Những người thầy thầm lặng mang trong mình tinh thần "biết một dạy một"

PV

(Dân trí) - Họ không giảng dạy trong những lớp học chính quy mà lặng lẽ truyền đạt kiến thức trong cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cải thiện kỹ năng.

Mỗi dịp 20/11, chúng ta lại được nhắc nhở về truyền thống tôn sư trọng đạo, về những người thầy, người cô đã dành trọn tâm huyết dạy dỗ biết bao thế hệ học trò. Tuy nhiên, có một lớp "nhà giáo" khác, ít được biết đến hơn, nhưng không kém phần quan trọng.

Họ không giảng dạy trong những lớp học chính quy mà lặng lẽ truyền đạt kiến thức trong cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cải thiện kỹ năng. Đó là những tuyên truyền viên, giáo dục viên đồng đẳng (peer educator) - những "người thầy thầm lặng" mang trong mình tinh thần "biết một dạy một".

Giáo viên nên "biết 10 dạy một" hay "biết một dạy một" là một chủ đề được thảo luận nhiều. Phương pháp "biết 10 dạy một" rất phổ biến trong giới hàn lâm, đòi hỏi người giảng viên phải nắm vững kiến thức nền rộng để mở rộng nội dung theo nhu cầu của người học.

Đây là cách tiếp cận hoàn toàn đúng, các nhà giáo càng có nhiều kiến thức càng đáng quý, nhưng không phải lúc nào cũng cần phải như vậy. Trong hoàn cảnh cần thực hiện các hoạt động truyền thông - giáo dục trên quy mô rộng một cách nhanh chóng và cần nhiều người đứng lớp, hoặc khi cần dạy những kiến thức và kỹ năng cụ thể có thể áp dụng được ngay, thì không cần đến những người thầy "biết 10 dạy một".

Cách dạy "biết một dạy một," tuy có vẻ khiêm tốn, lại mang hiệu quả bất ngờ. Những kiến thức và kỹ năng cụ thể được chia sẻ nhanh chóng, áp dụng trực tiếp và tạo ra những thay đổi tức thì trong thực tế. Câu chuyện của KOTO (viết từ chữ Know One Teach One, tức "biết một dạy một") - một tổ chức dạy nghề nổi tiếng ở Việt Nam - là minh chứng sống động cho triết lý này.

Từ việc dạy trẻ em đường phố làm bếp, phục vụ, đến việc đào tạo những người từng được dạy trở thành giảng viên, KOTO thực sự đã tạo nên một vòng tròn tri thức đầy ý nghĩa, lan tỏa giá trị "learning should be passed on; knowledge is meant to be shared" (tạm dịch là "học hỏi là để truyền lại, tri thức nên được sẻ chia").

Kỷ niệm của tôi khi được gọi là "thầy giáo" trong buổi tập huấn cho các quản giáo ở một trường giáo dưỡng chính là minh họa rõ nét cho vai trò của những "nhà giáo tay ngang." Dù chỉ đứng lớp vài buổi, tôi đã xúc động khi những giáo viên chính thức ấy gọi mình bằng danh xưng đáng kính "thầy giáo".

Tôi chợt nhận ra rằng, chính những người giảng dạy chuyên nghiệp cũng rất trân trọng và hiểu được giá trị công việc mà chúng tôi đang làm. Họ không phân biệt việc đứng trên bục giảng chính quy hay đứng lớp tập huấn cộng đồng - điều quan trọng là sự sẻ chia tri thức.

Trong một chuỗi tập huấn về sức khỏe thuộc Dự án Trường học hạnh phúc mà tôi quản lý mới diễn ra gần đây, các giảng viên từ Đại học Y Hà Nội cũng nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của các tuyên truyền viên cộng đồng. Theo quan điểm của các giảng viên này từ góc nhìn y học dự phòng, thông qua các lớp TOT (training of trainers - đào tạo giảng viên), những người tham gia học tập sẽ tiếp tục trở thành người đi dạy lại kiến thức, kỹ năng cho người khác.

Chính sự chuyển giao này sẽ giúp mở rộng tri thức và mang lại hiệu quả lâu dài cho các chương trình y học cộng đồng, giúp nâng cao sức khỏe nhân dân và phòng bệnh từ sớm.

Tôi cũng đã có những năm tháng tuổi trẻ gắn liền với vai trò tư vấn viên cho một dự án giáo dục sức khỏe sinh sản - tình dục và tâm lý cho thanh thiếu niên. Khi đó, tôi và các đồng nghiệp vừa tốt nghiệp đại học, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, nhưng lại có sự đồng cảm và gần gũi với các bạn trẻ.

Giáo dục đồng đẳng giúp chúng tôi tận dụng ưu thế này, dễ dàng tiếp cận và chia sẻ với những thanh thiếu niên cùng trang lứa. Hình thức tư vấn trực tuyến và truyền thông trực tiếp ở các trường học, khu công nghiệp không chỉ truyền đạt thông tin mà còn mở ra những cuộc trò chuyện sâu sắc, thay đổi cách nhìn nhận và ứng xử.

Điều mà tôi học được từ những năm tháng làm việc ấy là: không cần đợi đến khi "biết 10" mới chia sẻ, mà khi đã nắm chắc "biết một", nếu có cơ hội, hãy góp phần lan tỏa kiến thức hữu ích ấy. Giáo dục đồng đẳng, chính vì vậy, là phương pháp hiệu quả để mang tri thức vào đời sống, nơi mà những bài học không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà gắn liền với thực hành và sự chuyển đổi tích cực.

Trong xã hội, chúng ta thường ngưỡng mộ những người thầy dày dạn kiến thức, nhưng chính cha ông ta cũng có câu: "một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy." Những người chỉ "biết một", nhưng sẵn sàng chia sẻ, đều xứng đáng được tôn vinh. Họ là những ngọn đèn thắp sáng tri thức, dẫu chỉ là một tia sáng nhỏ cũng có thể chiếu rọi cuộc sống của người khác.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, hãy dành một lời tri ân cho những người thầy, người cô không chính thức. Những người dù chỉ "biết một" vẫn dạy một, giúp xây dựng một cộng đồng ý thức hơn, biết chăm lo cho sức khỏe, biết bảo vệ môi trường, tạo dựng sinh kế... Đó chính là những người thầy thầm lặng, những cánh tay nối dài của những người thầy "biết 10". Họ cũng xứng đáng được gọi là "thầy."

Nguyễn Minh Hoàng