Bạn đọc viết:

Tôi sẽ hành động như cách ông cha ta đã làm

(Dân trí) - Dù yêu hòa bình, nhưng tôi là con cháu của ông cha tôi, tôi sẽ hành động như cách ông cha tôi đã làm. Vì yêu hòa bình, tôi sẽ hành động như ông cha tôi. Lịch sử Việt Nam đã dạy tôi như thế, nền giáo dục Việt Nam dạy tôi như thế.

Trên mạng xã hội Facbook, giới trẻ đồng loạt thay avatar hình cờ Việt Nam
Trên mạng xã hội Facbook, giới trẻ đồng loạt thay avatar hình cờ Việt Nam
 
"Nếu xảy ra chiến tranh, cậu sẽ làm gì ?" - cô bạn thân hỏi khi chúng tôi để cập đến vụ Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng thềm lục địa Việt Nam. Ắt hẳn đó không chỉ là một câu hỏi bình thường, mà là câu hỏi tu từ. Câu hỏi đó có lẽ không cần 1 câu trả lời thật rõ ràng, cụ thể.

 

Cách đây 1 năm, nếu đặt ra vấn đề này có lẽ tôi cũng chưa mấy quan tâm vì tính tôi hơi… kiệm nghĩ. Tôi chẳng mấy để ý  tới những vấn đề mà tôi không hiểu, không nắm rõ, không ảnh hưởng ngay tức thì đến bản thân. Vậy mà có ngày như hôm nay, tôi cũng sôi sục khi các trang báo phủ kín những dòng tin ngày càng nóng bỏng và bầu không khí trở nên căng thẳng.

 

Tôi chỉ là một sinh viên “mọn”. Sự "mọn" ở đây không phải vì tôi tự cho mình là thấp cổ bé họng, mà là do kiến thức về chính trị còn hạn chế. Tôi phải tìm hiểu kỹ hơn mọi chuyện qua các kênh: phương tiện thông tin, nhận xét của nhà báo, phân tích của các chuyên gia… 

 

Trong khi theo tôi biết, nhiều người… lạ lắm! Họ hình như chỉ biết đến từ khóa "Trung Quốc xâm lấn đất Việt Nam" là đã: À, thế thì phải đánh, phải đánh chứ!... Rồi tức giận, căm phẫn… thể hiện qua những câu, những đoạn có khi thật dài trên các diễn đàn. Qua đó người khác đọc biết là họ sẵn sàng ra trận nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, rằng đó là những người yêu nước…

 

Nhưng cũng mong các bạn hãy nghĩ lại thêm… Cuộc sống hòa bình mà tôi đang hưởng, bạn đang hưởng, chúng ta đang hưởng, đâu dễ gì mà có được. Lịch sử của dân tộc ta đã gắn với bao cuộc chiến tranh, đó cũng chính là máu và nước mắt. Ông cha chúng ta đã hi sinh bao công sức, trí lực và cả tính mạng của bản thân để giành lấy và gìn giữ cuộc sống yên bình ngày hôm nay cho chúng ta. Cái giá của hòa bình vốn rất đắt, cái giá của hòa bình trên dải đất hình chữ S này có lẽ còn đắt gấp bội.

 

Tôi thì thật ra… sợ lắm. Tôi sợ một ngày nhìn thấy những con đường quen quen tôi thường đi… bỗng phủ đầy khói bụi và gạch ngói văng ra từ những căn nhà đổ nát… Tôi sợ một ngày phải chứng kiến những khung cảnh như tôi đã nhìn thấy qua TV ở các nước Trung Đông mới đây: Xác chết chất đống ngổn ngang, bà mẹ ôm trong vòng tay mình đứa con đã tắt thở, những dáng người co rúm lại nấp sau những bờ tường, góc phố, những binh sĩ bịt kín mặt lăm le súng đạn...

 

Tôi sợ tuột mất hòa bình!

 

Tôi có yêu nước không? Chắc chắn là tôi yêu nước. Nhưng tôi không yêu đất nước tôi bằng cách chỉ mới biết chưa rõ về một vấn đề, đã vội đặt tay lên bàn phím gõ liên tục những ngôn từ… nông cạn. Nào chê bai người khác nhát gan, rằng phải thế này, cần thế nọ... Và tóm lại là Đánh! Phải đánh!

 

Bạn có chắc nếu chiến ranh xảy ra, bạn sẽ cầm súng ra trận thay vì… ở lại nhà và…lo sợ?
 
Bạn có chắc chiến tranh là điều tốt nhất bạn nên chọn, thay cho những cuộc đàm phán vì hòa bình đang diễn ra?

 

Chẳng ai dễ dàng nhường nhịn dù chỉ một tấc đất TỔ QUỐC mình. Nhưng… quay lại câu hỏi mà cô bạn đã đặt ra với tôi. Nếu chiến tranh xảy ra, tôi sẽ làm gì ư? Tôi biết, dù yêu hòa bình nhưng tôi là con cháu của ông cha tôi, tôi sẽ hành động như cách ông cha tôi đã làm.

 

Thực chất, vì yêu hòa bình, nên tôi sẽ hành động như ông cha tôi. Lịch sử Việt Nam đã dạy tôi như thế, nền giáo dục Việt Nam đã dạy tôi như thế.

 

Nguyễn Hà My: hamyajc94@gmail.com 

(Lớp Xã Hội học K32, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)