Ưu tiên tên Nam - Bắc Từ Liêm: “Lý có chân” nhưng dân không thuận
(Dân trí) - Nói là xin ý kiến nhân dân, nhưng bình luận của chính các cư dân Từ Liêm (TL) đều bày tỏ phản ứng với những “cái lý có chân” trong cách giải thích của giới chức huyện nhà về sự “ưu ái” cho cách đặt tên hai quận Bắc - Nam TL.
Nói có sách
Khi đưa ra lý lẽ nhằm bảo vệ cho phương án chọn 2 cái tên Bắc – Nam TL, giới chức TL đều viện dẫn tới “ý kiến của nhiều người dân” (lại “con số đẹp theo báo cáo”). Nhưng điều đó lập tức vấp phải phản bác từ chính đại đa số bạn đọc thông qua những lý lẽ rất có cơ sở và các góc nhìn từ xa về gần, từ cũ sang mới theo kiểu “nói có sách…”
“Huyện TL năm 1961 là hai quận 5 và 6 của thành phố Hà Nội (HN) sáp nhập vào mà thành. Còn trước năm 1945 huyện TL có tên là huyện Hoàn Long (hay Hoàng Long), thuộc phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông. Cả hai cái tên Hoàn Long (hay Hoàng Long) đều rất đẹp lại có lịch sử lâu đời của cha ông để lại. Tôi nghĩ, tên tỉnh Hà Đông nay đặt là quận Hà Đông, tên phủ Hoài Đức nay đặt là huyện Hoài Đức, vậy tên huyện Hoàn Long (hay Hoàng Long) cũ của huyện này nên trả lại cho một quận mới là quận Hoàn Long (hay quận Hoàng Long) thay cho quận TL Bắc, còn tên quận còn lại là TL” - Hong Ha: ha010606@yahoo.com
“…Về tên gốc TL, theo Đại Việt sử ký toàn thư thì thời Trần Lê, mỗi khi tiến đánh Chiêm Thành bắt được tù binh thường đem về giam và bắt làm lao dịch ở phía Tây Thăng Long - vùng đất TL bây giờ. Khi đó theo tiếng Việt cổ, tù binh Chiêm gọi là TLEM và khi nói về vùng đất giam giữ họ dân ta cũng gọi là TLEM - giống như phố có hàng Chả Cá gọi lâu ngày thành Phố Chả Cá. Qua thời gian, chữ TLEM bị chệch đi thành 2 phiên bản: CHÈM - tên một làng và TL - tên một huyện. Tôi không đồng ý cách đặt tên có phân chia Nam -Bắc cũng như đánh số 1, 2 vào tên phường tách từ xã ra, nghe ngô nghê và dễ nhầm lẫn” - Phu Luong: phuclv2010@gmail.com
“Tôi là người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử văn hóa huyện TL. Tôi đồng ý chia tách huyện này thành hai quận, song việc đặt tên quận và các phường cần thận trọng theo hướng giữ tên địa danh như:
+ Về tên quận: nên đặt 1 quận là TL, một quận là Cầu Diễn (gần quận Cầu Giấy). Không nên đặt tên là quận Thăng Long, vì tên này đại diện cho Thăng Long - HN xưa (gồm quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và một phần các quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa hiện nay).
