Chuyện về "siêu kế toán" Cục Điện ảnh

(Dân trí) - Khá lâu rồi cái tên Cục Điện ảnh mới lại nổi đình nổi đám trên mặt báo. Nhưng lần này chẳng mấy liên quan tới phim ảnh, mà gắn với con số 42 tỉ đồng và một nhân viên kế toán lẽ ra cả đời chẳng được “Vua biết mặt, Chúa biết tên”.

Mắt xích... đứt

 

Không chỉ từ Hà Nội, từ TPHCM – thị trường chính của phim ảnh nước nhà, các đồng nghiệp cũ của chúng tôi trong ngành Điện ảnh mấy ngày  nay cũng sôi sùng sục. Hết í a í ới, a lố a lồ, lại phone đi “meo” lại, “chat chit” tùm lum về cái vụ lùm xùm được báo này giật tít là thảm họa,  báo kia đặt dấu hỏi về sự cố và lòng tin. Rồi nào là Điện ảnh Việt thừa tiền, nào là chiêu 'bòn rút' 42 tỷ đồng của kế toán Cục Điện ảnh… Tóm lại rất chi là HOT!

 

Trung tâm vòng xoáy của cái vụ “kinh thiên động địa” này trong ngành Điện ảnh là nguyên kế toán viên Cục Điện ảnh Phạm Thanh Hải (34 tuổi) – người bây giờ có lẽ chẳng mấy ai biết bóng chim tăm cá ở đâu. Cũng chẳng biết anh ta tài cán thế nào, đã tạo dựng được uy tín với ban lãnh đạo Cục Điện ảnh ra sao, chứ xem ra những cái được thông tin lên mặt báo về “chiêu” rút ruột tiền công quỹ của nhân viên kế toán này thì có vẻ như quá ư là… trò con nít.


Này nhé, chỉ là một nhân viên phòng Kế toán Tài chính, nhưng chắc là được tín nhiệm nên Hải được giao ủy quyền rút tiền khi kế toán trưởng của Cục đi vắng. Không biết vị kế toán trưởng đó quá bận việc gì và chắc là đi vắng rất nhiều, nên từ năm 2009 đến tháng 5/2011 Hải đã nhiều lần thực hiện trót lọt việc làm giả các bộ hồ sơ ủy nhiệm chi, lấy danh nghĩa kế toán, giả chữ ký chủ tài khoản để rút được khoảng 42 tỷ đồng chiếm hưởng cá nhân.

 

Dư luận chung, cả người có chuyên môn về tài chính kế toán lẫn ngoại đạo, đều gặp nhau ở một điểm: Không thể tin được việc rút tiền diễn ra suốt gần 2 năm như vậy mà lãnh đạo Cục Điện ảnh lại không biết.

 

Chính xác! Chúng tôi cũng khó có thể tin được, vì thời còn làm trong ngành chúng tôi đã biết thế nào là quyền uy thực sự của những người nắm hầu bao cả lĩnh vực Cinema này (mặc dù tiền là từ ngân sách Nhà nước). Thậm chí đã mục sở thị những cảnh “thủ kho to hơn thủ trưởng”, nhất là cảnh các nghệ sĩ dù tên tuổi lẫy lừng thế nào, hành trang điện ảnh đáng nể đến đâu, muốn phim của mình được “gật”, được rót kinh phí… đã phải có những thủ tục đầu tiên ra sao với cánh tài chính, kế hoạch và vị phó đặc trách tài chính.

 

“Ôi... sao mà "hay" thế! Một kế toán viên thui làm sao có khả năng to lớn tới vậy được? Vụ này nghe kỳ quá đi mất!” – bạn đọc có lẽ là người trong ngành thể hiện qua cái nick Dan ke toan:  ketoan@gmail.com thả lời bình lửng lơ...
 
Chuyện về "siêu kế toán" Cục Điện ảnh - 1
Phạm Thanh Hải (ảnh: Tiền Phong)

 

Vô lý không có lẽ 

 

... Để rồi gặt hái được những bình luận chát chúa hơn nhiều với liên tiếp những dấu chấm hỏi nghi ngờ, chấm than bức xúc, ta thán… từ nhiều bạn đọc khác:

 

“Tôi tin không bao giờ có chuyện rút tiền dễ dàng vậy, nếu không có sự thông đồng của lãnh đạo phụ trách và ngân hàng. Công an nên vào cuộc để không có chuyện đổ tội hoàn toàn cho anh kế toán kia. Trách nhiệm phải của cả phía ngân hàng, lãnh đạo Cục, kế toán trưởng.  Phía ngân hàng, đó là về tội không kiểm tra chứng từ rút tiền (cái này quy định rất chặt chẽ). Phía kế toán trưởng, đó là tội ủy quyền sai pháp luật....” – Dương:  quyduong9779@yahoo.com khẳng định.

 

“Khi đọc những bài viết về việc chỉ một kế toán viên mà có thể rút được số tiền đến 42 tỷ trong suốt gần 2 năm mà lãnh đạo Cục không biết, tôi thấy thật vô lý. Tôi nghĩ có lẽ Cục Điện ảnh là đơn vị hoạt động độc lập, tự cân đối thu chi như một doanh nghệp chứ không phải là một cơ quan hành chính trực thuộc Bộ VHTT-DL nữa. Mà có là doanh nghiệp lớn như những tập đoàn kinh tế, thì khi thất thoát 1-2 tỷ người ta cũng lần ra ngay. Vậy tại sao một số tiền lớn như vậy và thời gian dài như vậy không phát hiện ra? Chắc chắn phải có uẩn khúc. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về ai? Chắc chắn là Cục Trưởng rồi. Việc từ chức thôi là không đủ, cái cần là phải có được số tiền 42 tỷ trả lại cho ngân sách Nhà nước. Chẳng lẽ cứ đi đuổi theo một "ông" kế toán viên đang chạy trốn, còn Nhà nước vẫn...mất tiền?” - Trung Việt Tiệp:  trungviet_tiep@yahoo.com nghi vấn.

 

“Không biết Cục Điện ảnh có bao nhiêu tỷ mà khi bị rút ra 42 tỷ, kế toán trưởng, chủ tài khoản không biết? Thật là khó hiểu! Nếu thu hồi được tiền thì cần cách chức kế toán trưởng và chủ tài khoản - những người có liên quan. Còn không thu hồi được thì các cá nhân đó phải cùng nhau chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Nước ta còn nghèo, dân còn nghèo lắm, không thể để những con sâu mọt tìm mọi cách chiếm đoạt tiền của dân ngang nhiên như thế được!” - Tuấn “đen”:  tuanden96@yooho.com nhấn mạnh.

 

“Trong vòng 1,5 năm tức là 18 tháng, rút 42 tỷ, vậy mỗi tháng trung bình rút 2,3 tỷ. Đó là tính trung bình tháng nào cũng rút thì đã thấy nó là một số tiền lớn. Chả hiểu các ông lãnh đạo Cục kiểu gì, hay chỉ lo nghĩ đến nghệ thuật nên đầu óc..."trên mây hết"? Mà tiền đó ở đâu ra, nhà nước chi cho chứ ở đâu. Mà tiền nhà nước ở đâu ra, thuế dân đóng cả đấy!!!” - Việt:  intranco86@gmail.com chất vấn.

 

“Vô lý quá! Theo nguyên tắc tài chính mà nói, là kế toán viên mà giả giấy tờ làm sao lừa được cả thủ trưởng đơn vị, kế toán trưởng và còn bao con người khác nữa? Lại không những một mà nhiều lần, không phải số tiền nhỏ vài trăm nghìn hay vài triệu mà là 42 tỷ đồng? Quá lớn. Lại một câu chuyện cho… học sinh lớp 1, lớp 2 xem rồi” -  Sidney Nguyễn:  nhoratde@gmail.com trào lộng.

 

“Các bác đưa ‘truyện tiếu lâm’ lên báo… cho vui hay sao? Chứ tôi thấy thực tế khó thực hiện ăn cắp rút ruột tài sản công một cách dễ dàng như vậy được. Chắc phải có cả một ekip thực hiện... Thôi, cuối cùng chỉ khổ người dân còng lưng ra làm, đóng thuế cho ngân sách Nhà nước để rồi một số ít ngồi mát ăn bát vàng xơi mất…  Hay họ nghĩ tài sản đó là "của dân", nên muốn tiêu gì thì tiêu???Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này là Cục Điện ảnh để ở đâu? Hướng xử lý thế nào để người dân chấp nhận được?” - Thảo dân:  kimngan_1964@yahoo.com.vn không dấu được nỗi buồn xo xúi...
 

Câu chuyện lòng tin

 

NSND Thế Anh đã nêu rõ rằng: việc để thất thoát hàng chục tỷ đồng này phải được làm rõ trắng đen, bởi đây không chỉ là việc riêng của Cục Điện ảnh, mà còn là câu chuyện về lòng tin đối với công tác quản lý nhà nước.

 

Còn về chuyện "đầu óc trên mây" của các nghệ sĩ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng đã nhấn mạnh rằng: có thể là một nghệ sĩ giỏi, nhưng chưa chắc đã là một nhà quản lý tốt. 

 

Từ phía người dân, còn có không ít nghi vấn đặt ra như: liệu có chuyện cờ bí thí tốt khi con tốt Phạm Thanh Hải chưa rõ đang ở chân trời góc biển nào; có hay không những ai khác nữa “trên cùng một con thuyền” nhưng giờ lại muốn đổ hết lên đầu anh ta…

 

Hồi sau sẽ rõ khi cuộc truy tìm cái anh chàng có lẽ phải được phong danh hiệu “siêu kế toán” hoặc “đệ nhất kế toán” này với cả sự tham gia của Interpol có kết quả. Nhưng hình như khả năng “thí tốt” cũng dễ lắm, vì trong những vụ việc xảy ra tại Cục Điện ảnh trước đây, chúng tôi chưa từng thấy một quan chức nào trong bộ máy lãnh đạo Cục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cả. Thế mới lạ!!!

 

Thanh Nguyễn