêng Bộ Công nghiệp Myanmar hiện đang chuẩn bị hoàn tất Luật Đầu tư mới nhằm mở cửa để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có việc rút ngắn cấp phép đầu tư. Và theo như đánh giá của ông Cường, thì đây là một cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu, hợp tác tại thị trường Myanmar.

Myanmar là một thị trường tiềm năng và có thể phát triển nhanh. Trên thực tế, thị trường nhựa Myanmar chủ yếu là phân khúc thấp mà giá bán vẫn cao, chính vì vậy những sản phẩm cao cấp của Đại Đồng Tiến khi vào thị trường này sẽ lấy được cảm tình và lòng tin yêu của người tiêu dùng – ông Cường nhìn nhận.
 
Đại Đồng Tiến “tấn công” sang thị trường Myanmar
Ông Trịnh Chí Cường - Tổng giám đốc CTCP Đại Đồng Tiến giới thiệu các sản phẩm của DN với lãnh đạo Myanmar

Theo đó, tiềm năng xuất khẩu hàng tiêu dùng vào thị trường Myanmar còn rất lớn bởi sản xuất trong nước của Myanmar mới chỉ đáp ứng được 10%, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi đó, doanh nghiệp và người tiêu dùng Myanmar rất quan tâm tới hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện tại, thị phần hàng xuất khẩu của Việt Nam tại Myanmar mới khoảng 1%. Trong khi đó, ở thị trường này, sự cạnh tranh giữa hàng Việt Nam và các đối thủ “nặng ký” khác như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ…cũng ngày một khốc liệt.

Song “với nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, sự tương thích về khả năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, Việt Nam và Myanmar đang mở cửa về kinh tế nên đây là thời điểm thích hợp nhất cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư”, vị giám đốc của Đại Đồng Tiến tin tưởng.

Thời điểm hiện tại, thị trường tiêu thụ chính của Đại Đồng Tiến vẫn là nội địa và công ty đang đẩy mạnh nâng cao tỷ lệ xuất khẩu lên trên mức 10% so với tổng sản lượng hàng năm. Với khoảng 300 mặt hàng, Đại Đồng Tiến đang có tham vọng muốn mở rộng phạm vi ra nhiều thị trường khác…

Cụ thể, ngoài văn phòng đại diện tại Camphuchia, sắp tới, công ty dự kiến mở thêm hai văn phòng nữa tại Lào và Myanmar. Tất cả các mô hình này đều sử dụng nhân viên kinh doanh là người sở tại.

Chiến lược mở rộng thị trường sẽ giúp công ty chủ động hơn trong tiêu thụ và tăng cường doanh thu theo năm.

“Phủ” thị trường trong nước

Nếu năm 2010, doanh thu của Đại Đồng Tiến đạt trên 880 tỷ đồng, tăng lên 900 tỷ đồng trong năm 2011 thì kế hoạch của ban quản trị cho 2012 dự kiến lên đến 1.400 tỷ đồng, nâng mức tăng trưởng lên 40% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay công ty có trên 300 mặt hàng, các sản phẩm mang nhãn hiệu Household, Sina, Nice, Foodpak, GIP... tiêu thụ mạnh thị trường nội địa và xuất khẩu đến nhiều quốc gia: Lào, Campuchia, Australia, các quốc gia châu Âu và Trung Đông…

Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì vẫn phải “đóng chắc, đóng chặt” ở thị trường trong nước. Vì vậy, Đại Đồng Tiến đã tổ chức được mạng lưới phân phối với hơn 70 nhà phân phối và hơn 3.500 cửa hàng bán lẻ, “len lỏi” vào các siêu thị lớn như Big C, Maximark, Co.opmart...

Ông Cường cho biết, ngoài một nhà máy đang hoạt động ở TPHCM, năm 2011, Đại Đồng Tiến cũng đã đầu tư xây dựng thêm một nhà máy mới với khoản đầu tư khoảng 10 triệu USD (và dự kiến nâng lên 50 triệu USD trong những năm tới) theo tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới, xây dựng tại Nhơn Trạch, Đồng Nai. Dự kiến đến quý III năm nay nhà máy này sẽ đi vào hoạt động.

Với nhà máy hiện đại này, ông Cường cho biết, công ty sẽ tăng cường các nhóm hàng tiềm năng lâu nay còn hạn chế sản lượng do chưa có nhà xưởng lớn như nhựa nội thất, hàng cao cấp xuất khẩu.

Chiến lược của Đại Đồng Tiến là tăng sản lượng sản phẩm có chất lượng cao, tạo tiền đề cho mục tiêu xuất khẩu trong tương lai và hướng đến mục tiêu năm 2020 sẽ trở thành thương hiệu toàn cầu.

Và với việc vừa chính thức lọt vào top Hàng Việt Nam chất lượng cao 2012 cùng uy tín mà bản thân công ty đã khẳng định với người tiêu dùng trong thời gian qua, ông Cường tin tưởng rằng, mục tiêu doanh thu cả năm cũng như tham vọng toàn cầu hóa của Đại Đồng Tiến là hoàn toàn có cơ sở.
 
PV