Xác định xe chính chủ: Chờ được vạ, má đã sưng

(Dân trí) - “Nói chung là cách làm việc như thế này vẫn quá MỆT, biết bao giờ khá nổi?’ - Thai Hoc: thaihoc3838@yahoo.com; “Đèn cù, đèn cù là… khen ai khéo kết ối a cái đèn cù. Voi giấy ôi a là ngựa giấy ớ… tít mù nó lại vòng quanh ớ ơ…” - Hoa Đăng: test@gmail.com…

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Dân kêu, quan (chức) lại… báo cáo

Tâm trạng chán ngán, thất vọng, ấm ức… như vậy vẫn bao trùm diễn đàn dư luận, mặc dù trong trả lời phỏng vấn hôm 21/3, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội đã khẳng định: quan điểm của CSGT Hà Nội là làm gì thì làm nhưng cần tạo mọi điều kiện cho nhân dân, để nhân dân hiểu và thực hiện tốt, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ chiến sỹ trong khi thực thi nhiệm vụ.

 

Lý do khiến dân không muốn tin và có muốn cũng không thể tin thì có tới cả hơn ngàn lẻ một, nào là: “Trên thì nói thế chứ dưới chắc gì đã làm như thế???” – Trần Minh:  hhjkk@yahoo.com.
 
Hoặc “Tôi thấy vẫn chỉ là "cố đấm ăn xôi". Lại thêm một lực lượng không nhỏ để đi xác minh "chính chủ", lại sinh ra thêm các đòi hỏi vô lý để bắt lỗi, lại thêm các lý do để gây khó dễ  vòi vĩnh hành dân???” - Vũ Tân: vu.tan151@gmail.com chỉ rõ bất cập nhỡn tiền.

 

“Thật sự là rất vô lý! Điều này sẽ dẫn đến một hệ lụy là tệ mãi lộ càng thêm trầm trọng và nhiều người sẽ tốn thêm rất nhiều tiền và thời gian” - Anh Ba: thang.nguyenquoc@yahoo.com.vn khẳng định.

 

“Luẩn quẩn quá đi mất, các nhà làm luật à, chỉ gây thêm khó dễ cho dân thôi. Mà cuối cùng hậu quả theo tôi là chỉ tăng tiêu cực chứ không giảm được tiêu cực đâu, vì ai cũng phải tự ‘tìm giải pháp’ khi vướng mắc, mà giải pháp nhanh nhất là nhờ vả và chạy chọt...” - Đỗ Thế Tuấn: tuancienco8@gmail.com cảnh báo nguy cơ.

 

“Suốt cả thời gian qua nói đi, nói lại tôi vẫn thấy quy định phạt xe ‘không chính chủ’ (chưa sang tên đổi chủ) không khả thi chút nào. Thử nghĩ xem người cho mượn xe có dám giao hết giấy tờ cho người mượn không? Trường hợp không có đầy đủ giấy tờ thì phải tạm giữ phương tiện theo quy định là 10 ngày, sau đó sẽ xác minh làm rõ…vẫn rất nhiêu khê... Tôi đề nghị chỉ phạt ‘xe không chính chủ’ đối với những trường hợp vi phạm hình sự. Còn với người tham gia giao thông thì ‘xe không chính chủ’  không ảnh hưởng gì đến an toàn giao thông cả” – Trần Hải:  tranhai_8819@yahoo.com nêu tiếp đề xuất.

 

“Xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông là một biện pháp giáo dục người tham gia giao thông thực hiện tốt hơn "VĂN HÓA GIAO THÔNG". Nhưng "VĂN HÓA XỬ LÝ VI PHẠM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG" có lẽ đã đến lúc không nên thực thi, vì theo tôi thấy là không thể để tồn tại và ngày càng tha hóa VĂN HÓA GIAO THÔNG như kiểu này được nữa!” – Pham Cong Vien Du: phamcongviendu@gmail.com nhấn mạnh.

 

“Ôi, dân trí và quan (chức) trí! Chỉ toàn thấy dân kêu về việc ban hành các quy định "hành dân" trước khi được thực hiện, còn các quan (chức) thì chỉ là "báo cáo cấp trên" trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc (???)” - Tiến: mtiencds40@yahoo.com đế thêm.

 

“Làm như thế khác nào lại… ‘tiếp tay’ cho những vi phạm của chính mấy bác giao thông nhỉ???” - Pham Xuan Thai:  thaipx0510i@yahoo.com tiếp tục bày tỏ lo ngại.

 

“Thế gọi là ‘tạo điều kiện’ cho dân, hay là càng làm khó thêm với người dân?” - Tuan:  tuan@yahoo.com nghi vấn...
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Dễ mà khó
 
Cũng theo giải thích của Đại tá Thăng thì “với xe đi mượn, người tham gia giao thông không cần phải có giấy ủy quyền của chủ sở hữu phương tiện, nhưng bắt buộc phải có đủ giấy tờ như đăng ký xe, giấy phép lái xe... Trường hợp xe bị tạm giữ sẽ xác minh thêm lỗi có chính chủ hay không”.

 

Nói nghe dễ như…ăn bánh (chỉ có điều rất dễ là… bánh vẽ)! Bởi vì chỉ riêng những thủ tục “gọn nhẹ” theo yêu cầu của CSGT thôi, với người dân đã chẳng khác gì thêm gánh nặng thủ tục nữa đè lên vai. Mà xưa nay chờ được vạ thì má cũng đã sưng vốn chẳng phải là chuyện thường ngày ở huyện sao…

 

“Tôi thấy nếu vi phạm luật giao thông, sau đó để chứng minh là xe đi mượn hợp pháp… thì chắc xe đó đã thành… sắt vụn rồi. Các cụ nhà ta có câu rất đúng: Chờ được vạ thì má đã sưng mà. Chiếc xe chỉ là phương tiện, là một tài sản thì có thể cho hoặc tặng hoặc cho mượn. Và tài sản đó người mua nó lúc đầu đã phải nộp thuế rồi. Còn con người mới là đối tượng cần quan tâm. Xử lý pháp luật là đối với con Người chứ không phải là với Xe. Mong các ngài có nhiều tiền hãy nghĩ đến người dân nghèo phải dùng lại đồ cũ với !” - Ly Hung:  hungdanghl@gmail.com

 

“Rối loạn hết cả lên với mấy quy định luật kiểu này! Các bác đang làm dân thêm đau đầu quá đấy. Lúc thế này, lúc thế kia... Sao không để làm cho xong, hoàn chỉnh rồi hãy thông báo cho dân? Chứ cứ mỗi ngày lại nói một kiểu khác nhau, chả ra đâu vào đâu cả. Mà xe chính chủ hay không chính chủ chả liên quan gì tới việc hỏng đường sá, cũng chẳng liên quan tới gia tăng tai nạn giao thông. Sao các bác không dồn công sức nghĩ cách hạn chế tai nạn giao thông và số người tử vong như thế nào đi, lại cứ chỉ hành dân mãi thế???” - Dân Việt:  danviet@yahoo.com

 

“Vậy khi xe bị thu giữ, ai sẽ đi xác minh? Và trong quá trình thu giữ xe thì ai phải chịu chi phí bến bãi, nếu xe sau đó được xác minh là chính chủ? Hay người tham gia giao thông vi phạm phải chịu hết? Vậy là cứ xe không chính chủ là bị giữ 10 ngày, ai không có xe chính chủ thì… khỏi đi mượn luôn nhé!” - Quang Anh: jupiter@yahoo.com

 

“Vậy xin cho hỏi là: ví dụ tôi mượn xe của người bạn mà ba bạn đó đứng tên. Khi bị mấy bác CSGT hỏi thì nói liệu mấy bác ấy có tin hay không?... Nếu là luật thì phải rõ ràng, còn nếu thấy luật chỉ gây phiền hà cho dân thì làm ơn bỏ ngay đi cho dân nhờ!” -  Minh Tuấn: tuannhat1983@yahoo.com.vn

 

“Theo tôi thấy, nói vậy tức là các bác chỉ đặt ra luật lệ để phạt "kèm" tăng thêm thu nhập, chứ không có ý định đặt ra luật để làm triệt để. Thế nên người dân… yên tâm nhé, chỉ có ai ‘số đen’ mới bị sờ gáy thôi!!!” - Lê Khánh Trình: trinhlk0262@yahoo.com.vn

 

Tính khả thi, tính thực tế

 

Suốt thời gian qua đã có không ít dự thảo, quy định, nghị định…mới lấp ló đâu đó đã vấp phải sự phản đối rầm rầm của dư luận và cả giới chuyên môn. Nhưng xem ra nhiều vị chức năng nhà ta đúng là vẫn cố… ăn xôi, đưa ra hết văn bản kỳ cục này tới văn bản chẳng giống ai khác bởi có lẽ điều quan trọng nhất là tính thực tế, khả thi lại luôn bị họ bỏ qua?

 

“Chỉ có 1 nghị định thôi mà đã gây ra nhiều dư luận quá! Tôi nghĩ, khi chuẩn bị ban hành 1 nghị định nào đó, người có thẩm quyền phải xem xét trên nhiều khía cạnh, tính thực tế, tính khả thi, chứ không nên dựa trên ý kiến cá nhân chung chung như vậy được. Là người dân VN tôi rất không đồng tình với quan điểm phạt xe ‘không chính chủ’ (thực chất của cái mà các vị ấy gọi là “xe chưa sang tên đổi chủ) này” - Nguyễn Công Vang:  inthefuture90@gmail.com

 

“Thực sự dân chúng tôi quá khổ rồi. Bao nhiêu vụ ‘làm luật’ đó, các cấp quản lý lẽ nào không biết? Các nhà báo cũng đã làm rõ không ít vụ rồi. Còn chúng tôi là dân thường, chẳng hiểu mấy về luật đâu. Bắt phạt sao, chúng tôi chịu như vậy thôi. Phẫn nộ thì chúng tôi chẳng dám…. Nhưng các vị, dân phòng, trật tự, CSGT… có ai dám khẳng định là không bao giờ nhận hối lộ, lót tay… không? Chúng tôi đã quá mệt mỏi rồi và không biết tin vào đâu nữa, các cán bộ “của dân, vì dân” ơi…” - Long: Jshna@yahoo.com

 

“Đúng là xã hội đã phát triển đi lên nhiều vậy, mà những luận điểm đưa ra vẫn cũ rích!!! Xe máy ư, nó thực sự là đồ ‘vứt đi’ ở  hầu hết các nước khi họ đều dùng xe hơi  là chính. Còn nước mình quẩn qua quẩn lại cũng vẫn chỉ nghĩ cách phạt ba thứ vớ vỉn đó?...  Theo ý kiến của tôi thì vấn đề chính chủ hay không chính chủ không quan trọng, mà quan trọng là những quy định của luật pháp phải rõ như thế này: Khi xe vi phạm giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông thì xe vi phạm nếu giả sử không chính chủ, thì ra quyết định tạm giam và chờ chủ thực của xe tới bảo lãnh về. Đồng thời người có liên quan phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với luật pháp .Còn trường hợp xe vi phạm mà chủ xe đến kịp hiện trường bảo lãnh xe thì cứ cho bảo lãnh. Dễ không. Nhưng ta còn nghèo mà toàn tính chuyện sang, yêu cầu xe phải chính chủ??? Rồi đây nạn kẹt xe sẽ càng hoành hành, lúc đó sẽ lại ra luật cấm đi làm trùng giờ cho mà xem. Làm việc kiểu chán quá!!!” – John Nguyen: pollemnguyen@yahoo.com

 

“Vấn đề này thật là đơn giản để thực hiện, nhưng phải có thời gian tương đối dài. Tạo sao chúng ta không lấy cột mốc là thời điểm ra quyết định xử phạt để bắt đầu áp dụng luật? Đối với những xe mua bán trước khi ra quyết định xử phạt thì có thể bỏ qua vấn đề phạt chính chủ. Còn những xe mua bán sau ngày ra quyết định thì sẽ bị xử phạt  thật nặng nếu không chuyển đổi sở hữu, khi bị phát hiện (mức phạt từ 10 -15 triệu đồng). Đồng thời người đứng tên sở hữu xe phải chịu trách nhiệm với xe mình đứng tên. Trường hợp  người điều khiển phương tiện gây tai nạn mà không phải chủ xe thì người chủ xe phải có trách nhiệm đền bù cho người bị nạn. Trong trường hợp giấy đăng ký xe sau ngày ra quy định xử phạt xe không chính chủ  (có mua bán nhưng chưa chuyển đổi chủ sở hữu)  thì phạt 30 triệu đồng và tù giam nếu gây tai nạn nghiêm trọng. Trường hợp xe chính chủ thì xử phạt theo quy định gây tai nạn. Nếu xử phạt cao như vậy thì người bán xe sẽ có trách nhiệm  yêu cầu người mua phải thay tên đổi chủ. Sau 5 năm nữa , tôi chắc sẽ không còn xe không chính chủ!” - Người cô độc: whynotlove2512@yahoo.com

 

Nhưng mà làm thế chẳng hóa ra… quá dễ với người dân sao??? Còn bẻ hành, bẻ tỏi vào đâu được. Chiếc Xe còn phải bị săm soi cho đến khi nào "dân được tạo mọi điều kiện thuận lợi" cơ. Được lời mà... mát lòng mát dạ quá!

 

Khánh Tùng