Bạn đọc viết:

Vụ thụt két 42 tỷ tại Cục Điện ảnh: Mất cả túi tiền, đương nhiên phải biết!

(Dân trí) - Cứ cho rằng thủ trưởng đơn vị không biết gì về quản lý kinh tế, cứ cho rằng kế toán đó không mang sổ phụ về, cứ cho rằng Cục Điện ảnh có rất nhiều tiền.… thì 42 tỷ biến mất trong tài khoản mà không phát hiện ra là không chấp nhận được!

Vụ thụt két 42 tỷ tại Cục Điện ảnh: Mất cả túi tiền, đương nhiên phải biết! - 1
(ảnh minh họa từ: ketoantruong.com.vn)

 

Tôi thấy lý giải của bạn Nguyễn Thanh Hải về chuyện "chuyện voi chui lọt lỗ kim" với bốn lỗ hổng chết người đó là… vớ vẩn. Vì để làm được việc này trong thời gian trên 2năm, rút số tiền 42 tỷ đồng làm nhiều lần, phải có sự tham gia của lãnh đạo ngân hàng, nhân viên ngân hàng, thủ trưởng và kế toán trưởng Cục Điện ảnh, sau đó cậu nhân viên kế toán kia mới thực hiện được.

 

Là dân kế toán chuyên nghiệp, tôi xin chứng minh lời nói của mình như sau:

 

- Thứ nhất: về nguyên tắc rút tiền trong tài khoản ngân hàng, kho bạc thì phải có UNC hoặc Sec. Trên đó phải có chữ ký của cả thủ trưởng đơn vị và kế toán trưởng (đối với đơn vị có kế toán trưởng như Cục Điện ảnh).

 

Cứ cho là cậu kế toán viên này làm giả 2 chữ ký đi thì ra ngân hàng, kho bạc rút tiền chỉ có thể 1 lần, 2 lần cậu kế toán viên này qua mặt được nhân viên giao dịch của ngân hàng, kho bạc. Nhưng tới 2 năm với rất nhiều lần rút tiền với nhiều nhân viên giao dịch khác nhau thì không thể qua mặt được (vì bao giờ khi rút tiền nhân viên giao dịch cũng phải đối chiếu chữ ký trên UNC hoặc Sec với mẫu chữ ký trước đó đã đăng ký với kho bạc, ngân hàng).

 

-Thứ 2: cậu ta chỉ là kế toán viên (nếu là kế toán trưởng thì có thể thực hiện được) nên có thể rút được 1 lần, 2 lần. Hay cho dù có sự ủy nhiệm của kế toán trưởng đi chăng nữa thì cũng không thể thực hiện được trong 2 năm mà người kế toán trưởng không biết gì, không biết số tiền trong tài khoản có bao nhiêu. Vậy thì vai trò cũng như năng lực của người kế toán trưởng này ở đâu?

 

- Thứ 3: cứ cho rằng thủ trưởng đơn vị không biết gì về quản lý kinh tế, cứ cho rằng cậu kế toán đó không mang sổ phụ về, cứ cho rằng Cục Điện ảnh có rất nhiều tiền, cứ cho rằng người kế toán trưởng không quan tâm đến báo cáo tài chính cuối năm, tất cả do một mình cậu ta làm rồi báo cáo lên kế toán trưởng, kế toán trưởng báo cáo lên thủ trưởng đơn vị đi chăng nữa, thì con số 42 tỷ biến mất trong tài khoản mà không phát hiện ra - điều này không thể chấp nhận được.

 

Bởi vì, chúng ta hãy làm phép so sánh để biết 42 tỷ đối với Cục Điện ảnh lớn hay nhỏ: Một năm Cục Điện ảnh sản xuất được bao nhiêu bộ phim, tổng chi phí cho các bộ phim đó là bao nhiêu, doanh thu 1 năm của Cục Điện ảnh là bao nhiêu, ngân sách nhà nước cấp cho Cục Điện ảnh là bao nhiêu???

 

So sánh như thế để thấy được việc thụt két 42 tỷ nếu thực sự những người quản lý không biết thì Cục Điện ảnh sẽ không thể hoạt động bình thường được, vì không có đủ tiền chi dùng hàng ngày (cũng như chúng ta chỉ mất tiền mà không biết trong khi mọi sinh hoạt đời sống hàng ngày vẫn được đảm bảo, thì đó chỉ là mất những đồng tiền lẻ thôi. Còn mất cả túi tiền thì đương nhiên chúng ta sẽ không có tiền mua rau, mua gạo nữa và khi đó chúng ta phải biết mình mất tiền).

 

Lê Hiếu 

email:  lehieukt1989@gmail.com