Bạn đọc viết:

Về xử lý trách nhiệm hành chính trên Biển Đông…

(Dân trí) - Hiện nay tình hình trên Biển Đông của nước ta đang nóng lên từng ngày. Trung Quốc (TQ) ngày càng ngang ngược và khó đoán hơn khi liên tiếp thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật quốc tế nghiêm trọng và trắng trợn.

Tàu Trung Quốc hung hãn phun vòi rồng vào tàu Việt Nam (ảnh: Tiền Phong)
Tàu Trung Quốc hung hãn phun vòi rồng vào tàu Việt Nam (ảnh: Tiền Phong)

 

Ngày 1/5 Tập đoàn dầu khí quốc gia TQ (CNOOC) đưa giàn khoan HD 981 vào vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được VN hoạch định theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Điều này đã đẩy căng thẳng giữa 2 nước lên cao trào.

 

Theo tôi, đây là một bước đi có tính toán, được dàn dựng công phu và bài bản của TQ nhằm hiện thực hóa “đường lưỡi bò” (1) như nhận định của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 11/5.

 

Đứng trước thực tế này, bắt buộc VN không chỉ phản đối bằng tuyên bố ngoại giao như trước đây, mà phải thể hiện quan điểm và có hành vi phản đối rõ ràng thiết thực, thậm chí áp dụng các biện pháp đáp trả thích hợp.

 

Trong phạm vi bài viết này, tôi đề nghị Cục cảnh sát biển VN (2) xử lý trách nhiệm hành chính đối với hành vi của CNOOC - 1 tập đoàn kinh tế nước ngoài đã vi phạm pháp luật hành chính trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác. Việc xử lý này có tác dụng: bảo vệ pháp chế XHCN, răn đe các tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật VN. Và trên hết, thông qua việc xử lý này tiếp tục khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại Biển Đông.
 
Theo quy định của Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm cả cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước CHXHCN VN.

 

Cũng theo quy định của Pháp lệnh, thì CNOOC bị áp dụng các hình phạt chính như: cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Ngoài ra, CNOOC có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước CHXHCN VN phương tiện vi phạm, buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.

 

Điều 24 của Pháp lệnh quy định mức xử phạt cao nhất đối với hình thức phạt tiền là 2 tỷ đồng. Mức này được áp dụng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước CHXHCN VN; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác …

 

Qua đây cho thấy quan điểm của Nhà nước ta đối với các hành vi vi phạm hành chính trên biển có tính chất và mức độ nghiêm trọng là cao nhất. Việc tống đạt quyết định xử lý vi phạm hành chính được thực hiện thông qua triệu tập đại diện của CNOOC tại VN để giao, hoặc thông qua cơ quan ngoại giao của TQ tại VN chuyển đến CNOOC thực hiện.

 

Mặc dù biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với CNOOC không thể giải quyết được “tận gốc” những hành động vi phạm của TQ đối với quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN trên biển, nhưng đây có thể xem là hành động mang tính chất pháp lý quốc tế của VN đáp trả lại những hành vi ngang ngược của TQ  (khi cho phép CNOOC đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta).

 

Điều này một lần nữa khẳng định lại việc quản lý của nước ta vẫn diễn ra bình thường tại vùng biển này. Qua đó chứng minh cho TQ thấy rằng: để xác lập và quản lý chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ phải bằng hành vi pháp lý một cách “đàng hoàng” và có căn cứ. Chứ không thể thông qua hành vi thiếu cơ sở pháp lý của một doanh nghiệp hoặc tuyên bố đơn phương vô lý của một quốc gia. Những hành vi như thế, chỉ xứng đáng phải nhận sự đáp trả tương xứng.

 

Đinh Phạm Văn Minh: vanminh.lshn@gmail.com

 

(1) http://dantri.com.vn/the-gioi/trung-quoc-hien-thuc-hoa-duong-luoi-bo-khien-nhieu-nuoc-lo-ngai-873264.htm.

 

(2) Theo Điều 1 của Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát biển VN quy định: “Lực lượng Cảnh sát biển VN là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của VN và điều ước quốc tế có liên quan mà CHXHCN VN là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của nước CHXHCN VN”.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm