Việc hạn chế xe cá nhân nếu cứ lấy ý kiến người dân e khó thành

(Dân trí) - “Cái gì cũng có 2 mặt, nếu dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm thì mọi việc sẽ tốt. Nhưng nếu lúc nào cũng lấy ý kiến dân để không phải chịu trách nhiệm thì việc bổ nhiệm các bác vào những vị trí đó làm gì?” - Nguyễn Thành Long ý kiến.

Hãy vì lợi ích số đông

 

Theo ý kiến của rất nhiều bạn đọc đó là việc gì cũng đợi lấy ý kiến người dân e khó thành công bởi như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm vậy. Ngay khi đưa ý kiến thăm dò đội mũ bảo hiểm ra toàn dân đã nhận được nhiều lo ngại với lý do kiểu: trời nóng cộng tắc đường đội mũ bảo hiểm trên đầu thì không thể chịu được… Nhưng rồi khi việc đội mũ trở thành bắt buộc tất cả toàn dân đều thực hiện và cũng không thể phủ nhận những lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm mang lại. Tương tự thì việc hạn chế xe cá nhân cũng vậy.

 

“Tôi thì hoàn toàn ủng hộ việc hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ trưởng. Còn các lý do mà bài viết nêu trên thì hoàn toàn có thể dần khắc phục được. Cũng như việc bắt đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trước kia cũng có rất nhiều ý kiến lo ngại về sự bất tiện của nó nhưng rồi khi áp dụng thì mọi thứ vẫn suôn sẻ đấy thôi. Tôi xin chỉ ra vài ý kiến mà theo tôi các lo ngại trên là hoàn toàn không đáng lo ngại:

 

- Thứ nhất về việc xe bus bỏ bến, đông đúc chật trội , ý thức của phụ xe , tài xế cũng như là tệ nạn móc diễn ra tại các điểm lên xuống thì hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách tăng cường lưu lượng xe bus ( vì khi hạn chế phương tiện cá nhân rồi thì việc tăng cường hoàn toàn có thể thực hiện được). Song song với việc tăng cường lưu lượng xe là giáo dục, kiểm soát nghiệp vụ của phụ xe, tài xế xe bus. Khi lưu lượng xe bus được tăng cường thì cũng không còn cảnh quá đông đúc chật trội vì vậy những kẻ móc túi cũng khó thực hiện hành vi móc túi hơn.

 

- Thứ 2 về việc nhiều tầng lớp lao động vẫn sử dụng xe máy là phương tiện chủ yếu . Ví dụ như nghề xe ôm chẳng hạn thì họ vẫn có thể hoạt động được trong phạm vi nhỏ hẹp như có thể chở người từ ngõ nhỏ, ngõ sâu ra các điểm đỗ xe bus. Còn đối với ngành nghề như đi chợ, bán rau sử dụng xe máy hàng ngày thì có thể áp dụng cho xe máy được hoạt động trước 6h sáng và sau 7h tối tại các tuyến phố nào đó. Và dần dần mọi người sẽ làm quen được với việc ít sử dụng phương tiện cá nhân.

 

- Còn vấn đề thứ ba mà bạn nêu ra là nhiều nhà ở sâu trong ngách nhỏ, ngách sâu ngại đi bộ xa mà không áp dụng chế tài hạn chế phương tiện cá nhân là điều vô lý và ích kỷ. Chúng ta hãy hi sinh chút lợi ích, lười biếng cá nhân, mỗi người khi đó sẽ tự rèn luyện ý thức đi bộ cho mình thì không vấn đề gì cả. Và việc chở đồ đạc từ đường lớn vào nhà thì có nhiều cách lắm, bạn đừng vin vào cớ không có xe máy nhé.

 

Trên đây là 1 vài ý kiến cá nhân để chứng tỏ rằng việc hạn chế phương tiện cá nhân là hoàn toàn có thể thực hiện được trong việc hạn chế tình trạng tắc đường khủng khiếp hiện nay, có lẽ không có cách nào khác trước khi chúng ta có thể xây dựng được hệ thống tàu điện ngầm hay đường sắt trên cao” - nick NOVAK2011: viennv0409@gmail.com nêu ý kiến.
 
Việc hạn chế xe cá nhân nếu cứ lấy ý kiến người dân e khó thành - 1

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)

 

Ở nước ngoài việc đi bộ dăm cây số đến điểm xe bus là bình thường

 

“Theo tôi phương tiện xe máy hiện nay quá nhiều. 1 vạn người dân lái 1 vạn cái xe đồng nghĩa với 1 vạn cái ý thức khác nhau trên đường và trở nên hỗn loạn dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông. Lực lượng chuyên trách đủ để điều chỉnh cái ý thức này của người dân là điều không tưởng. Nếu 50 người dân ngồi trên 1 cái xe buýt thì chỉ mình Lái xe sẽ phải chịu sự điều chỉnh của Luật giao thông thay vì Luật phải điều chỉnh 50 người dân lái 50 cái xe máy. Từ đó số đối tượng bị Luật Giao thông điều chỉnh giảm đi rất nhiều, tác dụng của Luật sẽ hiện thực hơn, cơ quan chức năng cũng thuận lợi hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, từ đó cũng sẽ giảm bớt cơ hội tiêu cực của lực lượng chức năng nếu có bởi sẽ ít tiếp xúc với người dân hơn.

 

Ở nước ngoài, việc đi bộ dăm cây số đến điểm đỗ xe buýt là việc hết sức bình thường. Ở ta chưa có thói quen đó, ra cửa là lên xe, gọi là "đi" nhưng thực tế là "ngồi" (ngồi trên xe máy) đó là điều lợi bất cập hại, không tốt cho sức khỏe.

 

Muốn Xã hội phát triển, Văn minh, Hiện đại, thân thiện môi trường sống cần hạn chế phương tiện cá nhân là điều tất yếu, trước mắt đối Với Hà Nội cần bỏ luôn Xe máy.

Thay đổi 1 thói quen sẽ làm cho chúng ta bối rối về tâm lý, nhưng tất cả rồi sẽ quen, con người luôn thích ứng với điều kiện mà.

 

Chúng ta không thể vì vài nghìn người lái xe ôm hay chở rau quả nông sản mà làm ảnh hưởng tới sự phát triển Kinh tế - Xã hội của Thủ đô, ảnh hưởng tới cuộc sống và sự an toàn của vài triệu người khác. Những người đó họ sẽ tự chuyển đổi công việc hoặc các tổ chức, đoàn thể có thể tạo điều kiện cho họ có công việc khác, phương tiện vận chuyển khác phù hợp để duy trì đời sống.

 

Ngoài ra, bỏ xe máy tại Hà Nội cũng sẽ chấm dứt được nạn Cướp giật, nạn đua xe trái phép, lạng lách đánh võng, nạn chở hàng hóa cồng kềnh đang diễn ra hàng ngày, An ninh - Trật tự Thủ đô sẽ tốt hơn.

 

Vì vậy tôi Kiến nghị trước mắt Thành phố nên bỏ lưu thông xe máy trên tất cả các tuyến Phố thuộc các Quận nội thành. Ngoại thành thì sẽ bỏ sau khi có điều kiện.

 

Chúng ta phải dám nghĩ, dám làm để đổi mới và xây dựng Thủ đô Văn minh và phát triển hơn. Cũng đề nghị mọi người dân nên ủng hộ chủ trương này của Chính phủ, của Bộ GTVT và của TP Hà Nội”- Nguyenngoc: nguyenngoc200837@yahoo.com.vn kiến nghị.

 

Không nên cấm hoàn toàn xe máy

 

“Theo ý kiến tôi thì nên hạn chế xe máy theo cách khác. Chúng ta đều thấy khoảng thời gian vào buổi sáng (mọi người bắt ra đường để tới công ty) và thời gian tầm vào buồi chiều. Vì vậy, theo tôi thì chúng ta chỉ nên hạn chế phần lớn xe máy ra đường vào thời gian này thôi. Việc này thì cơ qua chức năng hoàn toàn có thể làm được.

 

Đối với công nhân viên chức nhà nước thì việc bắt buộc nhân viên đến cơ quan bằng xe bus là điều dễ thực hiện. Còn đối với công nhân viên ngoài nhà nước thì việc tuyên truyền cũng không phải là khó. Chúng ta có thể có những ưu đãi hơn nếu đi làm bằng xe bus. Hay tại những tòa nhà văn phòng lớn các cơ quan chức năng hỗ trợ để doanh nghiệp tự tổ chức xe đưa đón cho toàn bộ nhân viên trong tòa nhà. Đồng thời ta phải tổ chức khảo xác lại nơi ở của những đối tượng này để sắp xếp lại lộ trình của các tuyến xe bus cho hợp lý hơn.

 

Còn việc cấm xe máy hoàn toàn thì theo tôi nghĩ là không nên vì lý do gì thì những bạn đọc khác cũng nói nhiều rồi. Ngoài ra nên đánh giá lại các tuyến đường vì trong thành phố có nhiều tuyến đường quá nhỏ nhưng ô tô cũng lưu thông (đây cũng là một trong những lý do khiến cho kẹt xe xảy ra), cũng như nên xây dựng những tuyến đường không xe máy, không xe ô tô cá nhân, xây dựng những tuyến đường đi bộ nhất là trong khu vực trung tâm để nâng cao hơn hình ảnh của thành phố trong mắt bạn bè quốc tế” - Nguyen Nhat: nguyen89nhat@gmail.com đề xuất.

 

Hạn chế xe cá nhân sẽ giảm tai nạn giao thông

 

Có lẽ những ai đã từng đi nước ngoài mới thấy người dân Tây họ văn minh thế nào với văn hóa đi bộ và đi phương tiện công cộng: đi làm, đi học, đi chợ, đi chơi, đưa trẻ con đến trường ... đều bằng phương tiện công cộng. Mà từ nhà đi đến xe bus cũng phải đi bộ chứ có phải là ra cửa có xe bus đâu? Có ai kêu ca phàn nàn gì không? Có lẽ chẳng ở dâu như Việt Nam cứ ra đến cửa là leo lên xe máy, lượn lách trong ngõ ngách. Chính xe máy là nguyên nhân gây ra sự mất an toàn giao thông và ô nhiễm tiếng ồn. Không có ngày nào mà không nghe thấy tai nạn do va chạm giữa ô tô và xe máy.

 

Đề nghị báo chí tuyên truyền những mặt tích cực của phương tiện công cộng để người dân sử dụng. Tôi ủng hộ việc hạn chế phương tiện cá nhân, chỉ có những biện pháp mạnh mẽ mới thay đổi được lối sống của người Việt chúng ta. Tôi mong rằng các giải pháp được thực hiện có lộ trình, nâng cao chất lượng xe bus và chất lượng hành khách, tăng thêm nhiều tuyến xe chất lượng cao để những công chức như tôi có thể sử dụng đi làm hàng ngày và có được vỉa hè để có thể đi bộ. Cá nhân tôi có xe ô tô riêng nhưng từ nhiều tháng nay đã và đang dùng xe bus đi làm và đưa con nhỏ đi học vì thực sự rất tiện, không phải lo tìm chỗ đỗ xe, không lo khói bụi và tai nạn giao thông. Tôi thấy không có vấn đề gì lớn ngoài việc phải sắp xếp thời gian cá nhân cho phù hợp, dành thêm 10-15 phút buổi sáng đề phòng thời gian chờ đợi xe lâu hoặc tắc đường”- Hồng Vy: thaomi@gmail.com nêu ý kiến từ kinh nghiệm bản thân.

 

“Tất nhiên là xe bus hiện nay không dễ chịu gì cho lắm, nhưng đó chỉ là vào giờ cao điểm thôi, còn giờ bình thường thì tôi thấy đi bus rất tuyệt. Một khi đã hạn chế xe cá nhân, chắc chắn sẽ phải tăng cường nhiều tuyến và chuyến xe bus để phục vụ người dân. Vấn nạn lái xe ẩu và móc túi là có thật, nhưng nếu xe thoáng đường thoáng thì nó sẽ được cải thiện. Và tai nạn xe máy trong nội đô sẽ giảm đáng kể. Việc đi xe cá nhân, tắc đường... làm tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ của nhà nước và nhân dân.

 

Còn về vấn đề ngõ ngách thì Hàn Quốc, Trung Quốc hay Mỹ đều đầy rẫy. Họ cũng phải đi bộ từ điểm xe bus về nhà rất xa không thua gì dân HN hay TPHCM. Có chăng chúng ta nên phát triển văn hóa xóm phường, đỏ đèn đỏ đóm, lát đường xá, giữ vệ sinh an toàn thì sẽ thấy mọi việc rất thuận lợi thôi. Tôi là người đi làm bằng xe bus, đi bộ khá xa, và tôi rất thích xe bus” – hoahong: rosehn@yahoo.com chia sẻ.

 

Trần Bách

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm