Bé 5 tuổi bị tông tử vong khi vừa xuống xe, trách nhiệm các tài xế ra sao?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Để xem xét trách nhiệm pháp lý, cần đánh giá lái xe tải đã đảm bảo quy tắc về an toàn khi vượt xe; đồng thời đánh giá tài xế xe khách đã thực hiện đúng trách nhiệm đưa đón học sinh hay chưa.

Như Dân trí thông tin, khoảng 17h15 ngày 18/11, một ô tô đưa đón học sinh dừng tại khu vực đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An), để trả học sinh về nhà sau giờ học. Sau khi xe dừng lại, một cháu bé 5 tuổi chạy qua đường để vào nhà thì bị ô tô tải vượt lên từ phía sau tông trúng. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi. 

Công an huyện Anh Sơn đã tạm giữ các phương tiện liên quan để xác minh làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. 

Từ sự việc trên, độc giả Dân trí đặt câu hỏi về việc tài xế xe tải và tài xế xe khách đưa đón học sinh có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không? .

Bé 5 tuổi bị tông tử vong khi vừa xuống xe, trách nhiệm các tài xế ra sao? - 1

Khoảnh khắc bé trai 5 tuổi bị ô tô tải tông trúng (Ảnh cắt từ clip).

Luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận đối với vụ việc trên, cơ quan chức năng sẽ bóc tách riêng trách nhiệm của từng tài xế, tập trung củng cố tài liệu, chứng cứ để xác định có hay không yếu tố lỗi trong vụ tai nạn thương tâm này. Cụ thể như sau: 

Đối với tài xế xe tải, căn cứ dữ liệu được camera ghi lại, tài xế này đã điều khiển phương tiện vượt lên khi thấy xe khách đỗ ven đường và xảy ra va chạm với cháu bé, đây là nguyên nhân trực tiếp khiến nạn nhân tử vong.

Tình huống này, cơ quan chức năng sẽ tập trung làm rõ nhiều yếu tố, trong đó tập trung xác định có hay không yếu tố lỗi của tài xế xe tải khi vượt xe như có vượt xe ở đoạn đường cấm vượt hay không; đã phát tín hiệu đầy đủ, đảm bảo quan sát, đảm bảo an toàn trước khi quyết định vượt hay chưa; tốc độ ở thời điểm vượt xe là bao nhiêu, có vi phạm giới hạn tốc độ hay không... 

Đối với tình huống cháu bé bất ngờ xuất hiện và băng qua đường, cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc khoảng cách giữa cháu bé và phương tiện ở thời điểm được phát hiện là bao xa; cháu bé xuất hiện như thế nào, có phải tình huống đột ngột, bất ngờ, nằm ngoài tầm kiểm soát của tài xế hay không; khoảng thời gian từ khi tài xế phát hiện cháu bé tới lúc va chạm là bao lâu và trước khi xảy ra va chạm, người này đã xử lý phương tiện như thế nào, đã áp dụng các biện pháp tối ưu (đánh lái, đạp chết phanh...) để hạn chế tối đa thiệt hại xảy ra hay chưa... 

Từ các vấn đề trên, có thể xảy ra 2 tình huống, đó là: Nếu cháu bé xuất hiện bất ngờ, nằm ngoài ý chí chủ quan và ngoài tầm kiểm soát của tài xế, tài xế đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn khi vượt và đã áp dụng phương án xử lý tối ưu để phòng ngừa hậu quả nhưng hậu quả đáng tiếc vẫn xảy ra, đây có thể coi là tình huống bất khả kháng. Khi đó, trách nhiệm của tài xế sẽ được miễn đề cập. 

Ngược lại, nếu có căn cứ cho thấy tài xế có lỗi trong vụ tai nạn, cơ quan chức năng có thể xem xét trách nhiệm của người này về hành vi Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. 

Cần làm rõ nội dung hợp đồng, thỏa thuận về trách nhiệm đưa đón trẻ

Bé 5 tuổi bị tông tử vong khi vừa xuống xe, trách nhiệm các tài xế ra sao? - 2

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh cắt từ clip).

Đối với tài xế xe khách, theo khoản 5 Điều 32 Luật Giao thông đường bộ 2008, trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt. Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.

Đối với trường hợp này, theo thông tin từ nhà trường cung cấp, xe hợp đồng chở học sinh là do gia đình tự thuê để đưa đón các em. Do đó, cần phải làm rõ trong nội dung hợp đồng, thỏa thuận giữa gia đình học sinh với phía tài xế hoặc chủ xe có quy định về việc tài xế có trách nhiệm phải đưa đón, dẫn các em về tận cửa nhà hay không. 

Trong trường hợp không có thỏa thuận về việc phải đón, dẫn các em về tận nhà, tài xế chỉ có trách nhiệm điều khiển xe đưa đón học sinh và đảm bảo an toàn về giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Do đó, cơ quan chức năng sẽ chỉ tập trung vào các yếu tố như tài xế này đã dừng đỗ xe đúng quy định hay chưa, có gây cản trở giao thông hay không và có tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc điều khiển, dừng đỗ xe của người này với cái chết của cháu bé hay không. 

Ngược lại, nếu có thỏa thuận như trên về việc phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các em học sinh cho tới khi các em vào nhà nhưng tài xế đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng thỏa thuận dẫn tới thiệt hại về người, có thể xem xét trách nhiệm của người này về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Dưới góc độ dân sự, nếu tài xế vi phạm thỏa thuận theo hợp đồng dẫn tới thiệt hại về con người, gia đình người bị thiệt hại có quyền yêu cầu tài xế bồi thường thiệt hại trong phạm vi lỗi của mình gây ra.