Từ mảnh đất của ông Vươn đến sự an toàn pháp lý

(Dân trí) - Một nhà nước văn minh có nhiệm vụ tạo ra sự an toàn mọi mặt cho dân chúng trong đó có sự an toàn về pháp lý. Pháp luật bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của dân chúng, được sở hữu tài sản thuộc về mình….


Pháp luật không chỉ là sự cho phép hay không cho phép mà rộng hơn là sự ghi nhận, bảo vệ và tạo ra trật tự trong giao thiệp giữa người với người. Hãy đấu tranh bảo vệ pháp luật như bảo vệ chốn nương thân của mình như Heraclit đã nói có nghĩa như vậy. Ngược lại, xã hội sẽ bất an và rối loạn nếu dân chúng luôn cảm thấy phấp phỏng lo lắng khi chính pháp luật và người thi hành pháp luật vô tình hay hữu ý đem đến cho họ sự rủi ro bất cứ lúc nào. Đó chính là sự mất an toàn về pháp lý. Sự rủi ro này đem đến thiệt hại về kinh tế, làm đau đầu chính quyền, bận rộn của truyền thông và làm cho một số người vướng vào vòng lao lý

Rắc rối sở hữu của ai?

Trong địa hạt sở hữu và tài sản, không phải ngẫu nhiên mà Hiến pháp nhiều nước long trọng tuyên bố quyền sở hữu là thiêng liêng và bất khả xâm phạm và nhà nước cam kết không quốc hữu hóa tài sản công dân trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đưa ra và thực hiện nghiêm chỉnh cam kết đó làm yên lòng dân chúng cho dù họ là ai: doanh nhân tỷ phú hay người tiểu thương.

Người dân không thể yên tâm khi có chút vàng dành dụm ki cóp dắt lưng phòng thân lại thấp thỏm nghe

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đếnDiễn đàn Dân tríqua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

đồn đoán sẽ có quy chế pháp lý sở hữu và huy động vàng đang được chuẩn bị. Mảnh đất do mồ hôi thậm chí cả máu và nước mắt của mình kiến tạo nên một ngày “đẹp trời” nào đó sẽ không phải là của mình nữa chỉ bằng một quyết định đơn phương hết sức cảm tính của cơ quan công quyền … Những rủi ro có thể xảy ra bởi chính hệ thống pháp luật về sở hữu có vẻ như chập chờn.

Những bất cập của pháp luật về đất đai đang được bàn tán khắp nơi, từ đô thị sầm uất đến chốn thôn dã. Những bất cập này chủ yếu nằm ở gốc rễ của vấn đề là câu chuyện sở hữu và cũng chính nó đem đến sự mất an toàn cho những người sử dụng đất. Khai hoang mở đất, bồi bổ tu tạo, canh tác và bảo vệ mảnh đất mà mình không phải chủ sở hữu phỏng có yên tâm? Không chỉ có một ông Vươn ở xã Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng) mà hàng trăm chủ đầm, hàng triệu người sử dụng đất đang phấp phỏng về số phận pháp lý của mảnh đất do mình khai phá, sử dụng.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý. Bản chất của sở hữu là tính cụ thể về chủ thể. Đó là câu chuyện một tài sản nào đó của ai. Toàn dân là một thực thể không xác định hao hao giống cái làng Vũ Đại của Nam Cao - là tất cả nhưng cũng có khi chẳng là ai.

Nhà nước ngay cả cơ quan hành pháp đi chăng nữa cũng là chủ thể trừu tượng nếu nó không được cụ thể hóa bằng hoạt động của những nhân viên công quyền. Có khi cũng đúng khi người ta cho rằng chủ sở hữu trực tiếp thực hiện chủ sở hữu đất đai ở Việt Nam theo pháp luật hiện hành là các chủ tịch tỉnh. Một trong những nội dung của quyền sở hữu nói chung và đất đai nói riêng đó là quyền định đoạt số phận pháp lý và số phận thực tế của một tài sản. Xem thẩm quyền trong việc cấp, thu hồi một mảnh đất của ai đó theo quy định của Luật đất đai sẽ sáng tỏ điều này.

Từ mảnh đất của ông Vươn đến sự an toàn pháp lý - 1

Người dân xã Vinh Quang đồng tình với kết luận của Thủ tướng

về những sai trái trong vụ thu hồi đất đai ở đây.

Quyền sở hữu một mảnh đất đang bị phân thân khi nhà nước giữ “phần xác”- một mảnh đất cụ thể và người dân định đoạt “phần hồn”- quyền sử dụng đất. Sự phân thân của quyền sở hữu đất đai có lẽ cũng là nguyên nhân tồn tại của cái gọi là hai giá đất: giá đền bù và giá thị trường trong khi đó cái cần thiết nhất là giá trị thật lại vẫn mờ mịt đâu đó.

Quyền sở hữu toàn dân về đất đai sẽ là thứ “hư quyền” nếu không có chủ sở hữu cụ thể.

Chừng nào pháp luật vấn khiến người ta băn khoăn về câu chuyện sở hữu, vẫn để “tiền hậu bất nhất” về quy chế pháp lý của một mảnh đất xem nó là loại đất gì? vẫn đôi co về thẩm quyền thu hồi đất giữa các cấp chính quyền, vẫn loay hoay với việc chọn văn bản nào để áp dụng cho trường hợp cụ thể trong rừng luật văn bản pháp luật về đất đai ….thì rủi ro vẫn lơ lửng treo trên đầu của những người đáng lẽ ra phải là chủ thể đích thực của mảnh đất.

An toàn pháp lý: Không thể và có thể

Đất đai ở cái xứ sở này của ai? Điều này nhà nước phong kiến thời Lê đã giải quyết tương đối triệt để. Công điền và tư điền. Đất của nhà nước thì nhà nước có toàn quyền sử dụng như một nguồn lực để tồn tại và công cụ quan trọng để điều hành xã hội đảm bảo lợi ích chung. Đất của tư nhân thì họ tự do thực hiện ba quyền năng sử dụng, chiếm hữu và định đoạt trên nguyên tắc tự do của người này không ảnh hưởng đến tự do của người khác.

Đối với quyền sở hữu trong đó có sở hữu đất đai, pháp luật có nhiệm vụ vừa bảo vệ vừa vạch ra ranh giới cho quyền tự do sở hữu và lợi ích công cộng chứ pháp luật không đơn thuần chỉ phục vụ cho sự thuận lợi trong quản lý.

Một hệ thống pháp luật được coi là chính danh khi nó được kiến tạo bởi những giá trị và lợi ích chung. Nhưng mỗi cá nhân đôi khi lại hành xử bởi lợi ích riêng chi phối. Từ đó xung đột chung riêng dẫn đến sự rủi ro với ai đó là điều khó tránh khỏi. Vì lợi ích chung và giảm thiểu hậu quả của những rủi ro do pháp luật đem lại bằng các cơ chế khác nhau.

Thu hồi đất để phục vụ lợi ích công cộng phải hợp pháp và phải đến bù thỏa đáng cho chủ sở hữu. Hô hào để người dân moi vàng trong tủ ra để kinh doanh hay gửi ngân hàng phải kèm theo những khẳng định dứt khoát quyền sở hữu và cam kết bảo vệ tài sản của họ. Sinh ra các thủ tục và giấy phép phải đi kèm với sự minh bạch và trách nhiệm công vụ …Làm được điều đó sự an toàn pháp lý sẽ được thiết lập. Cao hơn thế nữa pháp luật phải “ suốt tới chỗ uyên thâm của sự vật” (Khổng Tử). Đó là ghi nhận các quy luật khách quan mà quyền sở hữu của tư nhân là một ví dụ.

TS. Đinh Thế Hưng

LTS Dân trí - Vụ rắc rối về câu chuyện thu hồi đất đai ở Tiên Lãng cũng như ở không ít địa phương khác (dù có khác nhau về mức độ) có nguyên nhân sâu xa từ sự bất cập của luật đất đai và hệ thống pháp luật nói chung chưa thể hiện được đầy đủ và cụ thể quyền tự do chính đáng của người dân, trong đó có quyền sở hữu tài sản thuộc về mình.

Đối với người nông dân, “nông vi bản”, thì đất đai là loại tài sản quan trọng nhất và thiết thân nhất. Muốn xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân thì điều quan trọng là phải giải quyết thỏa đáng vấn đề ruộng đất của người nông dân. Điều này không chỉ đúng trong giai đoạn cách mạng trước đây mà còn có tính thời sự trong giai đoạn hiện nay.

Việc sửa đổi Luật đất đai, cũng như các văn bản pháp luật có liên quan, là cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, vừa tạo ra động lực phát triển và tránh xảy ra những vụ kiện tụng, tranh chấp giữa người dân và chính quyền địa phương, điển hình như vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng gần đây.