Vụ Samsung Thái Nguyên: Bài học chuẩn bị cho các công trình lớn
(Dân trí) - Mặc dù mọi hoạt động trên công trường nhà máy Samsung Thái Nguyên đã trở lại bình thường, nhưng việc cảnh sát vẫn phải "cắm chốt" tại đây cùng tình cảnh khó khăn hơn của công nhân một lần nữa cho thấy: cần chú trọng việc chuẩn bị nhân lực cho những công trình lớn.
Giọt nước tràn ly?
Báo cáo của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên (TN) với Thủ tướng về vụ việc xảy ra sáng 9/1 tại công trường nhà máy Samsung TN, theo nhận xét của nhiều bạn đọc, vẫn chưa làm rõ được một số “góc khuất” gây nên các khúc mắc mà nếu sớm được tháo gỡ thì chắc đã ngăn chặn hoặc chí ít cũng giảm thiểu hậu quả xảy ra. Sau đây là chia sẻ của một số bạn đọc có lẽ là gần với sự việc nhất, qua đó có thể giúp làm rõ thêm vấn đề:
“Tôi là một PM đang thi công tại công trình Samsung, tôi có đôi lời thế này:
1/. Công nhân (CN) vì bị kích động nên hành động quá khích dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, như vậy là vi phạm pháp luật.
2/. Bảo vệ (BV) là những người thực thi nội quy của công trình, họ nghiêm khắc là hoàn toàn đúng. Nhưng mặt khác, cách ứng xử của BV Hòa Bình ở công trình Samsung có thể nói là không đúng với tác phong và cách ứng xử của BV chuyên nghiệp. Đơn giản như việc phát hiện có CN lấy trộm đồ trong công trường thì phải lập biên bản rồi chuyển sự việc lên phòng an ninh giải quyết, nếu cần thiết thì chuyển ra công an để xử lý. Nhưng ở đây lại không như vậy, mà hai anh BV (to lớn) sẽ lôi vào văn phòng (container) và đánh người (tôi đã không dưới 3 lần nhìn thấy cảnh ấy).
3/. Sự việc xảy ra chỉ là giọt nước làm tràn ly, là hệ quả của thực trạng nhiều CN bị đánh trong văn phòng BV.
4/. Công an tỉnh TN chứng tỏ vai trò còn yếu kém.Sự việc xảy ra đến 2 tiếng mới thấy có khoảng 40 anh cơ động xuất hiện. Cách giải quyết công việc của các anh cơ động lại cũng không hợp lý. Đúng ra người có trách nhiệm nên đứng ra thuyết phục nhân dân, thay vào đó chưa đâu vào đâu các anh cơ động đã dùng gậy và lá chắn nhằm giải tán đám đông, chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa?” – Dong
“Tôi đi làm tại đây, thấy chỉ có đội BV Hòa Bình dám trông giữ xe cho CN ban ngày 2 ngàn đ, qua đêm 4 ngàn đ. Sau vụ việc ngày 9/1 họ vào BV văn phòng cho phía HQ và nhà thầu, dân “xã hội” lại trông xe thu 5 ngàn ban ngày, 30 ngàn qua đêm. Nản! BV khác không dám trông giữ xe của CN từ trước đến giờ” – Thanh Hung
“1. Tôi từng đi công trường, mặc áo đồng phục CN. Cũng từng thấy BV đánh CN khác nên dù không quen biết anh CN kia, dù chưa biết anh ta sai cái gì, nhưng tôi cũng thấy bức xúc với BV…
2. Một số BV cũng hay cậy có tí quyền mà hạnh họe CN, tiếp tay cho nhà thầu phụ tuồn sắt thép ra ngoài. Có người còn lấy cắp vật liệu (dây đồng, thép...) của nhà thầu chính thì lấy đâu ra sự tôn trọng từ CN được?” – Phan Tra
“BV quá vất vả khi phải duy trì an ninh tại công trường có hàng nghìn CN, cộng với không ít người muốn có cơ hội vào trộm cắp tài sản trong công trường, nên việc xô xát giữa CN vi phạm nội quy với BV là không tránh khỏi. Nhưng CN mà cứ hành xử kiểu phá hủy tài sản và con người thế này thì ai còn dám làm việc ở đây nữa?” - Nguyen Lam Nguyen
Phòng hơn chống
Không có lửa sao có khói, vụ việc rất đáng tiếc xảy ra rồi, nếu nhìn chỉ từ khía cạnh này hay khía cạnh khác thì xem ra ai cũng có cái lý của mình đúng như nhận xét của Lathiew:
“Tôi thấy những người nặng về tình thì lên án sự vô cảm của BV, còn những người thiên về lý thì phê phán những tật xấu của người lao động. Cả hai đều có cái lý của mình, nhưng hành vi hủy hoại tài sản là vi phạm luật pháp rõ rồi. Tổn thất không phải là hơn 20 chiếc xe máy và 3 container bị thiêu rụi, mà là uy tín cơ. Thời gian qua những hành vi bạo lực tự phát xảy ra hơi nhiều, nhưng tôi không nghĩ là do bọn phản động gây ra đâu. Nói thế thì dễ quá!”
Với nhiều người VN nói chung, bao gồm cả CN và người lao động VN, thực tế cho thấy chính vì còn thiếu ý thức và văn hóa ứng xử chưa cao nên đã là nguyên nhân chính làm nảy sinh bao vụ việc đáng tiếc, thậm chí rất đau lòng. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng “cầm đuốc soi chân mình” trước khi “soi chân người” (!?)
“Tôi đã ra vào nhiều nơi công trường có yếu tố nước ngoài, thấy thường thì an ninh, giờ giấc rất họ chặt chẽ. BV của họ lục soát đồ, kiểm tra rất kỹ lưỡng. Còn CN VN nhất là lao động trong ngành xây dựng ý thức kỷ luật thường là không cao, nên xảy ra mâu thuẫn cũng là đương nhiên. Ở đây BV cũng là người làm thuê, nếu không thực hiện theo quy định sẽ bị đuổi việc ngay. Còn CN xây dựng mình không tuân thủ được các quy định về giờ giấc, ăn uống, sinh hoạt nên họ mới phản ứng tiêu cực...” – Kham Pha
“Đòi hỏi nông dân làm theo tác phong công nghiệp khó lắm. Nhà đầu tư thì yêu cầu đơn vị dịch vụ phải làm theo đúng tác phong công nghiệp... Chưa kể nạn ăn trộm ăn cắp vặt tại công trường quá nhiều, nên công ty BV phải chịu đền khi xảy ra mất mát nên họ phải làm chặt. Các bạn thử đặt mình vào tình huống đi làm mà cứ phải đem của nhà mình đi đền thì có tức không? Còn vụ xô xát này, theo tôi chủ yếu là do tâm lý đám đông, không cần nhìn thấy mà chỉ cần nghe “chết người” là đánh người ta thôi?” - VS Hùng Minh
Tựu trung lại vụ việc này có lẽ lại là thêm một minh chứng nữa cho thấy khâu chuẩn bị cho những công trình lớn còn chưa được coi trọng. Mà một trong những điều cần và có thể làm ngay là cần chú trọng hơn khâu chuẩn bị lực lượng lao động đáp ứng được đòi hỏi cần thiết, như Tuan Do nhấn mạnh:
“Chính quyền cần có biện pháp giáo dục, đào tạo ý thức kỷ luật cho người lao động trước khi đưa họ đến làm việc tại các công trình lớn. Đồng thời có những giải pháp đồng bộ nhằm đáp ứng các yêu cầu khách quan thiết yếu (ăn uống, sinh hoạt…)”
Khánh Tùng