Tiền thuế của mình đâu? - Ở Vinashin và Cục điện ảnh...
(Dân trí) - “Mình xem một bộ phim của Mỹ nói về bà mẹ có 2 đứa con bị tự kỷ, chính phủ cử người đến dạy học miễn phí cho 2 bé. Tiền công của thầy được lấy từ tiền thuế, vậy ở VN mình có chuyện đó không?” - Phạm Văn Cường đặt câu hỏi.
Tuy nhiên câu hỏi mà bạn Phạm Văn Cường đặt ra thì ai là công dân Việt Nam cũng có thể trả lời mà không cần phải suy nghĩ, bởi câu trả lời đơn giản là: KHÔNG.
Trên lý thuyết là như vậy nhưng trong thực tế liệu số tiền thuế mà người dân đóng có được dùng vào đúng mục đích. Chuyện những “con đường đau khổ” ở Hà Nội là chuyện “xưa như diễm” bởi dân chịu khổ lâu nên thành quen (bởi chưa chi thì tiền có lẽ chưa thất thoát, vẫn còn hy vọng). Nhưng chuyện hàng chục tỷ đồng “không cách mà bay” tại Cục điện ảnh thực sự gây choáng váng cho những người dân quanh năm đều đặn đóng thuế. Chuyện làm ăn thua lỗ đã đành nhưng đây lại là chuyện tham nhũng, tư lợi cá nhân thì người dân không thể không lên tiếng.
Bài viết Tiền thuế của mình đâu? của tác giả Tuấn Anh trên mục Blog của Dân trí “ra lò” vào thời điểm này đã nói lên suy nghĩ, trăn trở của hàng triệu người Việt Nam.
Công khai, minh bạch
“Bài viết của bạn là phát “súng” đầu tiên nói sâu về quyền lợi của người đóng thuế đấy. Trên thực tế, tiền dân đóng thuế rời khỏi tay là không hẹn ngày trở lại. Dân còn không biết tiền ấy đi đâu, được làm gì? Vì thế bạn đừng trách dân thờ ơ, không quan tâm đến quyền lợi của mình sau trách nhiệm nộp thuế. Nhiều bạn đọc góp ý đúng đấy, trách nhiệm này không thuộc về người đóng thuế. Ở nước ngoài dân họ có ý thức vì họ biết rất rõ, cái gì thuộc về quyền lợi của công dân và tiền thuế thân của họ được dùng vào việc gì. Có biết thì mới có ý thức bảo vệ, có trách nhiệm cao hơn về nghĩa vụ của mình. Còn ở nước ta, đóng thì cứ đóng xong chẳng biết gì hơn, thậm chí đâu là tiền nộp thuế, đâu là tiền phạt... Buồn lắm!” - Vũ Thắng - Nữ - 29 tuổi - Từ Hà Nội chia sẻ.
“Tôi hoàn toàn nhất trí với trăn trở của tác giả Tuấn Anh. Cũng đã đến lúc người dân cũng nên được biết quyền lợi của mình được hưởng là cái gì, hay nói cách khác nên chăng Nhà nước cần công bố tiền thuế của dân đã đóng góp năm đó thì đã làm được gì mang lại lợi ích chung cho dân. Từ đó người dân mới xác định được nghĩa vụ của mình. Còn cứ chung chung như hiện nay với khẩu hiệu “Nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ”. Nghĩa vụ thì đã rõ rồi, đó là nộp thuế, thế nhưng còn quyền lợi nếu là lợi ích chung của dân thì càng phải công khai để dân hiểu rõ, từ đó nhận thức đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình” - Trần Hải Hồng - Nam - 42 tuổi - Từ Hà Nội kiến nghị.
“Bài viết này hay quá. Nhiều lần mình cũng bức xúc khi những đồng tiền thuế được đóng bằng mồ hôi nước mắt của những người lao động chân chính bị bốc hơi một cách vô duyên vô cớ. Mỗi ngày đọc báo thấy nào thất thoát hàng chục hàng trăm tỷ đồng mà thấy sợ. Mình lương hàng tháng ba cọc ba đồng, đóng vài trăm nghìn tiền thuế thu nhập để không làm người vi phạm pháp luật, nhưng lòng thì đau buốt khi tính ra số tiền đó bằng gạo bằng rau, thế mà có những người chỉ vì mấy cái quyết định không ra đâu, hay vì lòng tham mà làm thất thoát hàng đống tiền lại chẳng sao cả. Vì mỗi khi làm sai thì chỉ cần xin rút kinh nghiệm thế là xong. Trong khi đáng nhẽ ra những người đó nên chịu những mức án rất rất nặng vì đã coi nhẹ sức lao động của hàng triệu người dân đang gò lưng làm việc, thắt lưng buộc bụng để đóng góp các khoản thuế mà nhiều khi chẳng biết mình sẽ được gì từ những cái đó cả” - Gia Huy- Nữ - 27 tuổi - Từ Bắc Giang bức xúc.
Trong khi đó, Trần Thị Ái Liên- Nam - 31 tuổi - Từ Bình Dương sống xa quê hương cho biết chế độ phúc lợi mà người dân được hưởng rất minh bạch: “Tôi lấy chồng và sinh sống ở Hàn Quốc hơn 10 năm, phải công nhận là bên đây người dân đóng thuế rất có trách nhiệm. Chính phủ luôn quan tâm đến quyền lợi của dân, đường xá thì sửa sang hàng năm, năm nào cũng tráng nhựa, và kiểm tra cầu cống, nhiều khi thấy mà nhớ về Việt Nam, thấy thương cho dân mình, sao mà nghèo hoài. Hàng ngày đọc tin tức về Việt Nam, về những con đường “nham nhở” đào lên bỏ đó... lúc nào cũng kêu thiếu vốn, kinh phí, nhưng vài bữa thì nghe vụ thất thoát nọ tham nhũng kia lên đến hàng tỷ đồng, rồi thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, rồi thì cũng “chìm xuồng” mà đau lòng”.
Tương tự Khánh Duy -Nam - 23 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh nêu dẫn chứng về cái lợi lạc của tính minh bạch:“Ở các nước phát triển, người dân coi việc đóng thuế là mang lại lợi ích trực tiếp hay gián tiếp cho chính họ nên việc đóng thuế được thực hiện một cách tự nguyện và đầy đủ. Ở VN, người dân chưa thấy được cái lợi ích từ những khoản thuế mà họ phải nộp, xét ngay trên khía cạnh doanh nghiệp hay những người có thu nhập cao luôn làm mọi cách, mọi thứ để có thể lách luật thuế, làm sao để khoản thuế mà mình phải đóng luôn là nhỏ nhất có thể”.
Từ bài viết của tác giả Tuấn Anh, Đặng Thế Quyết - Nam - 26 tuổi - Từ Hà Nội rút ra được bài học: “Qua bài viết, chúng ta có thể thấy được rằng muốn chống được tham nhũng một cách tốt nhất thì chúng ta, mỗi người phải có trách nghiệm lên tiếng ngay lập tức khi gặp những hành động như vậy. Tôi nhận thấy người Việt Nam ta vẫn còn quá cam chịu, biết chuyện sai trái nhưng nhiều khi cứ im lặng, làm ngơ, đôi khi lấy ra làm những câu chuyện cười, hoặc về nhà viết Blog”.
“Để góp phần làm cho xã hội tốt đẹp, chúng ta cần phải hành động thiết thực hơn, mạnh mẽ hơn, đó là phản đối một cách trực diện, chiến đấu lại sai trái như cách làm mà tác giả đã kể ở trên chuyến xe điện. Nói chung, đừng trông đợi vào người khác sẽ làm việc đó, mà chúng ta, mỗi người nên tự hành động từ những việc nhỏ nhất” – độc giả này nhấn mạnh.
Thanh Xuân - Nữ - 27 tuổi - Từ Hưng Yên lên án kém kiến nghị: “Hết Vinashin cho người dân ăn “bánh mì”, giờ lại đến Cục điện ảnh. Người dân đóng thuế, lương công chức thì thấp, tiền lương thì tăng ít, do không cân đối được bài toán ngân sách, vậy Vinashin và Cục điện ảnh “nuốt” hết ngân sách của Nhà nước, “nuốt” hết của người dân lao động, người công chức lương thiện rồi còn đâu. Đề nghị Công an kinh tế hãy vào cuộc vụ này để cho mấy người lãnh đạo kia thấy rõ được việc mình quản lý kém như thế nào mà cũng lên làm lãnh đạo và rồi khổ chỉ có người dân, đừng tưởng chỉ có từ chức là xong đâu!
Là người đảm nhận vai trò trong công tác thu thuế, nickNgười thu thuế - Nam - 26 tuổi - Từ Hưng Yên trải lòng: “Tôi là người thu thuế mà cũng sốt ruột. Để thu được một đồng tiền thuế vào ngân sách Nhà nước không những người nộp thuế phải chia sẻ phần thu nhập của mình mà người thu thuế chúng tôi cũng vất vả không kém:
- Áp lực của chỉ tiêu thu
- Ap lực của việc thực thi chính sách thuế
- Áp lực của cơm áo
- Áp lực của công luận...
Thế nhưng nhìn thấy những khoản chi tiêu và thất thoát thuế như thế này chúng tôi cảm thấy thương cho những người nông dân khi thu thuế nông nghiệp, thương cho bà con tiểu thương khi nộp thuế hàng tháng và thương cho đồng đội chúng tôi phải chịu biết bao nhiêu rủi ro trên những nẽo đường thu gom tiền thuế. Không nên trách người thu thuế, nếu họ thu đúng luật mà nên trách người sử dụng tiền thuế. Nếu người sử dụng tiền thuế đúng và hiệu quả, biết đâu người thu thuế sẽ đỡ vất vả hơn và công sức của họ cũng được tôn trọng hơn.
“Tôi cũng là người đóng thuế hàng tháng, số tiền không hề nhỏ khoảng vài triệu/tháng, cả năm cũng vài chục triệu vậy mà thực sự chẳng hiểu mình được lợi gì từ khoản thuế đó hoặc nó đang vào túi ông bà nào, khi mà:
- Đi bệnh viện có bảo hiểm, số tiền chi ngoài cũng chẳng nhỏ lại phải nhờ cậy nọ kia như đi ăn xin vậy, vào bệnh viện nước ngoài thì quá đắt lại chẳng được thanh toán.
- Đi ngoài đường thì tắc đường ô nhiễm.
- Con đi học thì khổ sở đủ thứ, vào lớp 1 cũng phải chạy trường chạy lớp và ti tỉ các chi phí không tên.
Trần Bách