Tiếng nói giáo viên về lạm thu: “Có ở trong chăn mới biết…”

(Dân trí) - “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, song tình cảm vốn dĩ thiêng liêng và trong sáng đó thời nay đã và đang khiến đại đa số bậc cha mẹ học sinh lại... bạc mặt. Nói cách khác là đành phải cắn răng mà yêu thầy/cô theo cách chắc lại “chỉ có ở VN”.

(minh họa, nguồn: Lao Động)

(minh họa, nguồn: Lao Động)
 

Trách ai...

 

Nhìn chung có lẽ thời buổi kinh tế thị trường này, cái gì cũng có thể quy được ra tiền được. Mà đầu tư cho con cái chính là khoản đầu tư quan trọng nhất trong cuộc đời bao con người, bởi thế thời nay bậc cha mẹ nào mà chẳng dồn hết tâm sức lo cho chuyện học hành, cũng là lo cho con đường tương lai của thế hệ sau. Như vậy, ai dám tiếc tiền vì con cái chứ!

 

Có thể lúc đầu một số phụ huynh học sinh (PHHS) cũng chỉ muốn chứng tỏ lòng mình bằng cách thiết thực hơn để cảm công ơn các thày cô dạy dỗ con cái họ (thay vì tặng hoa, tặng cam…để rồi sau ngày lễ các thầy cô lại phải nhờ hàng xóm, bạn bè tới giúp… khuân bớt đi hộ). Thế là từ những món quà nho nhỏ như chiếc áo len, bộ áo dài, hộp mỹ phẩm… (mà nhiều khi  lại không hợp ý người dùng và đưa tặng cũng bất tiện), dần dà quà cáp ngày càng được vật chất hóa thành “phong bì” cho tiện dụng. Để rồi cái ruột của những chiếc phong bì đó cứ ngày càng phải “nặng ký”, bởi cuộc ganh đua cho con cái vào những nào là trường điểm, trường chuyên, lớp chọn, lớp chất lượng cao…ngày càng quyết liệt. Thế mới hay đâu phải chỉ có thương trường mới như chiến trường, mà “cuộc chiến” trên “trường đầu tư” cho con cái cũng vô vàn đường gian khổ.

 

Để tới lúc này có lẽ hàng triệu bậc PHHS trên cả nước đều đã thấu hiểu những gì chất chứa, dồn nén bấy lâu nay phía sau “lời kêu cứu” của Nga Phung ngoisaomuadong28@yahoo.com.vn:

 

“Phụ huynh đang kêu cứu. Tất cả đều bị đóng góp “tự nguyện”. Chúng tôi đang ngày càng oằn lưng vì các khoản thu phí “tự nguyện” của các nhà trường, mà không đóng thì không được. Bộ GDĐT ơi, cứu chúng tôi với!”

 

Đồng thời cái khoảng cách xem ra đã quá lớn giữa nhiều nhà giáo hôm nay với đại đa số các thầy cô xưa vô cùng đáng kính của những thế hệ trước, cũng buộc nhiều PHHS không thể không lên tiếng, không đặt câu hỏi chất vấn:

 

“Giáo dục VN mãi vẫn thế, vậy thì chúng ta nên xem lại toàn bộ hệ thống quản lý xem sao... Không lẽ cần mời các nước Bắc Âu (nổi tiếng về sự minh bạch) đấu thầu dự án quản lý mới cho VN? Các bạn đừng vội phản đối tôi, nếu thu nhập gia đình các bạn dưới mức 30 triệu/tháng (tại các TP lớn), bạn sẽ thấy vẫn phải khó chịu như thế nào trong mối quan hệ với trường/cô giáo. Mỗi tháng đóng vài triệu, lễ tết quanh năm, chạy trường chạy lớp cũng vài chục triệu. Thu nhập 9 triệu đã phải đóng thuế, vậy thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu/tháng “ngoài luồng” của các giáo viên tại các trường điểm ở HN/SG có phải đóng thuế không?” - Mầm non:  4vn@gmail.com

 

“Tiền thì thu nhiều thế, mà nhiều giáo viên ở các TP vẫn kêu ca lương giáo viên thấp là sao nhỉ” - Tuyet:  sakua210192@gmail.com

 

“Ngành Giáo dục VN rõ ràng vẫn đang tận thu tiền HS từ túi PHHS… Ai nói ngành giáo dục VN nghèo? (Chắc chỉ đúng với vùng sâu vùng xa và nhiều vùng nông thôn nghèo mà thôi). Ở các TP, thầy cô dạy thêm 1 tiết học thường là từ 50.000đ – 80.000 đ hoặc hơn, nhân lên với số HS thì thử làm phép tính coi một tháng thu nhập thêm được bao nhiêu? Lương bổng nhà nước chu cấp chế độ đầy đủ, vậy tại sao lại than nghèo, kêu khổ… Sao khổ bằng các PHHS là công nhân lao động mỗi tháng chỉ có 4 triệu đồng hoặc ít hơn kia, mà họ còn không được Nhà nước chăm lo như với các thầy cô đâu. Đã vậy vì thương con mà họ còn bị nhà trường nói riêng và ngành giáo dục VN nói chung tận thu từng đồng bạc đó. Các vị trong ngành giáo dục có nghĩ cho PHHS?” - Hai  hai.6768@yahoo.com.vn

 

“Tôi thấy giáo viên  họ cứ kêu lương thấp, chứ thực ra không hề thấp (nhất là tại các thành phố). Bây giờ phải nói là ngành giáo dục đang lạm thu các khoản từ PHHS. Ví dụ như chỉ cần về trường tiểu học Bảo Đài, Lục Nam, Bắc Giang các bạn sẽ đọc được khoản thu đề chữ “PHHS tự nguyện” rất nhiều. Nếu không đóng thì sợ con em mình bị trù dập, nhưng nếu đóng thì những người nông dân không có thu nhập chỉ trông vào mấy sào ruộng như chúng tôi biết lấy đâu ra. Nếu cứ để tình trạng này xảy ra mãi, có lẽ con em chung tôi thất học hết” – Nguyen Huan:  ngyentuan916@yahoo.com.vn
 
Tất cả vì tương lai con em chúng ta (ảnh minh họa: L.Q.V, nguồn: Lao Động)
Tất cả vì tương lai con em chúng ta (ảnh minh họa: L.Q.V, nguồn: Lao Động)
 

Ai trách...

 

Những lời kêu ca của PHHS về lạm thu tiền trường, chuyện HS đã quá tải hết mức rồi mà vẫn bị “nhồi” thêm nào ngoại ngữ, nào tin học, võ, vẽ…nếu có thể tích lại chắc đã cao như núi, dài như sông. Còn từ phía các nhà trường, nhất là giáo viên thì sao?

 

Chắc chắn càng những người có thu nhập “khủng” càng chẳng dại gì “vạch áo cho người xem lưng” dù cách sống, cách chi tiêu và cả… đầu tư của họ nữa không thể qua mặt được tất cả PHHS cũng như người dân nói chung. Có lẽ vì thế mà lên tiếng phản bác PHHS lại là các thầy cô khác – những người có lẽ… cứ phải thu mà chẳng được chi (như họ “bật mí”). Và đúng là “có ở trong chăn mới biết…” những gì ẩn chứa phía sau các khoản tiền lạm thu này.

 

“Có 1 số giáo viên lạm dụng việc dạy và học thêm, nhưng xin đừng trách giáo viên về vấn đề lạm thu. Hãy trách Hiệu trưởng đã chủ trương lạm thu, trách sở GDĐT bao che, trách Bộ GDĐT không kiểm tra, giám sát. Và trách ban Đại diện phụ huynh học sinh… bù nhìn” - Hà Minh:  ast@gmail.com

 

“Kêu là việc của phụ huynh, còn thu là việc của chúng tôi, không liên quan tới nhau mà. Nên pà con cứ kêu thỏa mái. Còn vấn đề thu để làm gì, cứ hỏi thử các vị Hiệu trưởng là biết liền. Chứ còn các bác bên trên ngồi cao, tôi nghĩ là họ đâu có thời gian giải quyết mấy việc đó vì "Chúng tôi còn nhiều việc phải làm hơn". Cũng tội cho GV cứ phải thu mà chẳng được chi” - Bach ma:  paka814@gmail.com

 

“Xin lỗi quý vị! Giáo viên không xơ múi gì tiền của PHHS đóng góp đâu. Như tôi dạy hết giờ thì về nên không nhận gì thêm ngoài đồng lương của mình. Con tôi đi học, mọi người đóng sao tôi đóng vậy. Hãy hỏi Ban Chấp hành Hội CMHS của trường dùng tiền đóng góp của Phụ huynh làm những gì thì hay hơn, đừng đụng chạm đến số đông Giáo viên có lương tháng!” - Tuanpro:  dichvuemail01@yahoo.com

 

“Thật khốn khổ cho các GV giảng dạy trực tiếp, vì chưa chắc họ đã được hưởng bất kỳ đồng nào trong các khoản thu của PHHS. Hiện nay hình thức “xã hội hóa giáo dục” hình như bị nhiều nhà trường (thậm chí ngay cả Bộ GDĐT) cũng hiểu sai đi thì phải? Vì tôi thấy có vẻ như họ cứ cho rằng PHHS đóng góp cũng là XH hóa GD, nên dẫn đến lạm thu theo kiểu “tự nguyện”? Nếu hỏi PHHS có tự nguyện không thì chắc chắn 100% chẳng ai tự nguyện cả, nhưng vì con cái nên cực chẳng đã đành nghiến răng “tự nguyện” thôi. Không biết bao giờ cơ chế chính sách hay các văn bản pháp luật về GD mới hoàn thiện đây? Chứ đến trong trường học mà cũng còn có nhiều tiêu cực, tham nhũng thế này thì hỏi “trẻ em hôm nay – thế giới ngày mai” sẽ ra sao, khi chính những người dạy dỗ con trẻ còn tiêu cực nhiều như thế? Quá là không ổn. Chúng tôi nghĩ: để tình trạng này xảy ra là trách nhiệm chính của lãnh đạo ngành GDĐT vì đã không làm tốt công việc theo chức trách được giao”- Nam Nguyen Vu:  Namlien1973@gmail.com

 

“Thật oan cho những trường vùng sâu vùng xa. Như trường tôi đây chỉ mong PHHS đóng cho được tiền BHYT cho con mình thôi để khỏi phải trừ điểm thi đua, mà còn khó nữa là. Nhìn các khoản các trường khác đóng góp mà càng… ngán ngẩm với phụ huynh trường mình...” - Thanh Hồng:  thanhhong@gmail.com

 

“Các pác ơi ! Trường có lạm thu thì GV cũng không được hưởng đâu.  Các bác có biết  thầy cô giáo nào thu các khoản nộp của HS chậm thì bị nhà trường" chê" và nhắc nhở hay không? Càng không thu các khoản từ HS thì GV càng khỏe đấy. Trường nào thu thêm tiền từ PHHS để trả lương cho GV hợp đồng hay chi cho GV thì cứ... cạo đầu HT trường đó và đưa lên Thiếu Lâm Tự. Nhà tôi có người làm GV nên khi đọc những dòng nhận xét trên, tôi cảm thấy còn nhiều người chưa hiểu hết nổi khổ của GV về cái khoản đóng góp của HS. Tôi đề nghị Bộ GDĐT nên quy định các trường không được thu bất kỳ khoản nào từ HS. Kinh phí hoạt động phong trào nên chi từ ngân sách (trường trình xin cấp trên); kinh phí cho thi đua, khen thưởng thì trích từ quỹ khuyến học, khuyến tài (cấp xã, huyện). BHTN, BHYT thì người dân nên tự nguyện” - Mai Quý Hà:  quyha09@yahoo.com.vn

 

“Tôi cũng là một giáo viên trong ngành. Tôi thấy mọi người chỉ biết nhìn nhận một phía thì làm sao hiểu hết được. Không phải ở đâu, trường nào, giáo viên nào cũng như vậy đâu. Chúng tôi cũng chỉ là những người lao động như tất cả mọi người thôi. Có thu cũng chỉ là thu cho Ban Giám hiệu, chứ bản thân chúng tôi chẳng được gì cả. Một tháng lương được 2,7 triệu đồng, không bằng những người làm nghề tự do nhưng lại bị đủ áp lực. Phụ huynh đóng tiền thì kêu, nhưng chúng tôi không phải là người được hưởng đâu. Mọi người có hiểu không? Có chăng chỉ vào túi các sếp mà thôi” - Phạm Thảo:  thaopham@gmail.com

 

“Mình là giáo viên và không hiểu điều gì đã khiến cho các vị có cái suy nghĩ là "lạm thu" nhằm phục vụ cho giáo viên? Như thế là các vị phiến diện và không có cái nhìn toàn diện về vấn đề, rồi chụp mũ. Nếu GV mà là một nghề ngon lành về mặt kinh tế như thế, có nhiều cơ hội "đào mỏ" như thế, hỏi tại sao giờ >50% số GV không muốn lựa chọn lại "nghề cao quý" của mình? Các vị cứ thử làm GV một lần đi rồi biết” - Bùi Xuân Chung:  chungbuitriduc@gmail.com

 

“Giáo viên là người mệt nhất, phải đứng mũi chịu sào thu tiền PHHS nộp trường. Họ không được cái gì, chịu phê bình khiển trách nếu không thu đúng, thu đủ. Người hưởng lợi ở đây là Ban Giám hiệu và Phòng, sở GD kia. Nhưng hầu như ít có phụ huynh hiểu điều này, bức xúc cứ đổ hết vào đầu GV” - ABC:  abc@yahoo.com

 

“Các bác ơi, kêu lắm cũng vậy thôi. Nếu tất cả các khoản thu đều được cộng vào học phí thì giảm ngay số tiền PHHS đóng góp đó mà. Lý do: Đã đưa vào học phí thì phải chi tiêu minh bạch hơn. Phần nữa, thực chất các khoản thu cứ đổ lên đầu giáo viên nhưng thực chất giáo viên đứng lớp chẳng có gì đâu. Tất tần tật là ở Hiệu trưởng hết. Mà Hiệu trưởng có được thì hiệu phó, kế toán và thủ quỹ cũng được hưởng theo thôi. Các bác không biết đó thôi, chứ như tôi biết thì ở nhiều trường kế toán, thủ quỹ riêng “công tác”… hợp thức chứng từ cho Hiệu trưởng đã mệt lắm rồi” - Ngô Văn Tèo:  lehuuduc2000@gmail.com

 

“Tôi là một giáo viên, cũng có con đi học mẫu giáo. Tôi cũng thấy rất bức xúc với những khoản thu của các trường, nhất là các trường mầm non và tiểu học. Nhưng có ai biết những giáo viên chúng tôi được gì trong các khoản thu ấy. Có lẽ nhiều nhất là 50.000đ - 100.000đ ngày 20/11, ngày Tết. Thử hỏi còn cơ quan nào có khoản tiền thưởng “cao” như thế trong ngày trọng đại của mình không?” - Thao Giao: nguoidan@yahoo.com.vn

 

“Các bác lắm ý kiến ý cò quá, nhưng xem ra cũng chả vào đâu cả. Các bác đừng đổ lỗi cho giáo viên. Em đây cũng giáo viên chính hiệu 30 năm trong nghề rồi. Ngoài đồng lương hàng tháng của nhà nước ra, em cũng có được thêm đồng nào đâu. Thế nhưng năm nào cũng là giáo viên phải thu: thu các khoản chi tiêu trong trường, thu giùm quỹ phụ huynh của lớp, của trường…. huhuhu… rồi nộp cho Ban Giám hiệu nhà trường chứ được tiêu đấy sao mà các bác cứ kêu là giáo viên thu. Mà thu thì phụ huynh kí tên hẳn hoi chứ. Thu rồi BGH chi tiêu thế nào thì chỉ có BGH biết, có bao giờ công khai cho GV biết đâu. GV kêu hả, bị "đì" ngay, sang năm cho đi vùng sâu vùng xa nhá. Mới đầu GV còn kêu, nhưng rồi chả ai dám kêu vì sợ BGH trù úm. Em đây cũng chịu không nổi nên về hưu sớm rồi. Các bác cứ lên BGH mà kêu nhé, chứ kêu thế này chẳng an nhằm gì đâu” -  Vũ Thị Mỵ:  Amy_hg2909@yahoo.com

 

“Các bạn đọc yêu Dân trí hãy nhìn lại cách nhìn của mình. Tôi là giáo viên vùng 135, hàng năm đóng đủ các các loại quỹ cho mình, cho con. Đặc biệt là thu cũng rất nhiều nhưng là thu không công thôi, thực tế GV có đồng nào đâu, vào "thủ lĩnh" hết đấy. GV không những không được phần mà còn phải đóng thêm ấy. Nếu làm sai, trái ý và có ý kiến là bị TRÙ chết liền. Ở trường mình còn công khai tài chính không hóa đơn, đơn giản 1 năm ngân sách 8 tỉ thì chi lương 5 tỉ, còn lại chi phí khác ai biết. Ôi…” – bạn đọc có email:  doladolamy@gmail.com

 

“Xin mọi người tìm hiểu kĩ càng trước khi… hét toáng lên thế. Tôi là một GV dạy tiểu học, công việc cũng nhiều lắm so với đồng luơng nhà nước hiện nay. Chúng tôi cũng rất mệt khi phải kêu gọi đóng góp "cho trường" !!! Toàn bộ tiền thu đấy chúng tôi cũng phải nộp lại cho văn phòng hành chính (cụ thể là kế toán) ... Xong . Chúng tôi chỉ biết phải thực hiện nhiện vụ thôi… nhưng lại là gương mặt cụ thể để các PH phê phán. Còn ai chi tiêu việc gì tiền PHHS  thì xin các anh chị hỏi thẳng… "Vua của Trường" ạ” - Kieu Vy: Kieuvy2006@yahoo.com

 

“Đừng đổ lỗi cho thầy cô. Nếu có lỗi thì đó chính là người quản lý hay đúng ra là Hiệu trưởng. Nếu Hiệu trưởng không ra lệnh thu, đố giáo viên nào dám thu. Còn giáo viên thì được lợi bao nhiêu trong đó đâu, nếu có chỉ một nhóm lợi ích nào đó thôi. Phòng GD thì chắc là “sợ” Hiệu trưởng nên làm ngơ và chỉ chịu xử lý khi báo chí vào cuộc thôi. Theo tôi, muốn nạn lạm thu chấm dứt thì dẹp bớt những cuộc thi, những chỉ tiêu không cần thiết mà tập trung vào việc dạy chữ và dạy người.Cứ nay thi chữ đẹp, hôm sau thi vi tính ...nhưng thực ra chỉ là hình thức, còn chất thì ra sao ai chẳng biết… Cứ như vậy  làm sao có thời gian nâng cao chất lượng giáo dục và kinh phí đâu mà thực hiện? Đành lạm thu dưới vỏ bọc xã hội hóa giáo dục thôi” - Chuot 66:  chuot66@yahoo.com

 

“Tôi cũng là một GV THCS. Đúng là đầu năm có rất nhiều khoản phải đóng góp, nhưng chúng tôi chỉ là người thu hộ không biết một đồng. Nếu các bác thấy “béo bở” như vậy, tại sao không cho con em mình thi Sư phạm nhỉ?” - Hoàng Thị Nga:  tienngahh@gmail.com

 

“Theo tôi, trong vấn đề này cần xử lý Hiệu trưởng các trường, vì Hiệu trưởng không chỉ đạo thì giáo viên nào dám thu tiền của học sinh. Không biết cán bộ Bộ GDĐT hàng ngày có đọc báo xem xã hội nói tốt hay xấu về Bộ không để còn tham mưu cho lãnh đạo Bộ? Bắt phụ huynh viết giấy “tự nguyện” đóng góp cho trường có khác gì bức bách trắng trợn không?... Thật thất vọng với vai trò của ngành giáo dục hiện nay!” – Buc xuc:  nguyenphuongque07@gmail.com

 

“Thầy cô họ chỉ làm theo Ban Giám hiệu thôi, ai dám cãi nào. Nhà tôi có người là cô giáo (mẹ đẻ, mẹ chồng, chị dâu đều là cô giáo) nên tôi hiểu qua những câu chuyện họ kể mà. Không làm theo mà cãi lại là mất điểm thi đua, bị trù dập rồi còn nhiều thứ lắm các bác ạ. Họ chỉ thu hộ thôi chứ họ chỉ được hưởng có 40% tiền đứng lớp là tiền thu từ khoản học phí của học sinh thôi, còn các khoản kia họ không được gì cả. Thậm chí nhà trường dùng vào việc gì, họ cũng đâu có được bàn?!” – Ngoc Quy:  ngocquycic@gmail.com

 

“Theo tôi được biết, tiền thu về thì đến 50% là vào tay Hiệu trưởng và kế toán, còn giáo viên thì được bao nhiêu đâu… Tiền nhà nước cho thì vào Sở và phòng GD gần hết, trường được gì nữa. Mà còn chuyện mấy cán bộ Phòng “ăn” cả tiền đứng lớp của GV đó nữa chứ. Thế sao mà họ không làm hỏng nền GD vốn tốt đẹp của Việt Nam ta chứ” - Valentino:  valentino1786@yahoo.com

 

“Tôi cũng là GV dạy ở một thị trấn nhỏ thôi, khi đọc những bình luận của các bạn tôi thấy buồn cho cái nghề của mình quá. Thật ra cứ nói GV thế này thế kia là không đúng đâu, chúng tôi cũng chỉ làm theo lệnh của hiệu trưởng, còn chẳng có được một tí nào trong đó đâu. HT nghĩ ra đủ các khoản thu trá hình. VD như trước đây phải đóng XD theo quy định, nay XHH miễn xây dựng thì lại có cái khoản gọi là ủng hộ cơ sở vật chất. Chúng tôi không thu không được, vì cuộc họp nào chúng tôi cũng bị bêu dương: nào thì hạ thi đua, nào thì không thu được thì bỏ tiền túi ra mà trả.

 

Con em chúng tôi cũng đi học, cũng bức xúc lắm chứ. Nhưng nói ra thì chẳng phải đầu cũng phải tai. Cũng mong các bậc phụ huynh thẳng thắn, mạnh dạn đưa ra ý kiến để thay đổi. Chứ cứ như thế này chúng tôi cũng mang tiếng lắm. Ai biết đấy là đâu, phụ huynh họ chỉ biết chúng tôi là người thu tiền thôi. Còn ai là người được lợi thì chắc phải làm thẳng và mạnh tay mới thấy được . Nhưng chúng tôi cũng thấy mất niềm tin vào những thông tư với chỉ thị lắm rồi, toàn hô hào thôi chứ có ai thực hiện đâu. Đâu rồi lại vào đấy cả thôi mà” – Linh Linh:  chedangts@gmail.com

 