+ Về tên các phường: nếu là các xã có hai thôn hợp thành thì lấy các làng cũ đặt tên cho phường mới. Chẳng hạn, xã Xuân Phương chia thành hai phường thì đặt tên theo các làng cũ là Hòe Thị và Thị Cấm (hoặc Ngọc Mạch); xã Đại Mỗ chia hai phường thì đặt theo tên là Đại Mỗ và Giao Quang. (hoặc An Thái); xã Cổ Nhuế chia hai phường thì đặt tên là Cổ Nhuế Hòe và Cổ Nhuế Đống... Đặt như vậy sẽ giúp cho dân các làng không bao giờ quên được gốc gác của mình và có ý nghĩa giáo dục cao” - Bùi Xuân Đính: buixuandinh.dth@mail.com
Mách có chứng
Phản ánh từ chính những cuộc họp “lấy ý kiến nhân dân” cũng được bạn đọc nêu ra, cung cấp thêm hàng loạt chứng cứ xác thực cho việc dân không thuận với những lý lẽ dành cho sự ưu tiên tên gọi Nam - Bắc TL:
“Tôi ở phường Dịch Vọng Hậu, thấy không có được mấy người ở nơi tôi ở đồng ý với tên phường. Nhưng có ai hỏi và nghe ý dân đâu. Nam TL và Bắc TL là chỉ vị trí, đâu phải là tên đất? Trong tiếng Việt danh từ đứng trước, vị ngữ đứng sau… TL là danh từ, nam - bắc là tính từ, phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chứ. Nên lưu ý đặt tên quận là lưu danh khá lâu đấy. Mấy ngàn năm có nước Việt, có địa danh nào là số 1, số 2 chưa? Dân Hà Tây chả ngậm ngùi với “Hà Nội 1, Hà Nội 2” đó ư? Chia nhỏ địa giới hành chính chứng tỏ năng lực quản lý hành chính kém chưa đạt tầm… Ôi "những cái lý có chân" mà dân không thể thuận theo!” - Nguyễn Hữu Trường: nguyenhuutruong1954@gmail.com
"Nói: Tên quận Mỹ Đình nhiều người cho là rất hay và đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên dư luận những xã khu vực phía Nam lại không đồng tình - Tôi là người dân xã Mễ Trì, theo tôi biết thì rất nhiều người cũng muốn đặt tên là Mỹ Đình cho xứng tầm với vị trí, vị thế của nó. Đây là khu vực đang phát triển mạnh mẽ, hiện đại với nhiều cái tên đã gắn liền với Mỹ Đình. Không nên dùng Nam - Bắc TL nghe xa cách, chia tách và cách đặt tên như vậy sẽ có thể dẫn tới hiểu rằng có một TL nữa ở giữa Nam và Bắc TL?” - Phongpm: phongdah@yahoo.com
“Tôi có tham gia buổi họp dân ở Phú Đô. Cũng giống như bạn ở Cổ Nhuế nói ở trên. Lúc đầu thì các cán bộ cho dân nêu ý kiến về đặt tên quận. Khi mọi người ai cũng phản đối với cái tên Bắc - Nam TL thì các cán bộ lại bảo: phương án đặt tên như vậy đã được trên quyết rồi. Vậy hỏi dân làm gì? Bó tay với cách làm việc này của cán bộ nhà mình!” - Nghiêm Kiên: nghiemkien169@yahoo.com.vn
“Tôi được dự cuộc họp lấy ý kiến nhân dân tại nhà văn hóa thôn Hoàng 4. Vị chủ tọa là bà Phó bí thư xã Cổ Nhuế, rất áp đặt trong việc lấy biểu quyết: yêu cầu mọi người phải biểu quyết tách thành 2 quận Nam và Bắc TL, nói rằng nếu không đồng ý tên như vậy sẽ không được tách quận? Đến mục tách phường, tuyệt đại đa số dân không đồng tình với tên phường có đánh số 1, 2. Bà phó bí thư vẫn tìm đủ mọi cách, kể cả dọa nếu không đồng ý tên đánh số sẽ khó khăn cho duyệt tách phường, nhưng bà con vẫn không đồng tình. Tôi thấy việc lấy biểu quyết có vẻ như ép để cố tình thực hiện theo dự án đặt tên của Huyện là tách phường, đánh số. Tóm lại việc nâng lên thành Quận, Phường là cần thiết vì chúng tôi thấy trình độ quản lý của cán bộ xã, huyện… không còn đủ tầm nữa” - Thanh Tung: thanhtungtrhn@yahoo.com.vn
“Mình ở Xuân Phương cũng vậy, thấy người dân cũng phản đối quyết liệt về tên quận với tên phường. Đa phần là không đồng ý với tên quận Nam và Bắc TL. Chuyện phường Xuân Phương 1 và Xuân Phương 2 và cũng bị đưa ra rất nhiều ý kiến phản ứng. Thế nhưng sau khi các thôn họp xong thì đài phát thanh của xã lại nói là: toàn bộ người dân hoàn toàn nhất trí cao với phương án của TP là thành lập 2 quận Nam và Bắc TL, Phường Xuân Phương 1 và Xuân Phương 2??? Thử hỏi rằng các vị bày ra cái việc họp lấy ý kiến người dân làm gì cho mất thời gian? Sao không nói luôn là TP đã quyết và họp thông báo đến người dân cho xong…???” - Nguyễn Thị Mai: maithuytien0101@yahoo.com.vn
Rõ ra là lý lẽ của các giới chức luôn là “lý có chân”, nhưng dân không thuận thì…sao đây???
Kiều Anh