Bạn đọc viết:
Kế toán không dễ dàng làm xiếc trước “ông Cục”
(Dân trí) - Vẫn còn nhiều băn khoăn, nghi ngờ của người dân về việc chỉ một mình kế toán có thể qua mặt được ban lãnh đạo Cục Điện ảnh? Có người hỏi về trình độ thẩm định nghệ thuật “ảo” hay “thật”, người khác muốn lần từ đầu mối ai phát hiện vụ việc…
Thứ nhất là: thường khi một dự án được duyệt và rót kinh phí thì cần phải có sự làm việc của nhiều phòng ban, với nhiều loại thủ tục hồ sơ và rất nhiều chữ ký nữa. Nếu làm giả chữ ký và con dấu thì rất khó khăn, bởi làm giả một con dấu thì được chứ làm giả nhiều con dấu cùng một lúc thì thật khó.
Thứ 2 là: bây giờ tất cả các ngân hàng đều có dịch vụ nhắn tin báo cáo các nghiệp vụ phát sinh về cho chủ tài khoản. Mỗi lần khi có nghiệp vụ phát sinh, chỉ chưa đầy 5 phút sau là chủ tài khoản đó đã có thể nhận được tin nhắn báo nợ hoặc có của nghiệp vụ phát sinh rồi. Đâu có chuyện tận 2 năm mới pháp hiện ra tiền bị thất thoát.
Thứ 3 là: nói về vấn đề của Kho Bạc Nhà nước lại càng khó khăn hơn, không thể dễ dàng mà được rót vốn như anh Hồng Hải nói. Một dự án từ khi thực hiện đến khi được rót vốn trải qua rất nhiều khâu kiểm tra, từ việc xem xét dự án đó có khả thi hay không, rồi còn đến việc các sếp xem xét, xét duyệt nữa - thật là một quá trình khắt khe. Đâu dễ để lấy tiền cơ chứ.
Các dự án về vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng còn xét duyệt khó khăn, phải qua sự điều tra nghiên cứu, rồi còn rất nhiều loại giấy tờ công chứng nữa. Đâu phải dễ dàng. Huống hồ đây là những dự án nghệ thuật, mà nói đến nghệ thuật khi rót vốn rồi và không thấy sản phẩm được sản xuất đâu, thì các nhà lãnh đạo chẳng lẽ không biết? Hơn nữa đây đâu phải chỉ là một dự án nghệ thuật. Với số tiền bị thất thoát lớn như vậy thì tôi nghĩ phải là từ vài đến hàng chục dự án nghệ thuật chứ chẳng ít.
Vậy thử hỏi, với nhiều dự án nghệ thuật “ảo” như vậy, liệu một mình anh Thanh Hải có làm được không. Cứ cho là các vị lãnh đạo Cục không biết về tài chính, nhưng chẳng lẽ về nghệ thuật thì “ảo” hay “thật” cũng không biết nốt?
Độc giả giấu tên
Đọc bài viết của anh Hồng Hải tôi cũng nêu ý kiến thế này:
1. Việc lãnh đạo Cục Điện ảnh tuy là nghệ sỹ (có thể là như vậy) nhưng lại không có 1 tí kiến thức nào về tài chính, đến nỗi không biết kiểm tra số dư tài khoản là điều không thể có.
2. Điều tôi thắc mắc nhất nhưng chưa thấy báo nào đăng, đó là chuyện thất thoát tiền được phát hiện ra như thế nào, ai phát hiện ra, người đó làm chức vụ vai trò gì của Cục? Đây mới là điều quan trọng bởi nó thể hiện cách thức quản lý tài chính của Cục Điện ảnh như thế nào. Nó cũng giải thích tại sao đến 2 năm mới phát hiện ra vụ việc mà không phải sớm hơn.
Có thể nhân viên Thanh Hải làm được con dấu giả, nhưng như thế phải có rất nhiều con dấu giả vì đây là đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước, mọi hồ sơ đều phải có dấu đỏ của các đơn vị liên quan chứ không riêng gì con dấu của Cục Điện ảnh. Làm nhiều dấu như vậy có khả thi không, nhất là còn có sự kiểm tra của kho bạc nữa? Chỉ cần kiểm tra chứng từ gốc, dùng phương pháp loại trừ thì sẽ biết được.
Quản lý tài chính của nhà nước tự thân nó đã không thể có lỗ hổng lớn như vậy, chỉ có sự câu kết của nhiều người mới làm được thôi. Nếu đơn giản như cách mọi người đang nghĩ thì đã có rất nhiều vụ như thế này rồi, phải không các bạn.
Phạm Hoàng Thái
email: ketoan104@gmail.com