“Tôi thấy các bác nói cũng rất đúng, nhưng các bác có nghĩ rằng các khoản thu đó thực hiện theo ý kiến của BGH, giáo viên chủ nhiệm chỉ thực hiện theo ý kiếm cấp trên thôi. Thực ra rất nhiều giáo viên cũng rất ngại khi nói đến chuyện tiền bạc, nhưng dưới áp lực của BGH thì phải chuyển tải đến phụ huynh thôi. Theo tôi, cách hiệu quả nhất là nên nâng cao tính trách nhiệm, quyền hạn của hội phu huynh học sinh trong trường. Chọn những người có kinh nghiệm trong quản lý nhà nước, có tâm trong sáng để bảo vệ quyền lợi của phụ huynh và học sinh” -  Nguyễn Công Danh: congdanh@gmail.com

 

“Thu đâu phải là do giáo viên tự ý thu. Ai phê phán GV là chưa hiểu rõ. Chúng tôi chỉ là người làm theo lệnh, có gì thì cứ hỏi ở trên, tại sao lại nghĩ là thu thì giáo viên có lợi? Tôi làm GV 10 năm nay, chưa bao giờ hưởng gì từ việc thu của PH. Mới 2 năm nay chúng tôi có 1 năm khoảng 50-70 ngàn đồng tiền phần trăm học phí thôi. Dù đói nhưng chúng tôi cũng có những người không làm trái lương tâm đâu. Mong mọi người nói thì suy nghĩ kỹ hơn!...” – Mong Quynh:  mongquynh@yahoo.com.vn

 

“Các bạn chỉ biết kêu là giáo viên thu nhiều tiền của học sinh, các bạn tưởng là giáo viên họ thu những khoản tiền đó cho mình hay sao? Phải thu những khoản tiền đó, họ cũng khổ lắm chứ. Còn nói về việc họ tham nhũng các khoản thu đó ư? Không bao giờ có cơ hội đó đâu, công bằng mà nói thì họ ở vào thế "trên đe, dưới búa" mà thôi” -  Pham Truong: phamtruongtt1@yahoo.com

 

“Tất cả các bạn nói đều đúng đấy, tôi kế toán 1 trường đây. Chị em chúng tôi thường nói với nhau: Nếu tất cả tiền ngân sách nhà nước cấp về cho các trường mà sử dụng đúng thì HS và GV rất là "sung sướng". Nhưng chúng tôi phải chia 5 sẻ 7 từ PGD đến KB, chỗ nào giao dịch về tài chính đều phải  có thủ tục “đầu tiên”, không thì cứ… nằm đó. Cấp quản lý nhà nước ở xa quá, có kêu cũng không thấu, nên “khổ lắm, nói mãi… cũng thế thôi” - Ngô Tuyết:  tuyet@yahoo.com

 

“Tôi là một GV tiểu học, đọc bình luận của bạn đọc mà tôi thấy xót xa quá. Chúng tôi là giáo viên quèn, nhà trường chỉ đạo sao thì chúng tôi phải làm theo vậy thôi chứ ai dám to gan mà chống lại? Các khoản thu ấy chúng tôi chỉ biết thu của HS rồi nộp đủ về nhà trường, nhà trường chi gì là quyền của họ, làm gì chúng tôi đâu có biết. Hàng tháng chúng tôi chỉ có đồng lương thôi ạ, ngoài ra chẳng có thêm 1 xu 1 xèng nào khác đâu ạ.  1 buổi chiều dạy thêm 3 tiết chúng tôi được trả tận 48.000 (bốn mươi tám nghìn đồng chẵn) đấy ạ? Bạn đọc thấy có cao không ạ? Bạn đọc nói chung "các thầy cô" thế thật oan cho giáo viên quèn chúng tôi quá” - Trương Thị Mai:  maitienmaitien@yahoo.com.vn

 

“Việc lạm thu của các trường mà quy trách nhiệm cho giáo viên cũng không đúng. Thực tế ở đây là do chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường, Không biết các vị trên Bộ không biết hay cố tình không biết để xử lý việc lạm thu? Trong lúc cả xã hội ai cũng biết, ai cũng kêu, nhưng các vị giới chức cứ làm ngơ thì làm sao mang lại lòng tin cho dân. Đề nghị Đảng, Chính phủ có biện pháp mạnh, chỉ đạo Bộ GDĐT phải thực thi để chấn chỉnh những cấp dưới làm sai. Có vậy mới đem lại lòng tin cho nhân dân về lĩnh vực GD được” -  Lê Hoàng:  longvietid@yahoo.com

 
Tất cả vì tương lai con em chúng ta (ảnh minh họa: L.Q.V, nguồn: Lao Động)
 
Đầu năm học, các bậc phụ huynh lại đau đầu vì đủ loại tiền đóng góp "tự nguyện" (ảnh minh họa: vtv6.com.vn)
 

Hãy đợi đấy!!!
 
Trách người thì dễ, tự trách mình mới khó. Không chỉ trong việc lạm thu, mà ở hầu như mọi khía cạnh dẫn tới thực trạng ngành giáo dục VN  như hiện nay chắc cũng đều có phần lỗi của tất cả chúng ta đó. Đó là vì sao trước những việc làm sai trái rõ ràng như vậy, mà đa số chúng ta hoặc làm ngơ, hoặc đành chấp nhận một cách thụ động?

 

 “Tôi cũng là một giáo viên, đang dạy thêm, kiếm tiền, làm kinh tế như tác giả báo báo đang… bêu. Tôi thấy nhiều người chỉ biết nói theo đám đông mà chưa suy xét kỹ vấn đề.  Nếu chính sách tiền lương cho giáo viên thay đổi, đổi mới cách thi cử,  các vị phụ huynh không quá nặng nề về thành tích của con mình, không sỹ diện, nhồi vào đầu con trẻ tư tưởng phải hơn con nhà nọ nhà kia, thử hỏi có chuyện những chuyện như thế này hay không? Lỗi này là của chúng ta, mọi người ạ. Còn các khoản đóng góp, giáo viên được hưởng ư? Sai hết, cuối kỳ cuối năm phấn đấu đạt LĐTT chỉ được hơn người khác 50.000đ tiền Việt mà thôi” - Giáo núi:  nhtqpna@gmail.com

 

“Mình đồng ý với các phụ huynh về việc lạm thu phí ở các trường học. Nhưng mình nghĩ phụ huynh không nên nghĩ xấu về đại đa số giáo viên. Mình cũng là một phụ huynh có con học mầm non, thấy các khoản tiền thu thật sự rất lớn, nhưng có bao nhiêu đến được tay các cô trực tiếp chăm sóc bé, các cô cấp dưỡng đâu? Mình rất thông cảm với các cô” - Thanh Thảo:  thanhthao.tc@gmail.com

 

“Đừng trách giáo viên, họ cũng là phụ huynh như các bạn thôi. Chúng ta đều là nạn nhân của một cơ chế quản lí giáo dục tồi. Chính cơ chế quản lý đã tạo ra những bất cập trong ngành giáo dục như hiện nay.  Hãy công tâm mà nhìn nhận, đừng đổ tội cho cá nhân, tập thể nào, cũng đừng mang phẩm giá, đạo đức ra để đong đếm. Chỉ khi nào chúng ta thay đổi được cơ chế quản lý giáo dục, thì lúc ấy mới có hy vọng” - Mai Sơn: maingach09@gmail.com

 

“Đây là bệnh có từ lâu rồi mà không ai dẹp được, có lẽ hết thuốc chữa rồi chăng? Vì các bộ ngành liên quan không thấy có một động thái cụ thể nào, thì PHHS cứ kêu đi và "HÃY ĐỢI ĐẤY"... vì "nhà tôi có ai bị sao đâu"???” - Hoc: phamhongthai01012012@gmai.com

 

Khánh Tùng