“Ngay ngáy” quanh tin tăng lương

(Dân trí) - Lương tăng lên cho công nhân là điều đáng mừng, nhưng sao mà giá cả thị trường cứ tăng lên vèo vèo, nhà trọ em tháng này lại đòi tăng nữa, đồ ăn thức uống đều tăng. Sống một mình còn đỡ,có gia đình sao mà đủ trang trải... - Thúy: nhinhanh1239@yahoo.com trăn trở.

“Ngay ngáy” quanh tin tăng lương - 1

Công nhân mua rau ở trước cổng KCN Tân Tạo - TPHCM.

Tôi nghĩ đời sống công nhân ngày càng khó hơn cho dù có tăng lương thế nào đi nữa. Có 2 vấn đề chính cần giải quyết là: 1. Giá bán tại các chợ hoặc các khu CN (hiện tại ai muốn bán giá như thế nào thì bán). 2. Giá thuê nhà trọ, giá điện, nước từ các chủ nhà trọ. Việc này, rất khó nhưng quan trọng là các cơ quan chức năng có triển khai và thực hiện cho dân không” - Kim Thoa: kthoa99a280@yahoo.com chia sẻ nỗi lòng.

“Tôi làm việc đã hơn 30 năm, lương tôi đã kịch khung, không thể lên bậc được. Vậy mà tôi cảm thấy cuộc sống hiện nay khá vất vả vì đồng lương lại có vẻ như đang đi xuống chứ không phải tăng lương như các bạn nói. Chúng ta cần phân biệt khái niệm tăng lương và điều chỉnh lương, đừng để câu từ mà ảnh hưởng không tốt đến giá cả thị trường. Tôi nghĩ nếu là tăng lương thì phải quan tâm đến yếu tố lạm phát, trượt giá. Nếu là tăng lương thì đời sống phải được nâng lên chứ... Ở đây việc tăng lương giống như kiểu gửi tiền ngân hàng vậy, càng gửi càng lãi tiền nhiều hơn nhưng thực tế lại ăn vào gốc...Tôi chắc rằng trong cơ cấu tiền lương,  Bộ LĐTBXH  chưa hề tính đến các “phí”, “quỹ”... mà thường ngày người dân vẫn phải nộp!” - minh433m: inh433@yahoo.com.vn tâm sự

“Tăng lương tối thiểu đã vô tình làm cho giá cả ngày một tăng. Những người có hệ số lương cao nhân với lương tối thiểu chắc họ không phải băn khoăn trong việc mua bán vì lương họ khá cao. Chỉ những người có hệ số lương thấp, tăng lương không đáng kể so với tăng của giá ” - mai vang: yeumoinguoi@yahoo.com nêu thực trạng.

“Tăng lương tối thiểu có thay đổi gì khi mức đóng BHXH tăng và mức đóng thuế thu nhập cá nhân không thay đổi?” - thông: white_rabbit27@yahoo.com đặt câu hỏi.

Tăng lương nhưng phải làm thế nào để không cho tình trạng tăng giá các loại thực phẩm, xăng, điện, nước, nhà trọ... chứ. Còn không nếu cứ thông báo tăng lương xong y như rằng thực phẩm rồi “gi gỉ gì gi” cái gì cũng tăng theo luôn. Tôi ở Hà Nội, lương chưa được tăng mà thấy chủ nhà trọ đã rục rịch tăng giá, nhiều chỗ họ còn tăng theo cảm hứng” - Thu Trang: thutrang101086@gmail.com tâm sự.

“Tôi rất tán thành với việc tăng lương cho công nhân, nhưng tôi hi vọng bên cạnh đó giá cả các mặt hàng không tăng, đặc biệt là giá phòng trọ. Tôi nghĩ cần phải có chế tài quy định về thang giá phòng trọ. Với những người đi làm ăn xa quê, vấn đề ăn ở là đáng quan tâm nhất, vì vậy mong Nhà nước sớm điều chỉnh lại chuyện này” - dang thi tai khuyen: mylomindt@yahoo.com kiến nghị.

“Cứ mỗi lần tôi nghe thấy từ: tăng lương, tôi chỉ lấy lo âu. Vì sao ư? Vì chỉ mới công bố tăng lương thôi nhưng giá cả đã leo thang vùn vụt gấp 3, 4 lần rồi. Nhất là hàng tiêu dùng hàng ngày, tăng đến phát sợ mỗi lần phải đi chợ. Rồi đến ngày quyết định có hiệu lực, thì lại nghe thấy câu lý giải của giám đốc: đấy là Nhà nước tăng lương ấy chứ, tôi đã biết gì về việc tăng lương của doanh nghiệp đâu. Nghe thấy mà thật xót xa!

Tôi không hy vọng được tăng lương cơ bản vì vốn dĩ là không hề được hưởng lợi từ việc ấy, mà tôi chỉ hy vọng có thể bình ổn giá cả để những người như chúng tôi có cuộc sống bớt lo âu hơn mỗi khi ra chợ mua đồ ăn hàng ngày. Cũng như đến tháng đóng tiền nhà, điện nước sao cho chúng tôi không thấp thỏm lo là tháng sau lấy đâu ra tiền trả vì lại tăng nữa rồi. Như thế chúng tôi mới thật sự vui khi nghe tin lương tăng” - phan thi nhung: nhung.phan222@gmail.com bày tỏ.

Chung quan điểm, Phan Thành Chung: chuteu1210@gmail.com hi vọng: “Mong các ngành chức năng sớm có biện pháp quản lý và khống chế giá cả của nhà trọ, nhất là ở các thành phố lớn. Từ năm 2006 đến 2011 mà giá nhà trọ ở cùng 1 địa điểm tăng từ 180.000 lên 1.000.000 đ. Đối với những người lao động ngoại tỉnh thì tiền thuê nhà chiếm 1/3 thu nhập hàng tháng. Tôi rất mong nhà nước có biện pháp để giải quyết vấn đề này, để giúp giảm áp lực cuộc sống đối với nhiều người lao động”.

“Tôi thấy những động thái gần đây của ngành chức năng trong lĩnh vực này gần như không đi đúng hướng thì phải? Thử hỏi VN có bao nhiêu công ty thực hiện chi trả lương theo kiểu công chức? Tăng lương thì phần lớn cán bộ công chức nhà nước được hưởng và đẩy giá cả leo thang. Trong khi đó đại đa số những người lao động làm công được trả lương theo thoả thuận như chúng tôi, thì các doanh nghiệp đều không tăng hoặc có tăng thì chỉ chút ít, không chạy theo nổi giá. Nên chăng thay vì tăng lương, các vị nghĩ cách kiềm chế giá tiêu dùng hoặc giá xuống có phải hơn không?” - Kien gio: kiengio_nmk@yahoo.com nhấn mạnh.

“Thật trớ trêu, tăng lương thì chắc lại càng làm cho những người lao động nghèo và sinh viên thêm khổ hơn mà thôi, vì những dịch vụ kèm theo còn tăng mạnh hơn... Thế này thì bao giờ VN mới bằng khu vực được. Tốt nhất là nhà nước nên có văn bản để điều chỉnh tăng lương cho các Cty, doanh nghiệp cho phù hợp, kẻo lương chưa tăng thì giá cả tiêu dùng đã tăng từ lâu rồi...” - Leebi: vanbinhnb1986@gmail.com lưu ý.

Tôi đã từng gửi bài bình luận của mình về vấn đề tăng lương. Với tôi tăng lương không phải là vấn đề quan trọng, nếu có tăng thì chỉ nên tăng cho môt số ngành nghề sao cho phù hợp. Cái quan trọng ở đây là giá cả leo thang quá nhanh, nguyên nhân do đâu? Cũng bởi một số doanh nghiệp nhà nước quản lý yếu kém, làm ăn thua lỗ. Ví dụ như tập đoàn điện lực. Rồi đây giá điện tăng, tất cả các mặt hàng sẽ tăng theo vì sản xuất các mặt hàng đều liên quan đến điện, vì thế sẽ không thể bình ổn đươc giá cả. Lương chưa tăng mà giá đã tăng thì...” - Nguyên Ngọc Lâm: lamhalinh@yahoo.com trăn trở.

Trần Bách

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm