Yếu tố doping vitamin T trong cuộc đua... chạy chọt

(Dân trí) - “Chạy chọt” là “bộ môn” không dính dáng gì tới thể thao, nhưng hỏi 10 người dân chắc phải có tới 9 biết nó là gì và đang lan tràn ở những đâu. Bởi thế sự… ngây thơ khi tỏ ra xa lạ với “chạy chọt” mới khiến dư luận sốc và rúng động.

Ngoài ngõ đã tường, trong nhà vẫn...chưa tỏ

 

Ngoài ngõ đã tường, trong nhà vẫn chưa tỏ
 

Thế mới biết thời nay kỷ lục về "nói có có thể là không, mà nói không lại có thể là có" không còn thuộc về con gái theo như lời của một ca khúc nữa, mà dư luận đã nghiêng theo hướng bỏ phiếu bình chọn nó cho không ít giới chức nhà ta.

 

Bởi vậy, dân tình lại thêm một lần nữa bị “rúng động” và “sốc” khi thấy điều ai cũng rõ  mười mươi mà vẫn có thể gây “rúng động” và “sốc” với không ít giới chức. Nếu quả là vậy thì rất đúng theo nhận xét của đại đa số người dân, rằng nhiều vị chức sắc VN vẫn quá quan liêu, quá xa dân…

 

Hãy xem các “bác sĩ” dư luận của chúng ta mổ xẻ con bệnh này theo cách hài hước như thế nào nhé!

 

“Các vị hệt như người ngoài hành tinh ấy ! Cái chuyện phổ biến từ đồng bằng tới miền ngược, từ nông thôn tới thành thị từ bao nhiêu năm nay rồi mà bây giờ nhiều vị lại bảo là cảm thấy sốc khi biết ! Chuyện đó đâu chỉ ở Hà Nội!!! Ở nhiều nơi còn mất hai ba trăm triệu chứ không phải chỉ một trăm triệu đâu!!!” - Kute:  kute@gmail.com

 

“Điều này mà có những người vẫn bảo là "THÔNG TIN RÚNG ĐỘNG" ư?Thật là hài hước quá thể! Những cử nhân, kỹ sư như bọn tôi vì sao phải chạy hết lên Hà Nội này nhiều năm qua để sinh sống? Cũng chỉ vì cái giá quá ‘chát’ của tệ chạy chức và cửa quyền đấy. Tôi hiểu điều đó từ khi tôi học lớp 4 (10 tuổi) mà năm nay tôi đã 26 tuối, và tới giờ vẫn hiểu rằng nó đương nhiên tồn tại trên đất nước ta. Nhưng chúng tôi biết kêu ai? Chỉ biết vì nó mà chúng tôi vẫn phải chịu cảnh mình nghèo đi và rất chật vật kiếm sống, trong khi giới chức hầu hết đều giàu lên và thậm chí có những vị sống xa hoa. Chính họ tạo ra cho người dân cái tâm lý ngại tiếp xúc với chốn công quyền, làm gì dính dáng tới việc công cũng nghĩ sẽ bị tham nhũng trước tiên. Ý nghĩ đó đã sớm ăn sâu vào đầu óc chúng tôi rồi. Thật đau lòng!” - Dân Hà Nội:  firephoenix17487@gmail.com

 

 “Tôi đi nhiều nước trên thế giới. Ở các nước văn minh hơn, có nền kinh tế mạnh hơn VN chẳng nước nào có tình trạng như ở VN cả. Con cháu thị trưởng thành phố có thể là người bồi bàn, lái taxi, phục vụ khách sạn như thường. Họ được giáo dục để biết mình là ai, với trình độ của họ thì họ sẽ đứng ở vị trí nào trong xã hội. Họ không luồn lọt hoặc bằng mọi giá để có được một chỗ đứng trong xã hội. Người VN mình nghĩ cho bản thân mình nhiều quá, chỉ biết thương xót nhỏ nhoi mà không nghĩ đến sự tiến bộ chung của cả xã hội” - Nhật Minh:  solaris@yahoo.com
 
(minh họa theo: tintuchangngay.org)
(minh họa theo: tintuchangngay.org)

 

Mách khó có chứng, vì sao?

