Tiền công đức: Quản lý sao cho không hành chính hóa
(Dân trí) - Như bạn Lê Minh đã viết: “Tôn giáo là vấn đề rất nhạy cảm, cẩn thận kẻo không khéo lại "chữa bò lành thành bò què", nên khi bàn đến chủ đề “Tôn trọng tín ngưỡng nhưng không để lợi dụng công đức”, ai cũng có ý kiến riêng dù cũng có những điểm chung.
Điểm chung trước hết là không ai có thể dửng dưng trước một thực tế đúng là rất đáng buồn vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi trên đất nước ta. Đó là tình trạng thương mại hóa, thậm chí lợi dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, trục lợi cho cá nhân hoặc nhóm người này, nhóm lợi ích khác vẫn đang diễn ra ở không ít nơi cửa Phật, khiến nhiều người đã phải lên tiếng bày tỏ sự nuối tiếc, xót xa:
Nguyễn Thị Hạnh than thở: “Nhà chùa lẽ ra nên là nơi thanh tịnh, yên bình để nhân dân có chốn giúp làm cho tâm hồn bình lặng lại… Nhưng nhiều chùa bây giờ ồn ào quá, xô bồ quá, thương mại quá... Rất ít nơi còn được sự yên bình, tĩnh mịch xưa...”
Phạm Viết Lợi nêu rõ: “Nhà chùa tuy là chốn linh thiêng, nhưng quả thực gần đây nhiều chùa đã bị thương mại hóa. Có lẽ đã đến lúc Giáo hội Phật giáo VN nên chấn chỉnh lại, để củng cố lại niềm tin trong dân chúng. Đồng thời trả lại sự thanh tịnh, linh thiêng chốn cửa Phật.
Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh tâm nguyện: “Nên trả lại sự thanh tịnh đúng nghĩa cho Phật giáo. Hãy thực hiện việc đầu tiên là bỏ bớt hòm công đức đi. Mỗi chùa chỉ nên đặt 1 hòm thôi”…
Trước thực trạng mà báo chí cùng người dân đi lễ chùa đã nhiều lần lên tiếng, Nguyễn Đình Yên viết:
“Điều đáng buồn là hiện nay vấn nạn "hòm công đức" đã trở nên quá phổ biến và nặng nề, đến mức mọi người cảm thấy là "bình thường" và "quen đi". Ngày xưa, mỗi cơ sở thờ tự chỉ có duy nhất một hòm công đức, duy nhất đặt gần bát hương cộng đồng. Ai muốn hiến, cúng tiến gì, nếu không gặp trực tiếp người trị sự thì cứ việc gửi vào hòm công đức. Nay thì cứ trước mỗi vị tượng, mỗi bài vị, mỗi bát hương lại có một "hòm công đức" kèm ổ khoá như thể "phân cấp quản lý" vậy. Đây là hình ảnh phản cảm… và nhiều khi còn bị kẻ xấu lợi dụng "sáng tác" thêm bát hương đặt ké vào khuôn viên cơ sở thờ tự để thu lời bất chính”.
Bởi vậy, Lê Minh một mặt cho rằng cần rất thận trọng với vấn đề tế nhị này, mặt khác cũng nhấn mạnh:
Như thế nhà chùa cũng bớt công sức, ban bệ quản lý công đức. Người dân không cần đổi tiền lẻ, để tiền bay lung tung, lãng phí và gây phản cảm cho du khách, nhất là du khách nước ngoài. Như thế nơi chùa chiền mới trang nghiêm. Còn tiền công đức nên có ban quản lý chi tiêu cho hợp lý, nên để trụ trì chùa và địa phương làm việc này. Những người này cần được dân tín nhiệm cử ra làm”.
Bàn về khái niệm “quản lý” cũng như nên hay không thành lập nên các ban quản lý tiền công đức, Thùy Linh cho rằng:
“Tôi nghĩ công đức là tốt, nhưng mỗi chùa chỉ nên có 1 hòm công đức ở ban Tam Bảo hoặc có 1 bàn ghi nhận công đức riêng. Việc la liệt hòm công đức trong các đình chùa, miếu mạo hiện nay quả thật là phản cảm. Các chùa trở thành nơi thờ cúng cả các vị thánh, mẫu, rồi lại cả ban thờ ngoài trời, mỗi ban thờ lại đi kèm với 1 hòm công đức là không đúng với tinh thần phật giáo VN. Nên chăng, trước hết Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tiếp theo là Bộ Văn hoá TTDL nên có quy chế quy định: mỗi cơ sở thờ tự chỉ có một hòm công đức duy nhất đặt ở nơi mọi người dễ tiếp cận”.
Bui Xuan Tien cũng nhấn mạnh vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước:
“Tôi thấy công tác QLNN về hoạt động văn hoá còn nhiều vấn đề phải bàn và cần phải được quan tâm trên hết. Bởi lẽ Văn hoá chính là thước đo trình độ phát triển của mỗi dân tộc, mỗi thiết chế xã hội, của mỗi con người.
Điều 1, Chương I, Pháp lệnh Tôn giáo nêu rõ: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo cũng như công dân có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau phải tôn trọng lẫn nhau. Qua đấy thấy rõ: đã là công dân Việt Nam thì dù theo tôn giáo nào cũng phải chấp hành đúng quy định của pháp luật. Các hoạt động của những người không theo tôn giáo nào hay theo tôn giáo đều phải bình đẳng và chịu sự quản lý của pháp luật.
Trong khi đó, với tư cách cũng là một vị trụ trì chùa, độc giả Thích Giác Minh nêu một dẫn chứng về cách làm khác:
“Tôi cũng là một người trụ trì chùa, nhưng chẳng để hòm công đức nào cả thì quản lý thế nào? Tôi cũng chẳng muốn xin xỏ ai, ai có cho thì đưa tận tay, chỉ vừa đủ sống thì quản lý để làm gì. Phật giáo mà nói tới việc quản lý tiền hay hòm công đức là một vấn đề rất tế nhị, nhưng vấn đề đặt hòm công đức cần xem lại”.
“Đúng là các đền chùa hiện nay quá lạm dụng hòm công đức, chỗ nào cũng thấy hòm công đức. Nhưng đến việc này mà cũng phải đưa ra quy định thì tôi thấy… nực cười quá. Các nhà chùa nên tự điều chỉnh cho hợp lý, mỗi ngôi chùa - đền chỉ đặt một hòm công đức thôi” - Phạm Anh Ngọc.
“Đi chùa nên thành tâm lễ Phật để tâm hồn được thanh thản. Không nên quá nặng nề việc tiền công đức, không nên hành chính hóa nhà chùa. Nhưng tôi nghĩ cũng nên có quy định để tránh thất thoát tiền công đức của dân” - Nguyễn Thị Vỹ.
“Hình như các vị ở Bộ VHTTDL chưa hiểu nhiều về niềm tin tôn giáo ở nhiều người dân. Niềm tin tôn giáo trong lòng người có 1 vị trí rất quan trọng, họ đến đền chùa cúng tiền công đức là họ rất tin ở Tam bảo. Nếu biết nhà nước quản lý tiền công đức, thì họ phản ứng như thế nào đây?... Mong suy xét cẩn thận” - Hội An.
“Nên quản lý tiền công đức, nhưng không nên hành chính hóa. Bởi e là thêm khâu quản lý kiểu hành chính ấy thì sẽ thêm khâu tham nhũng, sách nhiễu. Nhưng Hội Phật giáo nên có cách quản lý để tránh việc các chùa tự ý thu gom tiền công đức rồi xây nhiều tòa nhà, tòa tượng không cần thiết. Trong khi dân sinh còn biết bao nhiêu bức bối, biết bao kiếp người còn thống khổ... Hãy để tiền đó mà cứu giúp người khốn khó, "cứu một mạng người bằng xây 10 pho tượng" mà” - Nguyễn Hoài Lâm Vy.
“Mình nghĩ việc hành chính hóa để quản lý tiền công đức sẽ khó mà thực hiện, mà cũng không nên đưa quản lý vào với tiền tín ngưỡng. Nhưng Giáo hội Phật giáo nên có quy định chặt chẽ như quy định các nhà chùa phải báo cáo hàng năm việc thu chi, nếu phát hiện sai phạm sẽ phải xử lý nghiêm minh” - Nguyễn Công Tâm.
“Cần quản lý chặt chẽ hơn tiền công đức. Dù không nên hành chính hóa, nhưng nhà chùa hoàn toàn có thể công bố cho phật tử biết năm nay công đức được bao nhiêu tiền, chi vào những việc lớn gì...” - Đỗ Nhật Phi.
“Công đức là do tâm đức của mỗi cá nhân khi đến đền chùa. Việc này nếu các nhà quản lý làm mạnh tay quá, tôi nghĩ, cũng có thể sẽ gây ra tác dụng ngược lại. Tôi nghĩ rằng đền chùa là nơi để con người đến để tu tâm, bỏ tiền vào hòm công đức cũng là một hành động đẹp để góp một phần nhỏ bé vào xây dựng đền chùa đẹp hơn. Chỉ mong rằng các nhà quản lý sử dụng nó đúng mục đích bằng cái tâm của mình. Đến một vài nơi đền chùa còn có tình trạng thu vé vào cửa với mức phí rất cao, thì tôi mới thấy thật đáng buồn. Mỗi người đi thắp hương cho tổ tiên, cha anh mình sao phải nộp phí? … Kính mong các nhà quản lý nhìn nhận lại để trả lại sự thanh bình, thoát tục vốn có ở những chốn linh thiêng này” - Mr. Bui Van Hai nhấn mạnh tới cái Tâm và cái Đức trong hành động này của mỗi con người khi tới nơi cửa Phật. Đồng thời cũng cho rằng cũng không nên có sự quan thiệp rõ rệt quá ở đây.
Và để hài hòa các yếu tố trên, Lưu Quốc Trí đề xuất:
“Theo tôi nghĩ, có thể có 4 bước để chấn chỉnh lại tình trạng thương mại hóa tín ngưỡng... như sau:
- 1 là: Đối với các địa điểm tôn giáo cần lắp đặt các hòm công đức ở những nơi thuận tiện nhất cho người đi thăm viếng, cần đặt tránh xa các vị trí thờ tự để đảm bảo tính nghiêm minh, linh thiêng của tôn giáo. Đồng thời cần bố trí các camera giám sát tại những vị trí quan trọng để tránh tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng để moi tiền công đức. Ngoài ra, các địa điểm tôn giáo cũng cần phải sử dụng tiền công đức đúng với mục đích của nó là "cứu nhân độ thế" giúp đỡ người nghèo....
- 2 là: Chính quyền các địa phương cần tập trung phối hợp với các địa điểm tôn giáo để giám sát, quản lý và định hướng cho các hoạt động tôn giáo phù hợp với các chủ trương - đường lối - chính sách và pháp luật của Đảng - Nhà nước ta. Thường xuyên giúp đỡ trong việc bảo vệ an ninh trật tự vào các dịp lễ lớn, và cùng với các địa điểm tôn giáo tổ chức sử dụng hợp lý số tiền công đức vào các hoạt động an sinh xã hội của địa phương. Ngoài ra, chính quyền cần cấm tuyệt đối các hành vi sử dụng xe công, tài sản công của cán bộ công chức đi lễ....Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
- 3 là: Cơ quan văn hóa địa phương cần tuyên truyền cho nhân dân sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa lành mạnh, bài trừ và ngăn chặn triệt để mê tín dị đoan.
- 4 là: Người dân cần học cách tôn trọng các địa điểm tôn giáo tín ngưỡng, tránh các hành vi tỏ ra quá mù quáng vì mê tín dị đoan. Cần phải thực hiện tốt các nội quy - quy chế tại các địa điểm tôn giáo để góp phần đảm bảo tính tôn nghiêm...
Nguyễn Thu Hương nêu cụ thể thêm: “Theo tôi, nên cấm việc mâm cao cỗ đầy, cấm việc đưa thực phẩm thịt gà, đầu heo vào chùa - làm mất đi sự linh thiêng, thiện từ của chùa. Cúng bái kiểu này cũng đi ngược với lòng từ bi, cấm sát sinh của Phật”.
Nguyễn Hạnh Nguyên lý giải: “Dân mình còn hiểu sai về đạo Phật, nên khi đi chùa cứ mâm cao cỗ đầy, nhét tiền tứ tung vào tượng Phật. Đạo Phật hướng người ta thoát bể khổ bằng cách từ bỏ tham, sân, si, ái, dục. Vậy mà đi chùa cứ mâm cao cỗ đầy, xin đủ thứ nọ kia thì làm sao mà có Phật nào độ cho được”.
Nguyên bày tỏ nguyện vọng: “Cần có chế tài xử phạt nặng đối với những cá nhân lạm dụng tín ngưỡng mà làm bậy bạ, lừa đảo, mê tín dị đoan, làm mất đi những nét truyền thống trong phong tục của người Việt Nam….”
Dù còn có những ý kiến trái ngược nhau về vấn đề này, song chắc chắn tất cả chúng ta đều có một mong muốn chung là góp phần để xây dựng một môi trường lành mạnh, trong sáng ở những chốn linh thiêng. Muốn vậy, luôn đòi hỏi ở mỗi con người chúng ta cái tâm song hành cùng niềm tin, ý thức mình vì cộng đồng, cùng hướng tới mục tiêu "chân - thiện - mỹ", cùng chung tay làm nên những điều tốt đẹp cho cuộc đời…
Kiều Anh