Tiếng Anh đội sổ thì "Make in Việt Nam" thế nào?

Không giỏi tiếng Anh thì không mở cửa đi ra với thế giới được, nói chi chuyện bốn chấm với ba chấm.

Muốn có sản phẩm "Make in Việt Nam" thì cũng phải học, tiếp thu tri thức từ thế giới. Muốn tiếp thu tri thức thế giới thì phải giỏi tiếng Anh. Không giỏi tiếng Anh thì không mở cửa đi ra với thế giới được, nói chi chuyện bốn chấm với ba chấm.
 

Thống kê từ dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của 62 tỉnh thành cho thấy, chiếm vị trí "đội sổ" năm nay tiếp tục là môn tiếng Anh. Cả nước có 1.262 bài bị điểm liệt (dưới 1 điểm), trong đó Tiếng Anh là môn thi có nhiều điểm liệt nhất, với 543 bài thi - chiếm tỉ lệ 0,07%.

Tiếng Anh đội sổ thì Make in Việt Nam thế nào? - 1

Năm nay, môn tiếng Anh có số thí sinh đạt điểm dưới trung bình cao kỷ lục, với 472.990 thí sinh đạt điểm dưới trung bình (chiếm tỉ lệ 63,13%).

Chất lượng đào tạo tiếng Anh của ngành giáo dục Việt Nam có vấn đề, rất thấp và không đồng đều. Nếu có nhóm trội lên thì chỉ tập trung ở các thành phố lớn, còn các tỉnh nông thôn, vùng xa, miền núi chắc chắn từ điểm liệt đến dưới trung bình.

Chúng ta thiếu giáo viên tiếng Anh, số lượng và chất lượng cũng không đáp ứng được yêu cầu. Đây chính là nguyên nhân căn bản dẫn đến thứ hạng "đội sổ" như đang chứng kiến.

Tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2018, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất: "Chúng ta nói đến start up không chỉ ở Việt Nam mà cần dần vươn ra toàn cầu. Để giải quyết câu chuyện toàn cầu, hiện vẫn còn điểm nghẽn là tiếng Anh. Xin Thủ tướng sớm công bố tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của đất nước Việt Nam”.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng thống nhất quan điểm này: “Việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam trước sau cũng phải thực hiện. Công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai sẽ thúc đẩy việc lớp trẻ học tiếng Anh. Nếu không phải toàn dân học tiếng Anh thì ít nhất là lớp trẻ”.

Và quan điểm này không phải mới mẻ gì, từ năm 2007, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu gợi ý: "Đại học Việt Nam nên có sách giáo khoa tiếng Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ... bởi nếu chỉ dùng sách Việt Nam thì chắc chắn sẽ tụt hậu".

Nhưng, với trình độ tiếng Anh của học sinh phổ thông hiện nay, sách tiếng Anh làm sao đọc được?

Và không đọc được sách tiếng Anh thì không thể tiếp thu tri thức, công nghệ để làm ra sản phẩm, để làm ông chủ trên thị trường thế giới. 

Còn nhớ, cũng chính Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng nêu ra khái niệm "Make in Việt Nam". Hai việc lớn "tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai" và "Make in Việt Nam" có quan hệ cực kỳ gắn bó, không có tiếng Anh làm công cụ thì đừng nói chuyện "make" cái gì cả.

Cho nên, qua các kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, cho thấy cần nghiêm túc xem xét lại các ý kiến đề xuất về sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai.

Chúng ta đã quá muộn để thực hiện chiến lược này, nhưng vẫn có thể bắt đầu để đi tới. Không giỏi tiếng Anh, thế hệ trẻ Việt Nam không thể hội nhập quốc tế, không bao giờ trở thành công dân toàn cầu.

Theo Lê Chân Nhân

Lao động