Tinh giản “công chức cắp ô” - Khéo co thì ấm

(Dân trí) - Sôi sục mổ xẻ tỉ lệ công chức “cắp ô” cao hay thấp suốt năm qua, tuần đầu năm mới này đón tin vui về khả năng 70.000 công chức dôi dư đó sắp được tinh giản, dư luận vẫn bán tín bán nghi. Mong mỏi và hy vọng nhưng cũng còn nhiều băn khoăn...

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Từ ý tưởng tới thực tế

 

Các cụ ta xưa đã dạy: Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Đất nước còn nghèo, nhiều người dân còn khổ, vậy mà lực lượng cán bộ công nhân viên chức (CBCNVC) cứ ngày càng phình to ra khiến người dân càng oằn lưng bởi gánh thuế/phí càng nặng. Dư luận và báo chí lên tiếng mãi rồi cũng tới lúc thấy được tin vui. Nhưng mừng đấy mà vẫn thấp thỏm âu lo ấy bởi con đường từ ý tưởng tới thực tế xem ra còn nhiều cam go…

 

“Sáng ra được đọc những thông tin này thật là phấn khởi. Nhưng cũng phải nói rằng đây mới chỉ là nghị quyết được soạn ra trên giấy, chúng ta hãy cùng chờ và hi vọng: nếu làm được thì đây có lẽ cần gọi là "một cuộc cách mạng lớn" sẽ thúc đẩy đất nước VN phát triển đi lên” - Dang Tuan Minh:  dangminhtuanbob@yahoo.com

 

“Ý tưởng rất tốt, nếu thực hiện một cách nghiêm minh thì sẽ giảm rất nhiều tiền cho ngân khố. Nhưng liệu khi làm có thực hiện một cách công minh không? Hay khi đó hiện tượng chạy chọt, đút lót, hối lộ sẽ càng bùng phát cao hơn, để những người yếu kém vẫn được làm tiếp và ngược lại???” - Lưu Thanh Thủy:  davidbigzero@gmail.com

 

“Giảm được thì đỡ cho dân quá. Ngày xưa có lần giảm nhưng không những không giảm mà còn phình to hơn. Chính việc tách địa giới làm tăng phường xã, quận huyện... cũng làm tăng chi ngân sách vì phải tăng người hưởng lương đó!” - Trịnh Tân:  hoanghon_2_2007@yahoo.com

 

 “Người ta nói 30% công chức sớm cắp ô đi tối cắp về, theo tôi, không phải nói là hiện nay có khoảng 30% công chức không làm việc hoặc không có việc làm, mà phải hiểu là tình trạng chia việc ra để làm. Ví dụ, việc này chỉ cần 2 người làm nhưng cứ biên chế cho 3 người hoặc 4 người làm. Bộ phận này chỉ đáng 3 người làm nhưng vẫn giữ biên chế  4 hoặc 5 người làm, nên dẫn đến lãng phí. Việc chỉ cần 2 người làm thì không nên cho biên chế 3 hoặc 4 người làm. Trong bộ phận ấy nếu có nghỉ đi vài người thì công việc vẫn ổn. Tình trạng này hiện đang phổ biến ở tất cả các ngành và các cấp, do đó rất cần phải tinh giản và sắp xếp lại” - Quang Lê:  lequang306@gmail.com

 

“Cán bộ công chức làm ít việc hoặc không làm việc, ngồi chơ ixơi nước thì nhiều. Nếu so với doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì 3 người không làm bằng khối lượng công việc của 1 người. Rõ ràng rất lãng phí. Nhưng giảm ai, như thế nào thì phải xem xét kỹ, vì nếu không cẩn trọng sẽ có thể bị biến tướng thanh cuộc “thanh trừng nội bộ” - Vương Đinh Hưu:  Huudinhvuong@gnail.com

 

“Lại tăng con số thất nghiệp, tăng tệ nạn xã hội? Chính phủ nên giải bài toán thất nghiệp trước rồi hãy giảm biên. Năm 2014 DN tôi định giảm 30% từ đầu năm, nhưng nghĩ lại gần tết rồi cho họ nghỉ thấy tội và nhiều khi lại bị “ném đá” nên đành để sau tết cho nghỉ. Nay chính phủ công bố 70.000 thì đội quân thất nghiệp 2014 sẽ là bao nhiêu?” - Minh Tiến:  tienvpc@gmail.com

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

Cái lý, cái tình

 

Dân ủng hộ, hy vọng và chờ đợi. Nhưng cũng chính vì đã có nhiều bài học thực tiễn nên niềm tin vẫn rất dễ bị lung lay. Đặc biệt là lâu nay ở VN ta vẫn có câu: trăm cái lý có khi không bằng một tý cái tình...

