Vì sao giáo dục đang lao đao, điêu đứng?

Theo PGS.TS Trần Kiều – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - nhận định: “Chúng ta đang lao đao, điêu đứng bởi nền giáo dục ứng thí. Chính vì thế, cho đến bây giờ, Bộ GDĐT luôn loay hoay về việc thi cử”.


PGS.TS Trần Kiều cho rằng: Bất kỳ sự đổi mới nào cũng nhận hòn đá tảng là nền giáo dục ứng thí. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn

PGS.TS Trần Kiều cho rằng: Bất kỳ sự đổi mới nào cũng nhận "hòn đá tảng" là nền giáo dục ứng thí. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn

Trao đổi tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, PGS.TS Trần Kiều – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: Có một điều tuy không được sửa đổi trong Luật Giáo dục, nhưng nếu xem xét được sẽ rất tốt, đó là về tính chất và bản chất của nền giáo dục nước ta. Nền giáo dục của chúng ta cho đến nay vẫn chưa vượt qua được nền giáo dục ứng thí. Trong khi đó, Nghị quyết 29 đã nêu rất rõ việc chuyển hướng giáo dục nước ta trong bối cảnh đổi mới tư duy thành một nền giáo dục thực học và thực tiễn.

“Chúng ta đang lao đao, điêu đứng bởi nền giáo dục ứng thí. Bất kỳ sự đổi mới nào cũng nhận hòn đá tảng nền này. Chính vì vậy, Bộ GDĐT luôn loay hoay về việc thi cử”, PGS.TS Trần Kiều chia sẻ.


GS.TS Trần Kiều. Ảnh: Theo Zing

GS.TS Trần Kiều. Ảnh: Theo Zing

Bên cạnh đó, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh về ngôn ngữ dùng trong luật phải đảm bảo trong sáng, ai cũng hiểu. Nhiều từ ngữ được sử dụng trong dự thảo luật khó hiểu hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau.

Ông Đào Tuấn Đạt - giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Hội đồng chuyên môn Trường THPT Anhxtanh cũng cho rằng, Bộ GDĐT cần định dạng lại hệ thống thi cử. Theo ông Đạt, việc thi tốt nghiệp nên giao cho địa phương. Địa phương tổ chức việc thi lấy chứng chỉ hết môn học cho học sinh. Mức độ yêu cầu của đề thi giữa các địa phương có thể khác nhau phụ thuộc trình độ thực tế học sinh tại địa phương đó. Điều cần chú trọng là tính nghiêm túc của kì thi. Theo thời gian, địa phương nâng dần chất lượng học sinh và đề thi tiệm cận với trình độ chung của quốc gia. Khi đó sẽ không còn lo việc chạy theo thành tích ảo mà bỏ quên chất lượng thực chất.


Ông Đào Tuấn Đạt cho rằng, cần định dạng lại hệ thống thi cử. Ảnh: NV

Ông Đào Tuấn Đạt cho rằng, cần định dạng lại hệ thống thi cử. Ảnh: NV

Mặt khác, có thể tổ chức cho học sinh thi lấy chứng chỉ quốc gia theo môn học. Bài thi tiệm cận dần với các bài thi chuẩn hóa của các nền giáo dục tiên tiến. Tiến tới sự công nhận có tính quốc tế chứng chỉ quốc gia. Học sinh có chứng chỉ quốc gia môn học nào thì được miễn thi tốt nghiệp môn đó. Khuyến khích học sinh học vượt để lấy chứng chỉ quốc gia sớm.

Học sinh có thể dùng kết quả thi tốt nghiệp ở địa phương và chứng chỉ quốc gia để dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và các trường nghề. Việc xét tuyển dựa vào kết quả môn thi tốt nghiệp hay chứng chỉ quốc gia là quyền của các trường. Để được công nhận rộng rãi các trung tâm sẽ phải liên tục cải tiến chất lượng đề thi và công tác tổ chức thi.

Theo Huyên Nguyễn

Báo Lao động