Bạn đọc viết:
Tiếng rao thời @
(Dân trí) - Đêm sắp qua, ta vẫn thao thức. Canh hai rồi lại canh ba, giấc ngủ của ta đâu? Nghe tiếng mưa rơi, những giọt mưa tí tách va đập vào mái hiên nhà tạo thành một bản nhạc vô đề, không giai điệu, không bố cục. Chợt nhận ra Thu đã về tự bao giờ…
Thu rơi xuống mái nhà của những kỷ niệm. Thu luồn qua khung cửa sổ khép hờ. Thu lay động cành bưởi oằn mình vì quả sai nặng trĩu. Thu nhả những hạt mưa trên lá, trên cành cây. Những quả bưởi vàng ươm ngóng đợi Tết Trung thu về để được điểm tô bên cạnh đèn ông sao, đèn kéo quân, để được đua hương cùng bánh nướng, bánh dẻo...
Bất chợt, hồn thu bị xé rách bởi tiếng rao đêm.
"Ai bánh nếp, bánh tẻ nào !"
Cái tiếng rao vô tình hay hữu ý lôi ta khỏi những mơ mộng bung lung. Cái tiếng rao được ghi sẵn phát ra từ chiếc loa, không não nề, mời chào, vô tri, vô giác. Tiếng rao lặp đi lặp lại, không mệt mỏi theo vòng quay của đĩa CD cài trong ổ cứng.
Tiếng rao thời @ !
Thế rồi ta bật dậy vì dư âm của hàng chục tiếng rao ban ngày vang vọng, vô cảm mà chói tai.
"Ai tivi, tủ lạnh, bàn là hỏng bán đi !"
"Báo mới đây ! Báo Công an Nhân dân đưa tin vụ xe tải đấu đầu xe khách làm hai người chết và ít nhất mười người bị thương. Báo An ninh thủ đô mô tả chi tiết vụ con rể đâm chết bố vợ…"
Các tiếng rao dù là giọng đàn ông hay giọng đàn bà đều được ghi lại, vô hồn, giống nhau đến mức khi nghe quá nhiều ta sẽ bị mất phương hướng, để rồi tự rơi vào một thế giới của cảm xúc hụt hẫng, đôi khi hờn giận.
Ta chơi vơi bấu níu vào những tiếng rao của thời thơ ấu. Tiếng rao của các chị, các cô, các bà bán hàng rong. Những con người không quá bon chen vói cuộc sống mặc dù trên vai họ là gánh nặng phải lo miếng cơm manh áo cho cả một gia đình. Đơn giản chỉ là gánh cốm xanh, vài nải chuối, những chiếc bánh bao, rổ xôi lạc vừng…
Đâu rồi những tiếng rao đầy âm sắc, khi trầm, khi bổng, khi luyến láy mời chào? Chỉ nghe thoáng qua cái âm sắc đó, ta có thể biết người bán hàng ở độ tuổi nào, chào bán gì. Thậm chí, nghe tiếng rao ta có thể đoán được tâm trạng của người bán hàng. Ta có thể cảm thông với đôi vai mòn vết đòn gánh, đôi chân chai lỳ tần tảo lê dép từ làng này sang làng kia, từ phố nhỏ đến phố lớn. Những bàn chân dừng lại bên cửa sổ đầy hương bưởi của ta. Hồi đó gốc bưởi của ta và con đường làng không có bức tường gạch ngăn cách.
"Tào phớ ớ… ! Ai Tào phớ ớ nào…. Tào phớ nóng đây cháu ơi !"
Chỉ cần chìa tay qua cửa sổ đón bát tào phớ là trong ta đầy ắp niềm vui. Bác bán tào phớ không vội vã, ngả nón nhìn những trái bưởi sai trĩu cành.
"Sắp Trung thu rồi, bưởi đẹp thế này bán chạy lắm đấy !"
Lúc đó ta chỉ muốn trèo lên cây, hái tặng bác vài quả. Bác nhìn ta nói: Bác có cậu con trai, trông cũng trắng trẻo (như con gái) thông minh và bằng tuổi ta, nhưng chỉ học hết cấp hai rồi đi làm nghề thu mua sắt vụn. Bác vui vì kiếm sống đủ ăn. Còn ta chỉ muốn ngày nào bác cũng qua xóm nhỏ Tăng Tiền này, nhưng bác nói còn bao nhiêu làng xóm khác, bác chỉ đến xóm tôi hai tuần một lần.
Bác vừa nhấc chiếc nón khỏi đầu, một búi tóc óng mượt xổ tung. Tôi đã từng ước ao có mớ tóc dài để được gội đầu hương bưởi, hương bồ kết, hương sả ! Tôi cũng đã từng mơ trở thành một ca sỹ hay nhà văn, nhà thơ để được thả mình với giọng ca, cây đàn hay cây bút bất cứ khi nào. Ông "Bụt" đã nặn tôi không giống như tôi mong đợi !
"Chị em lào bán tóc không ? Ai bán tóc lào ?"
Tiếng rao thời @ ngọng níu, ngọng no làm tôi thêm bực bội !
Thời @ con người dám và sẽ bán tất cả những gì mình có. Đồ cũ, đồ mới. Họ rao bán cả mớ tóc trời cho, rồi liệu họ sẽ nghĩ đến việc bán cả những bộ phận cơ thể?
Ta xúc động khi đọc bài về em gái vừa thi đủ điểm vào phổ thông trung học, nhưng không đủ tiền đóng học phí nên đã phải bán bộ tóc dài với giá năm trăm nghìn đồng. Em cũng không sử dụng hết cho riêng mình số tiền bán tóc, mà còn dành một phần mua sách vở cho cậu em trai.
Ta mường tượng mái tóc của bác bán tào phớ năm xưa (bác còn sống hay đã vĩnh biệt cõi trần gian ?) sẽ được trả giá bao nhiêu. Hình ảnh bác ngồi phệt dưới đất với mái tóc dài quấn quanh gốc bưởi sẵn sàng "xuống tóc" để có thêm tiền tiêu hàng ngày cào xé lòng ta. Cô mua tóc rong chuẩn bị thực hiện hợp đồng với cặp kéo nhọn sắc trong tay. Điêu luyện, chuyên nghiệp, chỉ trong nháy mắt cô đã thu trọn bộ tóc dài cả mét tống gọn vào túi nilon.
Hỡi ơi, nón nào có thể che hết mái tóc lởm chởm còn lại của bác ? Tiền nào có thể bù đắp sự trống rỗng và hẫng hụt khi phải bán cái "nữ tính" của một người đàn bà ? Chỉ có sự cam chịu muôn vàn khó khăn và xoay xở sao có đủ tiền sống qua ngày.
Ta mở tung cửa sổ, muốn mơn trớn những trái bưởi sắp chín vàng. Ta có cảm giác mình cũng đang bấu níu vào cành bưởi mảnh mai kia. Cái gió heo may gần về sáng se lạnh. Mắt thu buồn man mác.
Ta đang bấu níu vào thu, cố ngoảnh lại nhìn những mùa thu đã qua. Ta nhắm mắt hít một hơi dài tận hưởng cái hương nhụy, lá sen hòa quyện tinh tế với những hạt cốm Vòng xanh ngắt. Hạt mưa ngâu bay bay đậu lên mi mắt ướt mềm.
"Ai cốm non đầu mùa đây..."
Đào Phi Cường