Bạn đọc viết:
Vấn đề chính vẫn là bình ổn giá
(Dân trí) - Tăng lương là để cải thiện đời sống người lao động... nhưng đa phần người được tăng (công chức) đều không cho đó là cách làm hiệu quả trong thời điểm “cái gì cũng tăng” như hiện nay. Và ở đây câu hỏi đặt ra: Vậy tăng lương để làm gì?
Các chợ bán lẻ giá rau tăng cao (Ảnh minh hoạ - nguồn ảnh: Phụ nữ VN)
Tất cả các ý kiển trích dẫn trên đều bày tỏ chung 1 nội dung và 1 quan điểm, và hầu như năm nào cũng như vậy trong liên tiếp các năm gần đây. Như thế là vấn đề quá rõ ràng và quá thực tế, vậy tại sao chúng ta không nhìn thấy điều đó cũng như không có bất kì động thái nào, hoặc có nhưng không hiệu quả?
Chúng ta cần nhìn nhận một thực tế: tăng lương là nhằm vào cải thiện đời sống người lao động, và đa số là công chức, nhưng gần như toàn bộ công chức hay những người được tăng lương đều không cho đó là hiệu quả thì cần tăng lương để làm gì? Như vậy là rõ ràng có sự nhầm lẫn về mục tiêu cải thiện mức sống và cách thức tiến hành, trong khi cái cần thực sự lại là kiểm soát giá cả.
Tôi xin chia sẻ cuộc sống mà chúng tôi đã trải qua khi là sinh viên, để thấy rõ hơn những điều tôi nói khi so sánh với cuộc sống sinh viên thời hiện tại:
Cách đây 8 năm, khi mới bắt đầu là sinh viên, chúng tôi có 4 người thuê chung 1 căn phòng (đủ rộng để ở) chỉ với 300 ngàn/1 tháng ở gần Cầu Giấy, HN và chỉ cần mỗi người 150-200 ngàn là có thể nấu cơm ăn đảm bảo cả tháng. Còn bây giờ 2 sinh viên thuê 1 phòng ở được và gần Cầu Diễn cũng đã 1triệu/1tháng, nếu cộng ăn uống mỗi người phải có 600 ngàn là tối thiểu - Chỉ 8 năm thôi mà giá cả mọi thứ tăng gần gấp 4-5 lần, trong khi lương tăng được bao nhiêu phần? và như vậy đời sống thực sự cải thiện chăng? Chúng ta phải xác định đúng nguyên nhân mới giải quyết hiệu quả được!
Một số người bạn của tôi sinh sống và làm việc tại Thái Lan cho biết ở đó gần như không có chuyện tăng giá bừa bãi, mạnh ai nấy tăng đâu.