Vụ án Giang Kim Đạt và những lỗ hổng cần làm rõ
Thông thường trong các vụ tham nhũng, người “ăn” nhiều nhất thường là các vị đứng đầu đơn vị đó. Nhưng ở đây, Giang Kim Đạt - quyền trưởng phòng kinh doanh của Vinashinlines – lại là người “ăn” khủng nhất, nuốt gần hết 16 triệu USD, còn tổng giám đốc và kế toán trưởng chỉ hưởng số tiền lẻ?!
Ngày 24.6.2016, cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án tham ô tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin (gọi tắt là Vinashin Lines).
“Móc túi” nhà nước dễ tới mức …
Ngày 24.6.2016, cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án tham ô tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin (gọi tắt là Vinashin Lines).
Theo kết luận của cơ quan điều tra, từ tháng 5.2006 đến tháng 6.2008, nguyên Tổng Giám đốc Cty Vinashin Lines Trần Văn Liêm cùng đồng phạm đã tham ô, rửa tiền gần 16 triệu USD. Đây là số tiền mà nguyên Tổng Giám đốc Trần Văn Liêm cùng quyền trưởng phòng Kinh doanh Giang Kim Đạt đã kê khống, được sự phối hợp của Trần Văn Khương – kế toán trưởng Cty và ông Giang Văn Hiển (bố của Đạt) nhằm thu lợi cá nhân thông qua hoạt động thuê, mua tàu của các công ty nước ngoài. Theo đó, trừ bố của Đạt bị đề nghị truy tố về tội rửa tiền, 3 đối tượng còn lại bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố về tội tham ô tài sản.
Trong đó, Giang Kim Đạt - quyền trưởng phòng Cty Vinashinlines, dù ở vị trí béo bở nào đi nữa, có thể tham nhũng được 260 tỉ đồng trong thời gian ngắn là vấn đề cần mổ xẻ, phân tích thấu đáo nhằm lấp những lỗ hổng chết người và những cái bất thường so với nhiều vụ án khác.
Trong phạm vi bài này, chúng tôi không nhắc lại những tài sản khủng của Đạt như 40 khối bất động sản ở trong và ngoài nước, hơn chục chiếc ô tô xịn, cách thức che giấu các khối tài sản này…mà chúng tôi muốn đề cập đến những lỗ hổng chết người (nếu có) của cơ chế và những bất thường trong vụ án.
… bất thường
Trong vòng hai năm, bộ tứ này đã móc túi nhà nước một số tiền khổng lồ. Cũng theo kết luận của cơ quan An ninh điều tra, quá trình thực hiện dự án mua tàu, kinh doanh cho thuê tàu biển, Tổng giám đốc Trần Văn Liêm giao cho Giang Kim Đạt tìm kiếm, giao dịch, thỏa thuận với công ty bán tàu, công ty môi giới, yêu cầu trích lại hoa hồng từ 1% đến 5,7% giá trị hợp đồng.
Câu hỏi cần đặt ra ở đây, phải chăng chỉ có một mình Đạt đi thương lượng để mua những khối tài sản có giá trị lớn như vậy? Đó là điều không bình thường thứ nhất. Đó là chưa đề cập đến việc trích hoa hồng để ngoài sổ sách để nhóm này hưởng riêng với nhau như thế nào.
Điều không bình thường thứ hai, lẽ nào không có một cơ quan nào thẩm định tài sản, thẩm định giá với những con tàu đã qua sử dụng này? Phải chăng Tổng giám đốc Cty Vinashin Lines có quyền lớn như vậy? Nếu như vậy, đây là lổ hổng chết người mà bất cứ ông Tổng giám đốc nào cũng dễ “sập bẫy” bởi sự lỏng lẻo của cơ chế, của tập đoàn Vinashin! Mà nếu có cơ quan nào đó đã thẩm định giá, thì trách nhiệm của họ đến đâu trong vụ án này?
Điều bất thường thứ ba, trong các vụ tham nhũng bị phát hiện, người “ăn” nhiều nhất thường là các vị đứng đầu đơn vị đó. Nhưng ở đây, Giang Kim Đạt - quyền trưởng phòng kinh doanh – lại là người “ăn” khủng nhất. Càng bất thường hơn khi Đạt “ăn” gấp cả trăm lần tổng giám đốc và kế toán trưởng. Cụ thể, tổng số tiền chênh lệch được các đối tác chuyển về tài khoản của ông Giang Văn Hiển (bố của Đạt) hơn 260 tỉ đồng, thì ông Tổng giám đốc Liêm chỉ được 3 tỉ đồng và kế toán trưởng Khương được 1,7 tỉ đồng, còn hơn 255 tỉ đồng Đạt bỏ túi hết. Có nghĩa là, tổng giám đốc và kế toán trưởng chỉ được hưởng bằng số tiền lẻ của Đạt? Đó là điều rất bất bình thường.
Ngay việc nâng giá, lẽ nào Đạt qua mặt được cả “xếp” và kế toán trưởng của Cty để ăn một mình? Thông thường, việc nâng giá bao nhiêu, ăn chia như thế nào hoàn toàn do “xếp” đứng đầu đơn vị thao túng, không có chuyện một ông quyền trưởng phòng kinh doanh như Đạt lại có thể tự ý thực hiện để rồi “nuốt” một mình. Phải chăng Đạt là siêu nhân?
Ngoài ra, một điều không thể không nói là trách nhiệm chống rửa tiền của các ngân hàng. Dù Đạt mở tới 22 tài khoản mang tên bố của mình, nhưng trong thời gian ngắn, có tới 16 triệu USD từ nước ngoài đổ vào các tài khoản này một cách rất bất bình thường, nhưng những ngân hàng này không báo cho các cơ quan chức năng là điều không ổn. Dù rằng, có thể chưa đến mức xem xét trách nhiệm hình sự, nhưng rất cần nêu rõ trách nhiệm liên quan của các ngân hàng trong vụ án này. Ngân hàng - một trong những mắt xích rất quan trọng để ngăn ngừa và phát hiện tham nhũng trong tình hình hiện nay. Do đó, rất cần nêu rõ trách nhiệm của những ngân hàng này làm bài học cảnh báo chung.
Vậy, những lổ hổng chết người trong vụ án này có tồn tại hay không, hay còn uẩn khuất những gì mà các đối tượng trong vụ án này vẫn còn che giấu?
Vương Hà