Bạn đọc viết:

Tiến sĩ “giấy” – “giấy” ở chừng mực nào?

(Dân trí) - Khi “TS giấy” ám chỉ sự thiếu hụt năng lực chế tạo của các nhà khoa học, chúng ta cần xem xét lại TS ở mức độ nào là “giấy”, thông qua việc tìm hiểu các loại bằng cấp TS, thuộc tính đào tạo và ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.

Gần đây một số tờ báo đưa tin một doanh nhân chế tạo được tàu ngầm. Rồi trước đó là tin về bác nông dân lai tạo thành công giống mít lạ, anh thợ sửa xe máy chế tạo trực thăng, hay em học sinh nọ sáng chế ra máy quét rác thông minh. Đó là tin mừng về khả năng sáng tạo của người Việt và của nhân loại nói chung. Công luận ca ngợi những chế tạo này (tôi không sử dụng từ “phát minh” vì “phát minh” là một phát kiến hoàn toàn mới mẻ). Thậm chí với hơn 200 bình luận, một bộ phận công luận còn cho rằng doanh nhân chế tạo tàu ngầm tài năng hơn vài chục tiến sĩ (TS) (!?)

“TS giấy” – Một khái niệm mang ý nghĩa mới. Ngoài ý nghĩa thường gặp của “TS giấy” khi mỉa mai những người học TS theo những phương thức đào tạo không hợp pháp hay khoa học, cụm từ “TS giấy” còn nhằm nói đến những nhà khoa học không có khả năng chế tạo.

 

Khi “TS giấy” ám chỉ sự thiếu hụt năng lực chế tạo của các nhà khoa học, tôi cho rằng chúng ta cần xem xét lại tiến sĩ ở mức độ nào là “giấy”, thông qua việc tìm hiểu các loại bằng cấp TS, thuộc tính đào tạo, và ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.

 

Các loại bằng TS
 
Nhìn chung, trên thế giới có bốn loại:

 

+ TS nghiên cứu (Doctor of Philosophy, DPhil hay PhD) chuyên về đào tạo sinh viên có khả năng nghiên cứu.

 

+ TS chuyên nghiệp (professional doctorate) nhằm đào tạo những người có hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc, muốn có khả năng ứng dụng kiến thức vào công việc.

 

+ TS thông qua công trình xuất bản (doctorate by publication) hướng đến việc đào tạo cấp bằng cho những nhà nghiên cứu đã xuất bản các công trình ở dạng sách, biên khảo, bài báo khoa học có thẩm định, hoặc tác phẩm nghệ thuật.

 

+ TS danh dự (honorary doctorate) là danh hiệu trường đại học chỉ chọn lọc cấp cho những ai có đóng góp to lớn cho trường hoặc cộng đồng, thường mang ý nghĩa nhân văn và ngoại giao.

 
Thuộc tính của chương trình đào tạo TS
 
 

Thuộc tính của chương trình đào tạo TS - Kỹ năng nghiên cứu độc lập

 

Ngoại trừ bằng TS danh dự, các chương trình TS không mưu cầu đào tạo khả năng “phát minh” để làm thay đổi thế giới. Ví dụ chương trình TS khoa học máy tính của Đại học Bách Khoa Hà Nội hướng đến mục tiêu đào tạo sinh viên “có trình độ chuyên môn sâu, có khả năng nghiên cứu và lãnh đạo nhóm nghiên cứu của chuyên ngành, có tư duy khoa học, có khả năng tiếp cận và giải quyết các vấn đề khoa học chuyên ngành, có khả năng trình bày – giới thiệu các nội dụng khoa học, đồng thời có khả năng đào tạo các bậc đại học và cao học”.

 

Nếu mỗi năm hơn 8.000 trường trên thế giới đào tạo ra hơn 100.000 TS có khả năng thay đổi thế giới bằng những phát minh, như vậy sau một thế kỷ thì chắc là thế giới sẽ bị thay đổi đến từng hạt bụi! Thay vì vậy, các viện đào tạo luôn nhấn mạnh đến năng lực nghiên cứu độc lập để giảng dạy ở bậc học đại học, nghiên cứu ở các viện, hay phát triển chuyên môn theo hướng độc lập.

 

Tại sao cần đào tạo năng lực nghiên cứu lý thuyết?
 
Nghiên cứu để tạo ra lý thuyết – Ứng dụng lý thuyết để thực hiện nghiên cứu mới hoặc chế tạo. Do đó, phát minh ra cái mới là một thành quả lao động trí óc, sáng tạo, nghiên cứu và thử nghiệm. Một phát minh thực thụ bao giờ cũng là thành quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Tất cả phát minh lấy kết quả nghiên cứu lý thuyết làm nền tảng. Các nghiên cứu này tồn tại trên… giấy!

 

TS “giấy” đến mức nào?

 

Là một nước đang phát triển nên Việt Nam cần có những chất xúc tác đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Chúng ta cần những kết quả nghiên cứu để áp dụng nhanh vào thực tiễn. Nhưng điều này không có nghĩa rằng tất cả nghiên cứu phải giải quyết vấn đề và thay đổi cuộc sống.

 

Nếu nói như vậy thì chắc là hàng trăm vị TS tốt nghiệp kinh tế ở Harvard hay Stanford đã giúp chính phủ Mỹ không rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Hàng trăm giáo sư và TS trên thế giới đã có thể chặn đứng thiên tai và cứu sống hàng triệu mạng người!

 

Nghiên cứu về bổ đề cơ bản của Giáo sư Ngô Bảo Châu đã tạo ra điều thiết thực gì cho cuộc sống mà được trao giải Fields năm 2010? Giáo sư Peter Higgs và Francois Englert đã “chế tạo” cái gì cho thế giới với nghiên cứu lý thuyết về nguồn gốc của khối lượng các hạt dưới nguyên tử? Họ không có “chế tạo” nào nhưng tại sao lại được trao giải Nobel Vật lý năm 2013?

 

Nghiên cứu để tạo nền tảng cho sự hiểu biết mới trong chuyên ngành. Sự hiểu biết mới sẽ được ứng dụng như thế nào phụ thuộc vào hoàn cảnh của người sử dụng trong bối cảnh quốc gia và cộng đồng cụ thể. Là nhà khoa học, TS có nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu để công bố. Sự công bố kết quả nghiên cứu của họ được đánh giá thông qua hội đồng khoa học, các tạp chí quốc tế, hay các nhà xuất bản. Nói cách khác, sự đóng góp của họ thông qua bằng cấp, bài báo, sách, hay các tác phẩm nghệ thuật. Tất cả đều nằm trên… giấy! Nói họ là TS “giấy” cũng không sai chút nào!

 

Nhiều luận văn thạc sĩ, tiến sĩ và bài báo khoa học ở Việt Nam có tựa đề là “thực trạng và giải pháp” cho một vấn đề gì đấy, ở địa phương nào đấy. Các tựa đề nghe có vẻ thuộc về nghiên cứu ứng dụng. Điều đó cho thấy tham vọng của nhà nghiên cứu muốn làm thay đổi cuộc sống thông qua nghiên cứu của mình. Nhưng quá trình học tập 2 năm cho thạc sĩ và 3 đến 4 năm cho TS có đủ để làm thay đổi cuộc sống không?

 

Giả định rằng các nghiên cứu này có thể tạo ra thay đổi tích cực cho cộng đồng và tạo ra hiểu biết mới trong chuyên ngành, vậy họ có dựa trên nền tảng lý thuyết từ các nghiên cứu trước đó không? Nhân loại thừa hưởng kiến thức mới từ các nghiên cứu làm thay đổi cuộc sống đó là gì? Những tờ giấy mà họ viết ra hay của các nhà khoa học đi trước đã công bố được chuyển tải như thế nào vào cuộc sống, hay chỉ là… giấy trên kệ sách trong thư viện mà thôi?

 

Nói tóm lại, TS nào cũng là TS “giấy”. Nhưng giá trị của “giấy” nằm ở mức độ ứng dụng của lý thuyết được sử dụng vào việc tạo ra cái mới cho nhân loại.

 

Mai Quốc Đạt