 

Vẫn biết dư luận là một chuyện, còn muốn kết tội thì yếu tố cần thiết đầu tiên là phải có bằng chứng, rồi thì mới tiến tới “án tại hồ sơ”…. Nhưng những hành vi được thực hiện theo kiểu “luật bất thành văn” thì sao mà có bằng chứng được, khi những người liên quan đều chẳng ai dại gì muốn chường mặt ra trước bàn dân thiên hạ cho “xấu chàng, hổ ai”. Hơn nữa, đó đều là những việc làm phi pháp, bị điều tra ra không khéo lại được ngồi chơi xơi nước hoặc tệ hơn còn có thể được…bóc lịch chứ chẳng chơi. Thế là trở đi cách núi, trở lại cách sông.

 

May ra có những ai đó tiền mất tật mang hoặc lâm vào cảnh “bắc thang lên hỏi ông Trời…” mới còn muốn dò đến tận tổ con chuồn chuồn xem sao thôi.

 

“Việc chạy chức đã có từ lâu, ai cũng biết cả, thế nhưng hễ nêu ra là lại hỏi "bằng chứng đâu?" Tôi nói thật, theo tôi nghĩ thì chỉ có những người thiếu trách nhiệm với vận mệnh của đất nước, của chế độ, làm việc quan liêu mới hỏi vậy thay vì chủ động điều tra tìm ra bằng chứng, vì đây là việc của cơ quan chức năng kia mà. Trong khi thời nay cá nhân tố cáo thường thì sự việc rồi lại vẫn rơi vào im lặng, người tố cáo không được bảo vệ. Còn toàn dân ai cũng hiểu rõ ràng là cơ chế tuyển dụng công chức có vấn đề. Cần tìm ra kẽ hở để bịt ngay lỗ hổng đáng sợ này lại. Có bao nhiêu công chức trong số 280 ngàn công chức hưởng lương ngân sách thực sự Tài - Đức? Đất nước sẽ ra sao vì hiểm họa này? Mà điều đó xảy ra không chỉ ở HN đâu. Mong hãy tỉnh táo hơn đi, các vị ơi!” - Hồ Bá Lộc:  buddyloc@yahoo.com

 

“Theo tôi bằng chứng rất sẵn nhưng cũng rất khó, nhưng lẽ nào các giới chức của chúng ta lại không hiểu rằng tệ nạn này đã trở thành "lệ" từ lâu rồi, nó đã đi vào tiềm thức của gần như bất cứ người dân VN nào rồi....Tôi là một trong những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của một trong những trường "danh tiếng của Việt Nam" và đã chạy xin nộp hồ sơ nhiều chỗ (ngân hàng, các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước... chỉ vì bố mẹ tôi muốn thế). Nhưng rồi đều thất vọng vì nơi có nhận hồ sơ cũng không được gọi dự thi. Trong quá trình chạy việc cũng có nhiều người thân giới thiệu mất 250-300 triệu sẽ vào được ngân hàng này nọ hay những chỗ khác, nhưng bố mẹ tôi đâu có tiền.  Sốt ruột, bố mẹ tôi lại chuyển sang khuyên tôi đi du học tiếp và nói sẽ vay tiền cho tôi đi học. Các cụ lại khuyên tôi học xong cố gắng xin việc và ở lại làm để lấy tiền trả nợ.... Thật là khó quá. Mà tôi cũng không biết có nhiều bạn SV mới ra trường rơi vào tình cảnh giống của tôi không?” - Ha Linh:  halinh.1512@gmail.com

 

Chẳng biết hỏi ai, người ta đành bấu víu vào những niềm hy vọng chợt thấy dù có thể cũng rất mong manh. Bởi thế, thư ngỏ gửi qua báo chí tới các giới chức ngày càng nhiều. Cụ thể trong trường hợp “100 triệu” này, 2 địa chỉ đầu tiên được bạn đọc nhờ chuyển tiếp nhiều nhất là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần trọng Dực. Dưới đây chúng tôi trích đăng 2 trong số rất nhiều bức tâm thư như vậy:

 

“Kính gửi bác PTT Nguyễn Xuân Phúc!

 

Để đỗ được công chức phải mất tiền là đúng rồi bác ạ, không chỉ ở Hà Nội mà ngay cả Lạng Sơn quê cháu cũng đầy tiêu cực. Cháu học Học viện Hành chính, ra trường xin về cấp xã mà đi thi bằng hình thức phỏng vấn xét tuyển, họ vẫn bảo là thiếu… dấu phẩy. Đấy bác xem, ai đi thi mà lại bị chấm cả chính tả không? Chưa hết, các cấp có chức năng tuyển dụng còn đặt ra những yêu cầu ‘chuyên ngành’ mà chỉ có COCC mới được đăng ký. Cháu lấy ví dụ: Theo Nghị định 121 về cán bộ, công chức xã phường thị trấn thì yêu cầu về chuyên môn đối với chức danh công chức Văn Phòng-Thống kê cấp xã là phải tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành: Luật, Hành chính, Văn thư-Lưu trữ. Nhưng ở chỗ cháu họ lại yêu cầu là Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin...(vào UBND thị trấn). Cháu học Học viện Hành chính mà lại không được đăng ký vào UBND thị trấn. Sau khi có kết quả cháu mới biết là có 1 anh cùng quê với 1 vị chức sắc Huyện ủy, học tại chức, cũng đăng ký thi vào UBND thị trấn đó, nên họ quy định như vậy để cháu không được nộp hồ sơ vào đó nữa. Nản lắm bác Phúc ạ. Nếu bác muốn thanh tra thì đó là UBND huyện Cao Lộc-Lạng Sơn. Huyện này cũng thi công chức 1 năm mà chưa tuyển đủ các chức danh cụ thể như Tài chính -Kế toán, Địa chính-Xây dựng, vì toàn chỗ ‘màu’ mà. Cháu cung cấp thông tin và địa chỉ rồi đấy, mong bác chỉ đạo các ngành thanh tra ngay, xem sao thi lại tiêu cực thế?” - Anh:  giacmochapi7484@yahoo.com

 

“Thưa Thầy Trần trọng Dực, với tôi, Thầy là một người hùng của thời đại (cho phép tôi gọi như vậy). Vì việc Thầy Dực, đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội nói ra hôm nay không phải mọi người không biết, mà  tôi tin là tất cả đại biểu HĐND đều biết cả nhưng chẳng ai dám nói ra...Thầy Dực là người dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Như vậy thật sự Thầy rất xứng đáng là người đại diện của dân, do dân, vì dân... Tôi cũng công tác tại thành phố Hà Nội, cũng biết, cũng nghe ....nhưng hèn nhát không dám nói bởi suy tính: nếu có nói ra ai nghe? Có khi còn bị quy tội vu khống…. Tôi nghĩ, không những chỉ ngành giáo dục, tất cả các ngành đều phải nhìn nhận lại, xem xét lại chính mình....

 

Đất nước này nên có nhiều người như Thầy Dực, như bác Trương tấn Sang… thì mới có thể đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng đang tràn lan như hiện nay. Mỗi chúng ta hãy tự kiểm điểm nghiêm túc bản thân mình bằng lương tâm và trách nhiệm với đời, với người, một cách nghiêm túc... Khi cảm thấy không xứng đáng ở những cương vị mà mình đảm nhiệm, hãy nên tự có văn hóa rút lui. Đây là trách nhiệm của mọi người, mọi thế hệ phải cùng chung sức mới thành công đươc. Tôi chia sẻ với Thầy Dực việc này bằng tấm lòng của mình. Trong thời gian tới có lẽ Thầy sẽ không ít lo âu, suy nghĩ và chắc cũng sẽ rất khó khăn...Nhưng Thầy ạ, nói ra được lòng sẽ thảnh thơi hơn rất nhiều. Hơn nữa, mình nói đúng chẳng có gì phải sợ cả, Thầy ạ. Thầy đã cho em một sức mạnh tinh thần rất lớn. Chúc Thầy thành công, sức khỏe, hạnh phúc. Chúng em luôn bên Thầy” – Lê Sơn: nguyenleson2006@yahoo.com

 

Bộ môn “chạy chọt” này thật tiếc là không có trong danh sách các cuộc thi tài tầm cỡ quốc tế, vì nếu có e rằng kỷ lục khó có thể vuột khỏi tay các… tuyển thủ VN. Kể cả những chân chạy “cuốn theo chiều gió” của các siêu cao thủ Lục địa Đen cũng phải chào thua loại doping mang tên “vitamin T” là cái chắc!

 

Khánh Tùng