Tử thần trong không khí
Bụi mịn PM2,5 được giới chuyên gia gọi là "sát thủ" hay "tử thần" trong không khí bởi mức độ nguy hiểm đến sức khỏe con người.
Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang ở trong mùa ô nhiễm không khí nhất năm, thường diễn ra từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau với nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã diễn ra và dự báo sẽ còn nhiều đợt ô nhiễm không khí nữa.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như ở các tỉnh miền Bắc được cơ quan chức năng xác định chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2,5 - loại bụi có đường kính động học nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet. Nói một cách đơn giản, nó bằng 1/30 sợi tóc của con người.
Vì kích thước siêu nhỏ, loại bụi này có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và đi trực tiếp vào máu. Nhiều nghiên cứu cho thấy, bụi PM2,5 tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi.
Vì lẽ đó, giới chuyên gia gọi PM2,5 là "sát thủ", là "tử thần" trong không khí, khiến ô nhiễm không khí trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với khoảng 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới.
Bụi mịn đến từ nhiều nguồn như xây dựng, giao thông, sản xuất, đốt sinh khối. Riêng tại Hà Nội, nơi vốn được coi là một đại công trường, nguồn phát thải bụi mịn từ hoạt động xây dựng rất đáng lo ngại. Vì thế, nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Hà Nội gắn chặt với việc hạn chế phát tán bụi mịn trong xây dựng.
Chỉ thị 19 về các biện pháp khắc phục, hạn chế, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội đã yêu cầu Công an Thành phố, Thanh tra chuyên ngành tăng cường kiểm tra, phát hiện để xử lý các dự án, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng không che chắn, gây vương vãi vật liệu, bụi bẩn, gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm theo quy định. Tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm tất cả các xe chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng không đúng quy chuẩn, không phủ bạt che chắn...
Quyết định 985a phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn 2025 cũng yêu cầu Bộ Xây dựng bổ sung, sửa đổi và ban hành các quy định bảo vệ môi trường không khí trong hoạt động của ngành xây dựng, tập trung ngăn chặn ô nhiễm bụi.
Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2020, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 3.681 công trình, phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 87 trường hợp vi phạm. UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 48/87 trường hợp, đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 39 trường hợp.
Điều này cho thấy, Hà Nội đã quan tâm đến vấn đề phát tán bụi mịn từ hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, sự quan tâm có vẻ như chưa đủ. Từ lâu, hiệu quả của việc kiểm tra, xử phạt là vấn đề được bàn cãi nhiều. Chế tài đã đủ sức răn đe để chủ đầu tư, người dân nghiêm chỉnh chấp hành hay chưa? Làm sao để không còn tình trạng cơ quan chức năng đến thì chấp hành, đi rồi lại vi phạm, làm sao để giám sát các công trình xây dựng 24/7 để biết rằng họ không vi phạm?
Rõ ràng có rất nhiều vấn đề phải bàn thảo để thực sự giảm tải được việc phát tán bụi từ các công trình xây dựng. Có chuyên gia đề xuất, cần có "nghị định 100" trong xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường, cần áp dụng công nghệ 4.0 để tăng cường hoạt động giám sát. Nhưng điều cần nhất, có lẽ là quyết tâm của cơ quan chức năng để việc giảm thiểu phát tán bụi đi vào thực chất và hiệu quả, thay vì làm cho có.