 

“Nói thì hay, nhưng làm khó lắm. Làm sao lọc những công chức cắp ô, dù việc này hô hào từ lâu rồi. Khó nhất là con ông cháu cha (4C - COCC) làm chẳng được gì nhưng thủ trưởng vẫn đánh giá là xuất sắc, vậy dựa vào đánh giá để loại thì những người không được lòng sếp là bị loại chứ không phải những người không làm được việc. Nói ưu tiên cán bộ trẻ là đúng, nhưng còn những người lớn tuổi làm cả đời ở nhà nước rồi không lẽ đuổi việc họ? Rồi họ sẽ sống ra sao, đi xin việc khác ai nhận, đi lao động chận tay cũng không ai nhận vì đã có tuổi...” - Hue:  huebuon1999@gmail.com

 

 “Đọc thì thấy hay, rất tâm đắc, rất tươi sáng.... Cơ mà không biết làm thì thế nào? Khhông khéo thì vì quy định này mà những người làm được việc nhưng không phải 5C (“con cháu các cụ cả”) lại sợ. Vì có  đời nào giảm được diện 5C? Lại chỉ khổ những người làm việc chân chính. Khéo lại nảy sinh tiêu cực chạy chọt để giữ ghế. Hy vọng Chính phủ nói là làm và làm cho đúng, cho quyết liệt, cho ra làm” - Ước Trần:  ngocuoc.vov@gmail.com

 

““Rất đồng ý với ý kiến này ! Sau một thời gian quá dài, bộ máy "khổng lồ" biên chế đã nhuốm mầu đen, không còn trong sáng nữa, cũng không còn biết ai "cắp ô" và ai không "cắp ô". Các vị đứng đầu làm sao mà "soi" được những công chức vô dụng để loại họ khi trước đó đã… ngã giá rất "minh bạch" nhỉ? Nếu THỰC SỰ tinh giản biên chế thì đáng mừng. Nhưng qua bao lần "tinh giản" trước đây lại ngày càng làm đội ngũ công chức "phì đại" đến khủng khiếp, kèm theo đó là vấn nạn đút lót vào biên chế nhà nước cũng khủng khiếp đến không ngờ  (từ vài chục, vài trăm triệu tới tiền tỷ ?) Vậy lần này  liệu chính những người đứng đầu đơn vị có thật sự có năng lực và tài lực để đào thải những công chức "cắp ô" vô dụng không? Hay lại bị chính những công chức "đại ô" mua chuộc, bè cánh, để những người thực sự có năng lực lại bị loại bỏ (thanh trừng)? Đáp số cho việc "tinh giản" này còn ở phía trước, mong rằng đừng để nó biến tướng thành cơ hội vụ lợi tiếp cho các sếp nữa!” - LuongBTC:  luongbtc@yahoo.com.vn

 

“Không biết là công chức hay viên chức nào sẽ bị tinh giản…. Không biết số liệu 30% hay 1% công chức "cắp ô"? Không biết ai sẽ về và ai ở lại, khi người về có thể phần lớn là người tài hoặc ngược lại? Hơn nữa ở các cấp cao có làm đúng như vậy và làm mẫu hay không? Kiên quyết làm là đúng, nhân dân ủng hộ. Nhưng đụng đến vấn đề nhạy cảm này mong rằng đừng làm theo kiểu phong trào, áp đặt, chủ quan… Mà cần cẩn trọng, khách quan,  khoa học. Cần để phần lớn CBCC trong một tổ chức, đơn vị tự đánh giá CBCC. Cần có chế độ xác đáng, đầy đủ cho những người về, nhất là những người tự nguyện. Được vậy thì nhân dân rất mong đợi và ủng hộ” -  Dung:  dung@gmail.com

 

Dẫu sao cũng là thông tin hứa hẹn thay đổi tích cực, vẫn rất đáng mừng! Có làm tốt được hay không có lẽ nằm ở 2 chữ "Khéo co" nhưng sao cho minh bạch, đúng đắn... theo kinh nghiệm của các cụ ta xưa. Lại là bài toán rất khó!
 

Kiều Anh